Ecuador lập lại trật tự sau âm mưu đảo chính

NDĐT - THỜI NAY - Cuộc nổi loạn của cảnh sát bắt đầu từ ngày 30-9 khi một số cảnh sát đổ xuống đường và tiến công Tổng thống Rafael Correa lúc ông đang thương lượng với họ. Bạo lực lan rộng. Chính phủ Ecuador cho rằng có âm mưu đảo chính và ban bố tình trạng khẩn cấp năm ngày. Cộng đồng quốc tế lên án âm mưu đảo chính tại quốc gia Nam Mỹ này.

Tình hình Ecuador hỗn loạn sau khi cảnh sát nước này phát động cuộc nổi dậy phản đối biện pháp cắt giảm hà khắc của chính phủ. Bị một số cảnh sát ném lựu đạn hơi cay khi đang diễn thuyết ở Thủ đô Quito, Tổng thống Rafael Correa phải nhập viện và bị lực lượng cảnh sát nổi loạn bao vây tại bệnh viện suốt 12 giờ đồng hồ trước khi được quân đội giải cứu. Ngày 30-9, Tổng thống R.Corre ban bố tình trạng khẩn cấp trong năm ngày, đồng thời khẳng định một âm mưu đảo chính nhằm lật đổ ông đang được tiến hành. Ông tuyên bố không đàm phán với những cảnh sát nổi loạn trừ phi họ chấm dứt biểu tình phản đối Luật Dịch vụ công mới được thông qua, trong đó có Điều khoản 160 cắt giảm những khoản trợ cấp, tiền thưởng cho các lực lượng vũ trang. Làn sóng biểu tình nhanh chóng lan sang các trụ sở cảnh sát khác ở Thủ đô Quito, TP Guayaquil và một số tỉnh, TP khác. Cảnh sát nổi loạn lập ra các rào chắn bằng lốp xe để chặn các đường cao tốc dẫn vào thành phố. Hàng chục người mặc đồng phục đã tràn vào đường băng của sân bay chính ở Thủ đô Quito, khiến nhiều chuyến bay bị hủy. Cướp bóc xảy ra ở nhiều nơi. Bộ trưởng Ngoại giao Ricardo Patino ra Thông cáo ngoại giao tố cáo âm mưu đảo chính. Phó Tổng thống Lenin Moreno, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ernesto Gonzalez lên tiếng ủng hộ và bảy tỏ trung thành tuyệt đối với Tổng thống Correa. Trong khi đó, các nghị sĩ Ecuador tập trung tại trụ sở QH để bày tỏ ủng hộ ông Correa. Đông đảo quần chúng tại tất cả các thành phố trên toàn quốc, đặc biệt là tại Thủ đô Quito đã xuống đường ủng hộ ông Correa. Đến ngày 1-10, tình hình Ecuador đã yên tĩnh trở lại. Tổng thống R.Correa tuyên bố chính quyền đã kiểm soát tình hình đất nước. Ông cũng đã trở lại làm việc sau vụ bạo loạn này. Chính quyền cũng đã bổ nhiệm Tư lệnh lực lượng cảnh sát mới, thay thế Tướng Freddy Martinez từ chức sau vụ nổi loạn. Sân bay quốc tế và tòa nhà quốc hội cũng hoạt động trở lại sau khi bị lực lượng phiến loạn chiếm giữ. Biên giới giữa Ecuador với Colombia và Peru đã mở cửa trở lại trong ngày 1-10. Theo các nguồn tin nước ngoài, có 600 cảnh sát trong tổng số hơn 40.000 cảnh sát của nước này tham gia vụ đảo chính. Lực lượng cảnh sát đã trở lại làm việc bình thường. Phản ứng trước vụ bạo loạn tại Ecuador, các nước và tổ chức quốc tế đã đồng loạt phản đối âm mưu đảo chính đang diễn ra tại quốc gia Nam Mỹ này, bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống đương nhiệm Correa. Đại diện LHQ, Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) đều bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chính phủ dân cử và các thể chế dân chủ của Ecuador, thể hiện tình "đoàn kết tuyệt đối" và "ủng hộ không hạn chế" đối với ông Correa, kêu gọi tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị này. Đại diện Liên hiệp châu Âu (EU) phản đối âm mưu đảo chính và yêu cầu lập trật tự và tôn trọng hiến pháp. Chính phủ Cuba "cực lực phản đối cuộc đảo chính" nhằm lật đổ Tổng thống hợp hiến Correa. Tổng thống Venezuela H.Chavez coi đây là "hành động đảo chính điên rồ", kêu gọi các nước trong Liên minh Boliva cho châu Mỹ (ALBA) và Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) bảo vệ tổng thống hợp hiến của Ecuador. Tổng thống Chile S.Pinera bày tỏ sự ủng hộ đối với trật tự dân chủ tại nước này. Bộ trưởng Ngoại giao Brazil C.Amorim kêu gọi các tổ chức khu vực phản đối âm mưu đảo chính tại Ecuador. Chính phủ Colombia khẳng định chỉ thừa nhận Chính phủ của ông Correa. Bộ Ngoại giao Paraguay phản đối mọi âm mưu phá hoại thể chế dân chủ tại Ecuador. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ P.Crowley tuyên bố, "Washington đang theo dõi sát những gì diễn ra tại Ecuador", đồng thời bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn của Mỹ đối với Tổng thống Correa, hối thúc chấm dứt cuộc khủng hoảng một cách hòa bình. Nằm ở khu vực Mỹ la-tinh, Ecuador có 14,7 triệu dân. Trong vòng 13 năm qua, ba tổng thống Ecuador bị lật đổ bằng đảo chính. Cuộc bạo loạn lần này xảy ra khi nhà nước Ecuador gặp khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Chính phủ đối mặt với 3,2 tỷ USD nợ quốc tế từ năm 2008. Bộ trưởng An ninh Ecuador M.Carvajal cho biết có ít nhất tám người chết và gần 300 người khác bị thương trong cuộc bạo loạn. MINH QUANG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=184970&sub=82&top=45