E.coli không đợi đến mùa

PN - Theo các chuyên gia y tế, ngộ độc thực phẩm thường xảy ra nhiều nhất khi thời tiết nóng ẩm. Và phần lớn những vụ ngộ độc thực phẩm gây tiêu chảy là do E.coli. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng nhiễm E.coli đã không còn đợi mùa vì có quá nhiều cơ hội để vi khuẩn này sinh sôi nảy nở mỗi ngày.

Những kẻ “mai mối” tích cực Liên tục các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra gần đây là hồi chuông cảnh báo về thực phẩm nhiễm khuẩn, đặc biệt nhiễm E.coli. Kết quả khảo sát mới đây của Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho thấy, vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay rất đáng báo động. Cụ thể, nhiều mẫu thịt heo và thịt gà lấy ở nơi giết mổ tại TP.HCM bị nhiễm khuẩn E.coli vượt giới hạn cho phép. Một khảo sát gần đây của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM cũng làm nhiều người… phát hoảng: 67% bàn tay người làm dịch vụ thực phẩm trên địa bàn TP.HCM bị nhiễm E.coli; kem ly bán ở cổng trường tiểu học tỷ lệ số mẫu nhiễm E.coli là 96,7%; kem que bán ở cổng trường tiểu học nhiễm 83,3%; thức ăn sẵn bán ở đường phố 90,0% bị nhiễm E.coli. Hãy cẩn trọng với thức ăn đường phố - Ảnh: Phùng Huy Còn tại các quán ăn vỉa hè thì sao? Có lẽ không nói ra thì… ai cũng biết! Chỉ cần dạo một vòng trên đường Hòa Hảo, Sư Vạn Hạnh, Hồ Thị Kỷ (Q.10), An Dương Vương (Q.5) thì sẽ rõ. Hầu hết các hàng quán đều chật chội. Bên cạnh bàn khách ngồi thường là chậu nước rửa bát lềnh bềnh váng mỡ, thùng đựng cơm thừa, canh cặn đang bốc mùi. Tại một điểm bán trên đường Sư Vạn Hạnh (Q.10), đi ra phía sau khu nấu ăn, chúng tôi thấy một phụ nữ vừa xào rau, vừa lấy chân khều rổ thịt đang bày cùng dao thớt trên sàn nhà phủ một lớp mỡ đen sì, cáu bẩn. Còn quán cơm trước cổng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, trong căn phòng vài m2, ba người phụ nữ đang hì hục chế biến các món ăn để kịp giờ sinh viên tan học. Tại quán cơm trên đường Nguyễn Cư Trinh (Q.1), “bếp trưởng” chế biến thức ăn ngay bên cạnh đống ve chai sắt vụn, trên nền đất ẩm ướt, đầy rác rưởi. Người phụ nữ này đang chế biến thức ăn dưới nền đất gần mặt cống. Ảnh: Hoa Lài E.coli hiện diện nhiều ở toilet, cho dù được cọ rửa sáng bóng nhưng chỉ bằng xà bông giặt bình thường, thay vì bằng các loại nước chuyên dụng. Bởi theo các bác sĩ (BS), xịt và rửa nước thông thường cho bồn cầu chỉ là cách đẩy trôi các chất thô trên bề mặt mà mắt thường có thể thấy được. Sau bồn cầu, các vòi rửa tay chính là kẻ “mai mối” tích cực nhất để E.coli truyền từ tay người này sang người khác. Đứng ở toilet của một trung tâm thương mại lớn thuộc hàng bậc nhất tại TP.HCM, chỉ trong vòng 10 phút, chúng tôi ghi nhận có hơn 10 người lần lượt dùng chung vòi rửa tay mà thao tác sát trùng vòi trước khi sử dụng là… không hề có! Tại TP.HCM, hiện chỉ có một số rất hiếm hoi khách sạn và cao ốc hiện đại có trang bị hệ thống vòi nước tự động (nước tự chảy và tắt mà không cần đụng vào vòi). Có nhiều dòng E.coli, trong số này có một ít dòng gây hại cho con người. Hiện, chủng E.coli mới phát hiện ở các nước châu Âu là nguy hiểm nhất vì có độc tố hủy hoại đường ruột, gây đi tiêu ra máu, suy thận. Theo BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, BS Đinh Tấn Phương - Khối Cấp cứu BV Nhi Đồng I TP.HCM, tại VN chưa phát hiện trường hợp nào bị nhiễm E.coli như các báo cáo ở châu Âu. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, không nên chủ quan, bởi với việc mở rộng giao thương cả đường thủy, đường hàng không thì khuẩn E.coli từ châu Âu có thể dễ dàng “nhập cảnh” vào nước ta. Phòng bệnh: Dễ mà khó! Việc phòng bệnh bằng cách giữ vệ sinh ai cũng biết. Thế nhưng, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho rằng, về nguyên tắc vệ sinh thì ai cũng hiểu nhưng thói quen thì khó thay đổi. Chẳng hạn không ít người “sà” ngay vào mâm cơm mà quên rửa tay nhưng lại rửa tay rất kỹ sau khi ăn, kể cả rửa miệng vì phải đi làm việc, tiếp khách! Chính những bữa ăn cung cấp theo kiểu giá cả vừa túi tiền đã tặng cho E.coli “đôi hia bảy dặm” để đi đâu tùy thích. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến khoa tiêu hóa các bệnh viện luôn đông đúc bệnh nhân! Theo khảo sát của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) thì tiền giấy nhiễm E.coli rất nhiều, mệnh giá càng nhỏ tỷ lệ càng cao! Như vậy, tiền là “tòng phạm” trong việc tạo “công ăn việc làm” cho E.coli, và hành vi bốc thức ăn rồi cầm tiền thối cho khách là bán hàng… khuyến mãi E.coli. Các đối tượng có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai cần cảnh giác cao độ vì nếu đã nhiễm bệnh thường dễ trở nặng. Trong trường hợp cho con bú bình cần lưu ý tiệt trùng bình sữa đúng cách: tháo rời bình sữa, rửa ngay từng phần sau khi bé bú, rửa bằng nước lạnh tiệt trùng, hoặc bằng nước sôi; rửa tay bằng xà bông dưới vòi nước trước khi pha sữa cho bé… Các món ăn dành cho người cao tuổi trong ngày hè cần được ăn ngay sau khi nấu và nấu vừa đủ để không phải ăn lại thức ăn cũ. Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu những người kinh doanh thực phẩm phải khám sức khỏe định kỳ, tham gia tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm và có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Thế nhưng cho đến nay, vẫn còn nhiều hàng quán không đạt các tiêu chuẩn này. TS Lê Trường Giang - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Hàng rong, hàng quán nhỏ không cấp giấy chứng nhận nhưng vẫn hậu kiểm, nếu không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn phạt theo quy định hiện hành”. Nói vậy nhưng thực tế khó mà kiểm và phạt hàng rong. Trúc Đan - Hoa Lài

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/2011/Pages/ecoli-khong-doi-den-mua.aspx