Duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực

Nằm ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có vai trò chiến lược quan trọng toàn cầu - là nơi các cường quốc, trung tâm chính trị hàng đầu thế giới cạnh tranh, đan xen lợi ích phức tạp - ASEAN luôn cần đoàn kết, thống nhất để khẳng định và duy trì được vai trò trung tâm trong việc định hình một cấu trúc an ninh giúp mang lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực cũng như thế giới.

ASEAN luôn đoàn kết để khẳng định vai trò trung tâm trong các cấu trúc khu vực

Đoàn kết để khẳng định tầm quan trọng của ASEAN

Trong bài phát biểu dẫn đề Hội nghị bàn tròn Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 38 diễn ra tại Singapore ngày 3-10 với sự tham dự của hơn 200 nhà ngoại giao, các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của quốc tế và khu vực, Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cho rằng, thế giới đang bị phân mảnh và tất nhiên đây không phải là lần đầu tiên. Đây là hội nghị thường niên do Viện nghiên cứu ISEAS Yusof Ishak tổ chức nhằm thảo luận về những biến chuyển trong môi trường địa chính trị khu vực, quốc tế, những tác động với trật tự thế giới hiện hành và với ASEAN, cũng như tìm kiếm những giải pháp khẳng định vai trò của Hiệp hội trong việc định hình tương lai của Đông Nam Á và điều hướng trật tự toàn cầu có nguy cơ bị phân mảnh.

Với chủ đề “ASEAN trong một trật tự thế giới phân mảnh”, Hội nghị bàn tròn năm nay bao gồm các phiên thảo luận về các động lực của sự phân mảnh hiện nay, sự hội nhập kinh tế của khu vực, cách thức kiểm soát các điểm nóng của khu vực và ASEAN trong một thế giới đa cực. Hội nghị cũng đi sâu thảo luận về chính sách của Mỹ và Trung Quốc với khu vực, khuyến nghị cách tiếp cận và điều hướng của ASEAN, cũng như những điểm nóng tiềm tàng tại khu vực.

Chia sẻ quan điểm của Tổng thư ký ASEAN trong phát biểu đề dẫn, giới chuyên gia tham gia Hội nghị bàn tròn lần thứ 38 cũng có chung nhận định rằng, trật tự thế giới đang đối mặt với rủi ro phân mảnh, do vậy ASEAN cần đóng vai trò lớn hơn trong thiết lập trật tự thế giới dựa trên luật lệ. Theo các chuyên gia, sự phân mảnh đang ngày càng lớn do chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc gia tăng và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa những cường quốc hàng đầu thế giới như Mỹ và Trung Quốc. Ông Choi Shing Kwok, Giám đốc Viện ISEAS Yusof Ishak nêu rõ, bối cảnh địa chính trị thế giới và khu vực đang thay đổi, với các cường quốc triển khai các sáng kiến và cách tiếp cận của riêng họ đối với khu vực như Sáng kiến An ninh toàn cầu của Trung Quốc hay các chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khác nhau của Mỹ, Ấn Độ… và tất cả đều có tác động đến vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực.

Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến tại Hội nghị bàn cho rằng, toàn cầu hóa với những thành tựu đạt được trong 3 thập kỷ qua hiện có nguy cơ bị mất bởi sự phân tách kinh tế, có thể cảm nhận được từ sự xáo trộn trong chuỗi cung ứng hay các lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng thiết yếu, mang tính sống còn như năng lượng, lương thực… của các quốc gia. Đối mặt với những thách thức này, ASEAN đã, đang và cần tiếp tục duy trì được vai trò trung tâm với tư cách là một diễn đàn chủ chốt cho đối thoại và hợp tác ở Đông Nam Á cũng như khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khu vực này ngày càng đóng vai trò quan trọng và sự can dự của các nước lớn đối với khu vực vì thế cũng gia tăng.

Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, thực tế rõ ràng là vai trò của Hiệp hội ngày nay trong các vấn đề khu vực và quốc tế đã lớn hơn nhiều so với những ngày đầu thành lập. Trong bối cảnh địa chính trị phức tạp hiện nay, theo người đứng đầu Ban thư ký ASEAN, hơn bao giờ hết cần tăng cường đoàn kết và khẳng định, duy trì được vai trò, tầm quan trọng của ASEAN trong định hình một trật tự thế giới giúp mang lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực.

Yếu tố then chốt với tương lai phát triển của ASEAN

“Vai trò trung tâm của ASEAN” được các nước thành viên nhắc đến nhiều từ các năm 2005, 2006 khi vai trò của ASEAN ngày càng được nâng cao như là một trong những Hiệp hội thành công nhất trên thế giới, quy tụ các cường quốc và trung tâm chính trị hàng đầu. Với sự ra đời của Hiến chương ASEAN năm 2007 và có hiệu lực năm 2008, “vai trò trung tâm” đã được chính thức hóa, vừa trở thành mục tiêu, vừa là nguyên tắc định hướng cho mọi hoạt động của ASEAN. Theo đó, mục tiêu chính của ASEAN nêu trong Hiến chương là “duy trì vai trò trung tâm và chủ động của Hiệp hội như động lực chính trong quan hệ và hợp tác với các đối tác bên ngoài trong một cấu trúc khu vực mở, minh bạch và bao trùm”.

Trên thực tế, ASEAN đi đầu khởi xướng thành lập và giữ vai trò trung tâm trong nhiều diễn đàn, cơ chế hợp tác khu vực quan trọng về an ninh quốc phòng, cấu trúc an ninh… trong đó có Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), tiến trình ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á (EAS), các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (AMM), Bộ trưởng Quốc phòng (ADMM) và các hội nghị AMM mở rộng (AMM+), ADMM mở rộng (ADMM+)… qua đó gắn kết các nước đối tác, đối thoại (là các cường quốc hàng đầu thế giới và khu vực) ngày càng sâu sắc hơn vào các tiến trình đối thoại và hợp tác ở khu vực.

Là cơ chế hợp tác an ninh đa phương đầu tiên ở châu Á - Thái Bình Dương do ASEAN sáng lập năm 1993, ARF được tổ chức hàng năm, mang tính đối thoại rộng rãi, thu hút mạnh mẽ sự tham gia của nhiều nước trên thế giới, trong đó có hầu hết các nước lớn. Cơ chế ARF thể hiện rõ được quyết tâm duy trì và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực. ASEAN luôn đóng vai trò là bên đưa ra bộ quy tắc ứng xử áp dụng cho tất cả các nước tham gia. Điều này giúp ASEAN có thể kiểm soát, làm chủ các nguyên tắc và cơ chế hợp tác, biến ASEAN thành trung tâm của hợp tác khu vực Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương.

Đối với cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cơ chế AMM và AMM+ cùng ADMM và ADMM+ luôn chứng tỏ vai trò là diễn đàn quan trọng về ngoại giao, quốc phòng và an ninh trong mối quan hệ tương tác với các cấu trúc an ninh khác như EAS, ARF. Cơ chế này được đánh giá là một trong những bộ khung làm nên vai trò trung tâm của ASEAN. Trong tiến trình xây dựng cấu trúc khu vực, ASEAN đã phát huy hiệu quả và tăng cường củng cố mở rộng các cơ chế hiện có của mình để đóng góp tích cực vào giải quyết những vấn đề đang nổi lên vì mục tiêu hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của toàn khu vực cũng như thế giới.

Thông qua cơ chế EAS, ASEAN khẳng định tính trung lập, vai trò chủ đạo của mình, từ đó có thể tăng cường mối quan hệ hòa bình, ổn định và củng cố mối quan hệ hợp tác, tin cậy giữa các nước thành viên. Từ đây, ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo và là hạt nhân gắn kết, hài hòa các lợi ích và nhu cầu hợp tác đan xen ở khu vực, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy hợp tác cùng phát triển vì hòa bình, ổn định và phát triển…

Có thể thấy, ASEAN đã khẳng định được vai trò trung tâm trong các diễn đàn, đối thoại để định hình cấu trúc khu vực trong nhiều lĩnh vực tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn. Mặc dù phải đối diện với tình hình khu vực và thế giới có những biến động phức tạp kèm theo đó là thách thức ngày càng nhiều, song vai trò trung tâm, dẫn dắt của ASEAN trở thành yếu tố then chốt với tương lai phát triển của không chỉ Hiệp hội mà cả khu vực.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/duy-tri-vai-tro-trung-tam-cua-asean-trong-cau-truc-khu-vuc-post553887.antd