EU chưa đón Thổ Nhĩ Kỳ, tặng quà Nga hay Trung Quốc?

Lưỡng lự đón nhận Thổ Nhĩ Kỳ, đóng băng đàm phán với Ankara khiến Brussels phải ôm hận khi Erdogan hết kiên nhẫn, người dân Thổ Nhĩ Kỷ nói không với EU...

Đã 11 năm trôi qua, quá trình đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh Châu (EU) vẫn không tiến triển được bao nhiêu. Nếu tính từ khi Ankara gửi đơn tới Brussels xin gia nhập liên minh kinh tế hùng mạnh này vào năm 1987 thì đến nay đã gần tròm trèm 30 năm mà cây cầu nối Thổ Nhĩ Mỳ với EU vẫn chưa đổ xong móng trụ.

Cho đến nay giữa Ankara và Brussels mới chỉ thống nhất được 1 trong số 35 điểm mà Thổ Nhĩ Kỳ phải thực hiện để trở thành thành viên chính thức của EU, theo VOA. Cứ khi Ankara làm sáng lên cơ hội thì ngay lập tức Brussels lại chỉ ra rào cản mới đối với thành viên tiềm năng này. Vì vậy Tổng thống Erdogan hết kiên nhẫn với Brussels cũng không có gì ngạc nhiên cả

Khi Ankara chia sẻ gánh nặng dân nhập cư với Brussels, giới quan sát hy vọng, đây sẽ là cơ hội cho việc thúc đẩy đàm phán về thành viên EU cho Thổ Nhĩ Kỳ, song thực tế chỉ là việc đổi trao tiền – người giữa hai bên mà thôi. Brussels trả tiền cho Ankara để thực hiện sàng lọc và ngăn cản người nhập cư tràn vào Châu Âu. Giấc mơ EU vẫn là niềm đau chôn giấu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã hết kiên nhẫn với "giấc mơ EU" . Ảnh : Sputnik

Khi cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra thì một rào cản mới lại được dựng lên qua việc Erdogan thanh trừng những thành phần, lực lượng tham gia hay liên quan đến cuộc đảo chính nhằm lật đổ ông. Và rồi ngày 24/11 vừa qua Nghị viện Châu Âu đã ra nghị quyết kêu gọi Brussels đóng băng các cuộc đàm phán về việc Thổ nhĩ Kỳ gia nhập EU, theo The Guardian.

Dư luận đặt câu hỏi, tại sao nhiều quốc gia Đông Âu gia nhập EU rất nhanh gọn, nhẹ nhàng, sao với Thổ Nhĩ Kỳ lại nhiêu khê đến vậy? Phải chăng Thổ Nhĩ Kỳ không thể đáp ứng tiêu chuẩn của EU hay Brussels lo sợ việc Ankara ngồi cùng mâm sẽ gây hậu họa?

Brussels liên tục tạo sự lệch pha với Ankara, từ đó gây hiệu ứng ngược tạo bất ổn cho EU

Theo tài liệu của cia.gov, Thổ Nhĩ Kỳ có nền kinh tế đứng thứ 18 thế giới. Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở khu vực “ngã ba châu”: Á – Âu – Phi với nhiều tiềm năng cho sự phát triển của EU, nếu Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của định chế này. Không những vậy, Thổ Nhĩ Kỳ còn là thành viên NATO – liên minh quân sự mà hầu hết thành viên quan trọng của EU đều nắm giữ vai trò then chốt.

Có thể thấy rằng, nếu EU không mở rộng tiêu chí liên kết, mà chiếu theo nguyên tắc nền tảng liên hiệp châu Âu được xây dựng bởi cố Ngoại trưởng Pháp Aristide Briand – người đặt nền móng cho EU, hay Jean Monnet và Robert Schumann – kiến trúc sư cho sự ra đời Cộng đồng Than Thép châu Âu (ECSC), tiền thân của EU - thì Thổ Nhĩ Kỳ đã là thành viên EU từ lâu.

Điều đó cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ chưa thể gia nhập EU có nguyên nhân chính là sự thay đổi tiêu chí liên kết của Brussels trong quá trình phát triển EU. Tham vọng của lãnh đạo EU trong mở rộng tiêu chí liên kết đã khiến cho tổ chức này đang đối diện với nguy cơ phân rã, thậm chí tan rã. Song Brussels dù phải tìm cách đối phó chứ không cho thấy sẽ thay đổi quan điểm của mình.

Brussels lo ngại việc có thành viên là một quốc gia Hồi giáo sẽ gây bất ổn cho các mối liên kết xã hội khác trong liên minh Châu Âu. Cộng đồng người Hồi giáo vốn bị xem là có nền tảng tư tưởng khác biệt với các cộng đồng dân cư khác, mà tư tưởng của những người Hồi giáo cực đoan luôn khiến lãnh đạo EU dè chừng, từ đó Brussels e ngại tiếp nhận Thổ Nhĩ Kỳ.

Quan điểm này thể hiện sự cứng nhắc của lãnh đạo EU, điều đó càng khiến cho những người Hồi giáo đang sinh sống tại các nước thành viên EU cảm nhận rõ hơn sự phân biệt đối xử với họ. Hiệu ứng đó tạo ra mảnh đất màu mỡ cho tư tưởng cực đoan bám rễ và cắm sâu trong lòng Châu Âu. Như vậy việc gây khó trong xét kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ không phải là tốt cho Brussels.

Việc kéo dài thời gian đàm phán với Ankara còn khiến nảy sinh mâu thuẫn giữa các trụ cột quyền lực tại Brussels cũng như gia tăng mâu thuẫn giữa các thành viên EU. Trước động thái của Nghị viện Châu Âu, cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt cáo buộc cơ quan này xem ảnh hưởng trước mắt của chủ nghĩa dân túy hơn lợi ích chiến lược trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Người phụ trách chính sách đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini thì cho rằng Nghị viện Châu Âu đã bỏ mất một kênh quan trọng cho đối thoại với Ankara và tạo ra kịch bản “hai bên cùng thất bại” trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - EU. Bà Mogherini cho rằng hành động của EP đã làm giảm công lực cho đòn bẩy của EU cho những cải cách tại Thổ Nhĩ Kỳ, theo The Guardian.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/eu-chua-don-tho-nhi-ky-tang-qua-nga-hay-trung-quoc-3323798/