'Em bé Napalm' và nhiếp ảnh gia Nick Út lần đầu hội ngộ

Chiều 31-10, tác giả bức ảnh Nick Út và em bé Kim Phúc trong bức ảnh 'Em bé Napalm' có cuộc hội ngộ tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên họ gặp mặt sau 50 năm (1972-2022) ngày bức ảnh 'Em bé Napalm' ra đời.

Nhiếp ảnh gia, phóng viên chiến trường Nick Út và ''Em bé Napalm'' Phan Thị Kim Phúc lần đầu hội ngộ tại Việt Nam sau sự kiện lịch sử năm 1972. (Ảnh: Vietnam+)

Sau 50 năm kể từ khi nhiếp ảnh gia chiến trường Nick Út chụp bức ảnh "Em bé Napalm" nổi tiếng, tác giả và nhân vật đã lần đầu cùng hội ngộ tại Việt Nam.

Cuộc gặp diễn ra tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, trong khuôn khổ sự kiện "Nick Út - Em bé Napalm: Gặp gỡ 50 năm (1972-2022)" do Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức, nhân kỷ niệm 50 năm bức ảnh "Em bé Napalm" ra đời.

Khi đó, Nick Út là phóng viên trẻ mới 20 tuổi, đang làm việc cho hãng thông tấn AP. Thấy cô bé toàn thân bỏng rát, từng mảng da rơi ra, vừa chạy vừa thất thanh “Nóng quá, nóng quá!” ông giơ máy lên chụp và lưu giữ được khoảnh khắc vô giá này. Sau đó ông nhanh chóng đưa cô bé và người thân lên xe phóng viên để tới bệnh viện.

“Sau 14 tháng chữa trị ở bệnh viện, ba tôi cho xem bức hình. Thấy bức hình xấu quá, tôi không muốn nhìn, đó là cảm giác đầu tiên của tôi. Khi đó tôi cũng chưa biết bức hình nổi tiếng hay gì cả,” bà Kim Phúc chia sẻ.

"Em bé Napalm" - tác phẩm từng được bình chọn là có tính lay động nhất thế giới đã được Nick Út chụp tại đường quốc lộ 22 chạy qua thị trấn Trảng Bàng, Tây Ninh năm 1972.

Về sau, bà Kim Phúc dần thay đổi suy nghĩ về bức ảnh. Khi ấy, bà đã là một người mẹ, mong muốn mang đến một thế giới bình yên cho con mình và đã coi bức hình như một động lực để quý trọng hòa bình hơn.

Nhiếp ảnh gia Nick Út rưng rưng nhớ lại khoảnh khắc năm xưa: “Khi ấy, những nhiếp ảnh gia khác đã chụp xong và đều rời đi. Tôi thấy Kim Phúc và anh chị em của cô ấy còn đang chạy trên quốc lộ, khóc thảm thiết nên không thể bỏ đi được.”

Với mong muốn giảm sự đau đớn cho Kim Phúc, Nick Út đã đổ nước trong bi đông của mình lên người cô bé. Tuy nhiên điều đó vô tình khiến vết bỏng trở nên đau hơn. "Bom napalm tác dụng với oxy, khiến vết bỏng lại càng thêm rát hơn," bà Kim Phúc kể thêm về trải nghiệm khi ấy.

Nick Út đã trao lại một số hiện vật thời chiến của mình cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: HNM

Tại cuộc gặp mặt diễn ra tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, ông Nick Út đã trao lại một số hiện vật thời chiến của mình gồm chiếc máy ảnh Nikon ông dùng để tác nghiệp tại Quảng Trị năm 1972, chiếc túi đựng đồ, cái ca đựng nước và cả chiếc bi đông đổ nước lên người bà Kim Phúc năm xưa.

Hiện nay bà Kim Phúc đang sinh sống tại Canada cùng chồng là ông Bùi Huy Toàn và các con cháu. Với bà, ông Nick Út giống như một người chú và là một người bạn thân thiết của gia đình. Ngược lại, với Nick Út, bà Kim Phúc giống như một cô con gái.

Nick Út, tên thật là Huỳnh Công Út, sinh năm 1951, là phóng viên ảnh của hãng thông tấn Associated Press (AP) của Mỹ. Ở độ tuổi 20, Nick Út là phóng viên ảnh chiến trường của AP tác nghiệp tại chiến tranh Việt Nam.

"Em bé Napalm" đã mang đến cho Nick Út giải Pulitzer. Bức ảnh của ông đã được tờ New Statesman bình chọn là bức ảnh thời sự ấn tượng nhất mọi thời đại. Đây là bức ảnh làm thay đổi cuộc đời ông và Kim Phúc; đồng thời góp phần thức tỉnh lương tri nhân loại về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.

Tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, bức ảnh được trưng bày trang trọng cùng với câu chuyện xúc động khi nhà báo Nick Út đưa bé Kim Phúc lúc đó mới 9 tuổi vào bệnh viện và em đã được cứu sống.

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn//em-be-napalm-va-nhiep-anh-gia-nick-ut-lan-dau-hoi-ngo-179221101065910663.htm