Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình 2022: Kết nối, tôn vinh các di sản văn hóa

Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình 2022 là một sự kiện văn hóa quan trọng, thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng và giới truyền thông trong và ngoài nước. Xung quanh sự kiện này, phóng viên Báo Ninh Bình có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình 2022.

Tuyên truyền, cổ động trực quan về Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình 2022 trên tuyến đường trung tâm thành phố Ninh Bình. Ảnh: Minh Quang

Phóng viên: Đồng chí cho biết những nét khái quát nhất về Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình 2022?

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường: "Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình năm 2022" với chủ đề "Hoa Lư vang mãi ngàn năm" dự kiến được tổ chức từ ngày 17/11 đến ngày 19/11 tại thành phố Ninh Bình. Chương trình sẽ có 5 hoạt động đặc sắc được diễn ra trong 3 ngày, bao gồm: Chương trình khai mạc Festival; Triển lãm di sản văn hóa và lịch sử truyền thống; Chương trình lễ hội đường phố; Chương trình đại nhạc hội di sản văn hóa và âm hưởng đương đại; Chương trình bế mạc Festival.

Chương trình khai mạc Festival sẽ được tổ chức vào 20h ngày 17/11 tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế. Lễ bế mạc vào 20h ngày 19/11 tại Phố cổ Hoa Lư. Tham gia Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình năm 2022 có 14 tỉnh, thành phố, đại diện cho các vùng, miền trong cả nước, bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, TP. Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Cà Mau và Ninh Bình.

Bên cạnh đó, Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình năm 2022 còn có sự tham gia của Đoàn nghệ thuật tỉnh Udomxay (Lào) - địa phương kết nghĩa với Ninh Bình và có sự góp mặt của hơn 70 hoa hậu là đại diện của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia Cuộc thi Hoa hậu Du lịch thế giới sẽ trình diễn trong Chương trình khai mạc, Chương trình Lễ hội đường phố của Festival. Qua đây, người dân và du khách sẽ có cơ hội tiếp cận với các loại hình nghệ thuật đặc sắc, độc đáo của nhiều đoàn nghệ thuật trong nước, quốc tế và các hoa hậu mang dấu ấn của nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Đây cũng là tiền đề để các lần tổ chức tiếp theo, tỉnh Ninh Bình sẽ có thể mời gọi thêm nhiều hơn nữa các tỉnh, thành phố trong nước và các vùng di sản thế giới trên khắp năm châu cùng tham gia, tạo cơ hội tương tác, tiếp cận giữa các nền văn hóa trên thế giới, góp phần gắn kết tình yêu thương, đoàn kết giữa các dân tộc, các quốc gia, gìn giữ hòa bình và hợp tác phát triển.

Phóng viên: Theo đồng chí, mục tiêu và ý nghĩa quan trọng nhất mà Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình 2022 hướng tới là gì?

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường: "Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình năm 2022" do tỉnh Ninh Bình tổ chức hướng tới mục tiêu là kết nối các di sản, kết nối các giá trị văn hóa các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế có di sản được quốc gia và quốc tế công nhận. Bao gồm di sản thế giới, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tham gia các hoạt động theo định hướng và trong khuôn khổ. Chủ đề chính của Festival với mục tiêu cốt lõi là giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh các di sản văn hóa, góp phần xúc tiến du lịch, thương mại và mở rộng hợp tác.

Tuy nhiên, các "đặc sản văn hóa" mà các địa phương có di sản mang tới không chỉ là một tập hợp các di sản, mà quan trọng là di sản ấy sẽ có cơ hội được phô diễn, quảng bá sâu rộng trước công chúng. Tất nhiên, các di sản có ý nghĩa liên kết, bổ khuyết cho nhau, tôn vinh lẫn nhau trong một dòng chảy văn hóa truyền thống chung. Và tỉnh Ninh Bình, với vai trò là địa phương tổ chức sẽ có cơ hội lớn giới thiệu nét đặc sắc văn hóa của mình, các di sản của tỉnh với bạn bè trong nước và quốc tế. Hiện Ninh Bình có 81 di tích cấp quốc gia (có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 1 di sản thế giới), 5 bảo vật quốc gia. Trong đó, Quần thể danh thắng Tràng An là di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Cố đô Hoa Lư - di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Ngoài ra, còn nhiều di sản vật thể và phi vật thể có giá trị khác như: Long sàng, Cột kinh đá ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư được công nhận là Bảo vật quốc gia...

Festival là sự kiện văn hóa, du lịch có ý nghĩa quan trọng nhằm đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa và tôn vinh các di sản văn hóa, xúc tiến, quảng bá du lịch giữa các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế, đồng thời là hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11). Thông qua việc tổ chức Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình năm 2022 góp phần quảng bá hình ảnh, di sản văn hóa, con người của tỉnh Ninh Bình nói riêng và các tỉnh, thành phố trong nước, các địa phương quốc tế tham gia Festival nói chung đến bạn bè trong và ngoài nước.

Phóng viên: Để "Festival Tràng An kết nối di sản" trở thành đặc sản văn hóa, thành thương hiệu của Ninh Bình và Tổ chức đều đặn 2 năm một lần, phía Ban tổ chức có kế hoạch dài hạn như thế nào để Festival thực sự trở nên độc đáo, có bản sắc riêng so với các Festival của các địa phương khác?

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường: Đây là lần đầu tiên tỉnh Ninh Bình tổ chức Festival Tràng An kết nối di sản, trong khi thời gian chuẩn bị không nhiều. Do vậy, trước mắt, tại kỳ Festival này, các hoạt động chỉ giới hạn trong 5 nội dung như đã nói ở trên. Tuy nhiên, như tên gọi của Festival là "Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình 2022", chúng tôi nhấn mạnh 2 vấn đề đó là: sự "kết nối" giữa các di sản và Festival "Ninh Bình 2022". Như vậy, ngay trong tên gọi đã nhấn mạnh yếu tố văn hóa Ninh Bình tại kỳ Festival này.

Với cương vị là địa phương tổ chức, chúng tôi sẽ cố gắng ở mức cao nhất để giới thiệu cho công chúng, bạn bè các tỉnh, thành phố về sự giàu có của các tài nguyên văn hóa Ninh Bình, những nét độc đáo mà các di sản của Ninh Bình hiện có; sự độc đáo, khác biệt của di sản văn hóa Ninh Bình với các tỉnh. Song, điểm thú vị là việc kết nối các di sản không làm các di sản khác bị mờ nhạt, mà còn bổ khuyết cho nhau, tôn vinh nhau, làm cho mỗi di sản hấp dẫn hơn trong mắt công chúng.

Tất nhiên, trong kịch bản cụ thể của "Festival Tràng An kết nối di sản-Ninh Bình 2022" chúng tôi sẽ không giới thiệu tất cả những gì trong kho tàng văn hóa mà Ninh Bình hiện có. Tùy điều kiện thực tế, sự cân nhắc từ phía Ban Tổ chức Festival tỉnh, sẽ đưa vào chương trình những loại hình văn hóa nào, di sản gì, để sao cho chương trình tổng thể phù hợp nhất, phát huy tác dụng cao nhất. Qua lần tổ chức này, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ rút kinh nghiệm, tham mưu cho UBND tỉnh có một kế hoạch dài hơi, để trong các kỳ Festival khác, yếu tố bản sắc văn hóa Ninh Bình sẽ ngày càng phát huy và độc đáo hơn.

Tôi nghĩ rằng, với "Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình 2022", những gì mà Ninh Bình chuẩn bị giới thiệu tới du khách, chắc chắn sẽ rất mới lạ, độc đáo, giàu bản sắc riêng. Bởi tài nguyên tự nhiên và nhân văn đa dạng của Ninh Bình cho phép chúng tôi lạc quan về điều này. Thêm nữa, khi xây dựng kịch bản cho "Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình 2022", chúng tôi căn cứ vào các giá trị tài nguyên văn hóa, thiên nhiên của tỉnh ta đã có...

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Mai Phương (thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/festival-trang-an-ket-noi-di-san-ninh-binh-2022-ket-noi-ton/d20221115081225672.htm