Đường rộng, xe thông nhờ dân hiến đất

Là vùng trồng vải thiều sớm nổi tiếng cả nước, mỗi mét vuông đất ở xã Phúc Hòa (Tân Yên) được nhiều người ví von quý như 'tấc vàng'. Tuy nhiên, với mong muốn mở rộng các tuyến đường để đi lại thuận lợi, nhiều người dân trong xã đã tự nguyện hiến đất và tài sản trên đất, bàn giao mặt bằng phục vụ thi công các công trình giao thông nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.

Góp công, góp của mở đường

Tại xã Phúc Hòa những ngày này, công trình dự án cải tạo nâng cấp đường từ tỉnh lộ 294C vào khu sản xuất cây ăn quả chất lượng cao của xã đang được khẩn trương xúc tiến. Đồng chí Ngô Văn Tiệp, Chủ tịch UBND xã đưa chúng tôi đi dọc con đường bê tông, hai bên là những đồi vải thiều xanh mướt, quả mới chỉ nhỏ như những hạt đậu.

Thi công dự án cải tạo, nâng cấp đường từ tỉnh lộ 294C vào khu sản xuất cây ăn quả chất lượng cao của xã.

Để tạo thuận lợi trong việc đi lại, thông thương với quan điểm Nhà nước và nhân dân cùng làm, vài năm trở lại đây, UBND xã Phúc Hòa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phương châm giải phóng mặt bằng (GPMB) "0 đồng", vận động người dân hiến đất, giải tỏa công trình. Nhờ tích cực vào cuộc nên giờ đây, bà con trong xã đã không còn tâm lý trông chờ được bồi thường đất hay tiền khi GPMB làm đường nữa mà luôn phấn khởi, mong muốn góp sức xây dựng quê hương.

Cuối tháng 2 vừa qua, UBND xã thông báo chủ trương nâng cấp đoạn đường từ tỉnh lộ 294C vào khu vực sản xuất cây ăn quả chất lượng cao của xã được bà con nhiệt tình hưởng ứng. Chưa đầy 1 tháng triển khai đã có 67 hộ ở các thôn Quất Du 1, Quất Du 2, Lân Thịnh, Phúc Lễ tình nguyện hiến hơn 10 nghìn m2 đất, tháo dỡ 100 m tường rào, chặt hạ 450 cây vải, 483 cây ổi để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu. Hai bên hành lang dọc tuyến giờ đây đã phong quang, cây cối được phát gọn gàng, tường rào được lùi vào hàng mét so với trước, dự án được triển khai thi công sớm hơn dự kiến.

Sau gần 1 tháng triển khai dự án nâng cấp đoạn đường từ tỉnh lộ 294C vào khu vực sản xuất cây ăn quả chất lượng cao của xã, đã có 67 hộ dân ở các thôn Quất Du 1, Quất Du 2, Lân Thịnh, Phúc Lễ tình nguyện hiến hơn 10 nghìn m2 đất, tháo dỡ 100 m tường rào, chặt hạ 933 cây trồng các loại để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu.

Quất Du 2 là thôn có diện tích đất, tài sản nằm trong mặt bằng dự án cần phải giải tỏa nhiều nhất xã song công tác GPMB khá thuận lợi. Chỉ trong vài ngày triển khai, 100% hộ dân đã tự nguyện hiến hơn 2,9 nghìn m2 đất, dỡ bỏ 200 cây trồng các loại. Một số hộ điển hình như: Gia đình ông Ngô Văn Hùng hiến hơn 700 m2 và chặt hạ 26 cây ăn quả; ông Ngô Xuân Tuyến hiến 657,7 m2 đất và 44 cây trồng các loại; bà Nguyễn Thị Thụ hiến 220,5 m2 đất và nhiều cây trồng khác...

Thấy có khách đến, ông Ngô Xuân Tuyến ngưng công việc, tay cầm bình trà mang tới chiếc bàn đá giữa sân mời khách. Ông Tuyến hồ hởi: “Phá những cây cối đã trồng lâu năm cũng tiếc lắm nhưng để đường rộng, xe thông cho con cháu hưởng, Nhà nước lấy bằng nào đất cũng được, có lợi cho xã hội nên gia đình tôi không băn khoăn gì cả”. Cũng ở thôn Quất Du 2, ông Ngô Xuân Luyến hiến hơn 200 m2 đất cho dự án chia sẻ: "Con đường cũ được cứng hóa song vẫn nhỏ, hẹp, có chỗ đường đất, trơn trượt nên vào mùa thu hoạch vải thiều, giao thông ở đây thường xuyên ách tắc, bụi đỏ khắp nhà. Giờ ai cũng mong từng ngày con đường mới sớm hoàn thành để vụ vải sắp tới xe tải có thể vào tận vườn thu mua, bà con không phải nhọc công chở đến các điểm cân như trước đây nữa".

Nhận thấy đây là việc làm ý nghĩa góp phần xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển nên bà con thôn Quất Du 1, Lân Thịnh, Phúc Lễ cũng tích cực tham gia. “Sống đã gần 80 năm, tôi được chứng kiến sự đổi thay từng ngày của quê hương, nhất là khi có vùng vải thiều xuất khẩu, đời sống người dân trong xã ngày một khởi sắc. Chỉ vài tháng nữa thôi con đường nhỏ hẹp, chiều rộng chỉ 3 m này sẽ được thay bằng con đường mới rộng gấp gần ba lần. Lúc đó, các phương tiện cỡ lớn có thể vào tận vườn để vận chuyển vải thiều xuất khẩu”, ông Hoàng Văn Tần, thôn Quất Du 1 phấn khởi nói. Cùng với hộ ông Hoàng Văn Tần, đến nay, tại thôn Quất Du 1 còn có 15 hộ khác hiến gần 550 m2 đất và 50 cây trồng các loại.

Nhiều cách tuyên truyền, vận động

Để triển khai hiệu quả công tác vận động người dân hiến đất, tài sản trên đất để cải tạo, nâng cấp các tuyến đường, Đảng ủy, UBND xã Phúc Hòa đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo như: Ban hành nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng 11 mô hình “Dân vận khéo” trong hiến đất, tài sản trên đất; vận động người có uy tín tại khu dân cư vào cuộc; phát huy vai trò người đứng đầu, đảng viên. Với sự nhất quán từ xã đến thôn, sự đồng thuận của người dân, chỉ riêng năm 2023, xã Phúc Hòa triển khai thuận lợi các dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến đường. Phục vụ thi công các dự án, có 25 hộ đã hiến khoảng 5,5 nghìn m2 đất, trị giá 1,9 tỷ đồng và hàng nghìn cây trồng, tài sản trên đất trị giá 1,3 tỷ đồng.

Người dân thôn Quất Du 2 đăng ký hiến đất, mở rộng đường.

Ông Ngô Văn Nghĩa, Trưởng thôn Quất Du 2 cho biết: “Muốn nhận được sự ủng hộ của nhân dân thì mọi việc cần phải công khai, minh bạch, hướng về lợi ích chung của cộng đồng. Vì vậy, thôn đã họp mở rộng, mời những người có uy tín tham gia cùng Ban chỉ đạo thôn bàn bạc kỹ, tìm giải pháp phù hợp. Sau khi thống nhất, chúng tôi thông báo cụ thể tới nhân dân cách làm, quy mô nâng cấp, chi phí, chất lượng công trình". Để cùng chia sẻ, gánh vác việc chung của địa phương, các hộ không có đất trong diện giải tỏa còn tự nguyện đóng góp 200 nghìn đồng/khẩu (độ tuổi từ 20-80 tuổi) để hỗ trợ một phần cho các hộ có đất, tài sản phải giải tỏa phục vụ thi công đường. Tình làng, nghĩa xóm vì thế càng thêm gắn bó.

Giai đoạn trước, từ nguồn lực được hỗ trợ, vận động xã hội hóa, các tuyến đường trục xã, thôn đều đã được cứng hóa. Tuy vậy, nhiều trục đường thôn được đầu tư xây dựng từ lâu nên nhỏ hẹp, xuống cấp, quá tải. Giao thông kết nối giữa các xã, các thôn lân cận, điểm sản xuất hàng hóa tập trung chưa đồng bộ ảnh hưởng đến việc thu hút các nguồn lực đầu tư tại địa phương cũng như xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Xác định GPMB "0 đồng" là rất khó khi giá trị đất ngày một tăng cao nên để tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn, Đảng ủy xã Phúc Hòa đã xây dựng Nghị quyết về lãnh đạo cải tạo, nâng cấp, mở rộng các trục đường trên địa bàn. Năm 2024, xã đề ra mục tiêu xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng 5 km các tuyến đường trục thôn, ngõ xóm, nội đồng với bề rộng mặt đường 8 - 9 m, những vị trí địa hình khó khăn ít nhất từ 6-7 m và lề đường hai bên rộng ít nhất 50 cm; đường ngõ xóm, đường nội đồng rộng từ 5 m trở lên được cứng hóa.

Theo đồng chí Ngô Văn Quang, Bí thư Đảng ủy xã, đây là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá có tầm nhìn dài hạn và được ưu tiên hàng đầu để tạo tiền đề, động lực cho phát triển KT - XH của địa phương, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Xã xác định công tác dân vận chính quyền là giải pháp then chốt giúp địa phương có thêm những con đường mới rộng, dài hơn. Ngoài vận động người dân hiến đất để mở đường, thời gian tới, xã còn huy động các nguồn lực xã hội hóa để lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng trên các đường trục. Bởi đó chính là sự mong mỏi của người dân về những con đường mới rộng, dài góp phần thông thương thuận tiện, thúc đẩy nông thôn ngày một phát triển.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/duong-rong-xe-thong-nho-dan-hien-dat-090410.bbg