Duy trì mạch tăng trưởng

Nông nghiệp xứ Thanh với một năm thấm đẫm mồ hôi của người nông dân, sự nỗ lực vượt khó của toàn ngành cùng các cấp chính quyền và doanh nghiệp, đã đưa tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh đạt 4,16%, góp phần vào tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP toàn tỉnh năm 2023 đạt 7,01%.

Chế biến gà xuất khẩu tại Nhà máy giết mổ và chế biến gia cầm xuất khẩu Viet AVIS, tại xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa).

“Chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp” được xem là bước đổi mới trong tư duy lãnh đạo và định hướng, bước đầu tác động đến thực tiễn sản xuất trên thực tế. Từ đó, lối sản xuất nhỏ lẻ, manh mún dần được thay thế bằng những mô hình quy mô lớn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào quá trình sản xuất để tạo bước đột phá về năng suất, sản lượng và giá trị.

Cùng thăm Nông trại Chung Thủy tại thị trấn Vân Du (Thạch Thành) vào những ngày cuối năm 2023, hàng chục cán bộ các huyện, các ngành cấp tỉnh không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô và tư duy “làm ăn lớn” của gia chủ. Một thung lũng màu mỡ rộng tới 83 ha được phủ vàng bởi chi chít những chùm cam lòng vàng, cam đường canh, phật thủ đang chờ ngày thu hái. Hơn 4 vạn cây ăn quả vẫn mơn mởn trải dài trên một vùng đất rộng lớn khiến chúng tôi phải đi ô tô thăm nông trại.

Rộng tương đương một phường ở đô thị, nhưng hệ thống tưới nhỏ giọt thông minh đã được đầu tư đến từng gốc cây trong nông trại. Được chăm sóc đúng quy trình khoa học và sản xuất sạch, sản phẩm ở đây đã được công nhận cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, được canh tác theo hướng hữu cơ. Hàng nghìn tấn quả các loại mỗi năm nhưng vẫn có đầu ra ổn định nhờ được liên kết tiêu thụ. Từ 90 đến 110 lao động làm việc quanh năm, ăn ở tại trang trại cũng cho thấy quy mô và phương thức sản xuất theo hướng “kinh tế nông nghiệp” ở đây. Theo hạch toán từ chủ nông trại Nguyễn Văn Chung: “Mỗi cây cam cho 1 đến 1,5 tạ quả/năm, trung bình thu về 3 triệu đồng doanh thu, trừ các chi phí vẫn cho lợi nhuận 1 triệu đồng/cây/năm”. Với hơn 41.000 cây ăn quả đã cho thu hoạch tại đây đã biến vùng đồi thành mô hình kinh tế cho lợi nhuận hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có tiềm lực vào đầu tư sản xuất nông nghiệp chính là nhiệm vụ quan trọng để phát triển “kinh tế nông nghiệp” mà tỉnh và ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai. Tính riêng năm 2023, toàn tỉnh có thêm 107 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mới. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.312 doanh nghiệp, 2 liên hiệp HTX và 756 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Sản xuất quy mô lớn, ứng dụng các tiến bộ khoa học và nhiều tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm đã “nâng tầm” sản phẩm. Năm 2023, ghi dấu những bước ngoặt đột phá của nông sản Thanh Hóa đến với những thị trường khắt khe nhất thế giới. Đầu tiên phải kể đến lô vải không hạt được trồng tại Ngọc Lặc lần đầu tiên xuất khẩu đến Nhật Bản và Vương quốc Anh. Tiếp đến, những sản phẩm mắm sản xuất tại xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) vượt qua nhiều quy chuẩn khắt khe nhất thế giới để xuất ngoại đi Hoa Kỳ, Australia...

Các mô hình liên kết sản xuất trong trồng trọt nở rộ khắp nơi, giúp nông sản có đầu ra ổn định. Tại các huyện Yên Định, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Nông Cống... mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất hạt giống lúa lai F1, giống lúa thuần và lúa thương phẩm đã tăng hiệu quả kinh tế từ 1,2 đến 1,5 lần, lợi nhuận cao hơn từ 30 đến 50 triệu đồng/ha. Mô hình tích tụ đất trồng cây ăn quả có múi tại Thọ Xuân, Thạch Thành, Như Xuân... cho thu nhập 500 triệu đồng/ha, lợi nhuận 350 triệu đồng/ha. Mô hình trồng cây dược liệu tại huyện Triệu Sơn cho thu nhập 400 triệu đồng/ha...

Vùng trồng trọt và chăn nuôi quy mô lớn ở xã Thành Công (Thạch Thành).

Trong chăn nuôi, các cơ sở quy mô lớn của Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk, Tập đoàn TH True milk, Tập đoàn DABACO, Công ty CP Nông sản Phú Gia... vẫn hoạt động ổn định. Trong năm qua, có thêm khu trang trại sản xuất, kinh doanh giống lợn và gia công chăn nuôi lợn thương phẩm chất lượng cao lớn bậc nhất ở miền Bắc và dự án khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao DABACO tại huyện Thạch Thành đều hoàn thành đi vào hoạt động. Dự án khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện, Thanh Hóa (Ngọc Lặc) đã hoàn thành 97% khối lượng công việc và đi vào hoạt động với quy mô 4.170 lợn nái, 11.250 lợn con theo mẹ... Nhiều dự án tầm cỡ, được đầu tư bài bản đã giúp hoạt động chăn nuôi Thanh Hóa có sự tăng trưởng mạnh, bền vững.

Theo ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Tình hình kinh tế, thế giới bất ổn gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Sức tiêu thụ cũng như tình hình xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt, đầy trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh, các địa phương, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đã vượt qua, phát triển sản xuất ổn định và bứt phá tăng trưởng. Đây là năm hầu hết các loại cây trồng được mùa, được giá. Chăn nuôi đã kiểm soát tốt dịch bệnh, mặc dù 45 địa phương trong nước có dịch tả lợn châu Phi, 31 tỉnh có dịch bệnh dại, 28 tỉnh có dịch lở mồm long móng và nhiều bệnh khác trên đàn vật nuôi, trong đó có các tỉnh giáp ranh với Thanh Hóa...”.

Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, hoạt động sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển khá toàn diện với tốc độ tăng trưởng 4,16%. Tổng sản lượng lương thực đạt 1,57 triệu tấn, vượt 2,8% kế hoạch. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất trồng trọt ước đạt 120 triệu đồng, tăng 5 triệu đồng so với năm 2022. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt hơn 297 nghìn tấn, vượt 2,4% kế hoạch, tăng 7,5% cùng kỳ. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 215,6 nghìn tấn, vượt 2,2% kế hoạch, tăng 3,7% so với cùng kỳ.

Bài và ảnh: Lê Đồng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/duy-tri-mach-tang-truong/203239.htm