Đường Cầu Giẽ - Ninh Bình ấn tượng nhất trục cao tốc từ Hà Nội tới Thanh Hóa

Trong các chặng cao tốc từ Pháp Vân (Hà Nội) tới Thanh Hóa, tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình được đánh giá là gây ấn tượng với người tham gia giao thông bởi có hàng cây xanh đẹp mắt và tốc độ xe chạy lên tới 120km/h.

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 30km khởi công năm 1998 từng được coi là tuyến đường tránh của quốc lộ 1A cũ. Công trình có điểm đầu tuyến là nút giao Pháp Vân, Hoàng Liệt (Hoàng Mai) giao cắt với đường vành đai 3 Hà Nội và điểm cuối là Cầu Giẽ (Phú Xuyên) nối tiếp với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình. Sau khoảng 11 năm đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác (năm 2002), đến năm 2013 tuyến đường này từng bị xuống cấp nghiêm trọng.

Sau đó, nhà đầu tư đã triển khai sửa chữa, bù vênh mặt đường, trải thảm với kích thước hình học, quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh được giữ nguyên. Tháng 10/2015, dự án BOT nâng cấp, cải tạo giai đoạn 1 tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, mở rộng đường cao tốc đầu tiên ở Việt Nam giai đoạn 1 hoàn thành, đưa vào khai thác vượt tiến độ so với yêu cầu. Cao tốc này tuy rộng nhưng chỉ cho phép xe chạy với vận tốc tối đa 100km/h.

Nối liền với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là cao tốc Cầu Giẽ Ninh Bình, tuyến đường được nhiều cánh lái xe ưa thích bởi có một số ưu điểm.

Ấn tượng đầu tiên là ô tô được chạy vận tốc tối đa 120km/h dù mỗi chiều đường chỉ có 2 làn xe chạy và 1 làn dừng khẩn cấp, còn hệ thống cây xanh được trồng hai bên đường tạo cảm giác mát mắt, cảnh quan khác lạ. Dù nhìn từ trên cao hay ngay sau vô lăng, nhiều tài xế lẫn người ngồi trong xe vẫn cảm thấy thích thú.

Dàn cây xanh bên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình không chỉ làm đẹp cảnh quan mà còn tạo bóng mát, giúp giảm chói lóa gây ra từ ánh sáng mặt trời hoặc đèn đường, tạo môi trường lái xe an toàn hơn. Có ý kiến cho rằng, hệ thống cây xanh bên đường còn giúp làm giảm khí thải và cải thiện chất lượng không khí, tạo ra môi trường yên tĩnh hơn cho các khu dân cư gần đó.

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn nút giao Liêm Tuyền. Lối lên xuống tại đây có quy mô 8 làn (4 làn ra/4 làn vào/4 phân trạm), mật độ phương tiện lưu thông qua đây khoảng 4.500 lượt phương tiện/ngày đêm.

Nối tiếp với cao tốc Cầu Giẽ -Ninh Bình là tuyến Cao Bồ - Mai Sơn, dự án đầu tiên trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, góp phần hoàn thiện toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Cao tốc có phần tuyến chính được cải tạo, nâng cấp theo quy mô đường cao tốc khoảng 7km, quy mô 4 làn xe.

Cao Bồ - Mai Sơn cũng là tuyến đầu tiên trên trục này khi lưu thông từ Hà Nội đi các tỉnh không có làn dừng khẩn cấp liên tục, vận tốc khai thác chỉ 80km/h.

Thay vào đó, các vịnh dừng xe khẩn cấp được bố trí cách nhau khoảng 4 - 5km/điểm. Các chuyên gia giao thông nhận định, việc thiết kế, đầu tư xây dựng đường cao tốc hạn chế 2 - 4 làn xe không bắt buộc bố trí làn đường khẩn cấp toàn tuyến, kết hợp với các vịnh dừng khẩn cấp dọc tuyến và hệ thống giao thông thông minh, vừa đảm bảo nguồn lực, nhu cầu hiện tại, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, vừa đảm bảo tổ chức giao thông an toàn trên toàn tuyến và khai thác hiệu quả.

Nếu như cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tạo vẻ đẹp bằng những hàng cây thì tuyến Mai Sơn - QL45 gây ấn tượng nhờ những dãy núi non trùng điệp và các cánh đồng hoa màu rực rỡ thoắt ẩn thoắt hiện hai bên đường.

Hiện tại do ở giai đoạn phân kỳ, tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45 được đầu tư xây dựng quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh tuyến cao tốc sẽ được đầu tư quy mô 6 làn xe, nền đường rộng 32,25m, vận tốc thiết kế 120km/h.

Trong giai đoạn này, cao tốc Mai Sơn - QL45 cũng không có làn dừng khẩn cấp liên tục như đoạn Cao Bồ - Mai Sơn. Thay vào đó tại mỗi chiều đường được bố trí các vịnh dừng khẩn cấp, mỗi vịnh cách nhau khoảng 4-5km.

Người dân lưu thông qua cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thời điểm này bất ngờ khi thấy hàng keo xanh ven đường đang bị chặt bỏ.

Trao đổi với PV VietNamNet về những băn khoăn trên, đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) - chủ đầu tư dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cho biết, tháng 6/2015, VEC O&M đã hợp tác với Công ty TNHH D&G Việt Nam trồng cây tại hành lang trống hai bên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Số lượng cây trồng ban đầu khoảng 180.000 cây, nhưng đến nay khoảng 100.000 cây còn sống.

Trong quá trình trồng cây, Công ty TNHH D&G Việt Nam đã vi phạm, trồng một số cây trên mái taluy âm chưa phù hợp với quy định theo tiêu chuẩn kỹ thuật bảo dưỡng thường xuyên đường bộ. Do vậy, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, đánh giá và yêu cầu cắt bỏ các cây vi phạm.

Đại diện VEC thông tin, việc chặt hạ cây keo dọc hai bên cao tốc là bắt buộc nhằm khắc phục tồn tại theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền. Ngoài ra theo kế hoạch, năm 2024, VEC sẽ thực hiện đầu tư mở rộng cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn từ nút giao Đại Xuyên đến Liêm Tuyền từ 4 làn xe lên 6 làn xe. Do vậy, việc chặt hạ cây xanh dọc cao tốc là cần thiết để chuẩn bị mặt bằng thi công giai đoạn 2 của dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Hoàng Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/duong-cau-gie-ninh-binh-an-tuong-nhat-truc-cao-toc-tu-ha-noi-toi-thanh-hoa-2158098.html