Dưới tán rừng Khuôn Mánh

Ngày 15/9/1941, dưới tán rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá (Võ Nhai) Trung đội Cứu Quốc quân II, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập.

Ngày 12/12/1994, Di tích rừng Khuôn Mánh - nơi thành lập Trung đội Cứu Quốc quân II, được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Trong dòng chảy của lịch sử cách mạng Việt Nam, rừng Khuôn Mánh lưu dấu một sự kiện trọng đại, được ví như một bến đỗ, triệu tập những con người quả cảm mang trái tim yêu nước, đó là những cán bộ, đội viên Trung đội Cứu Quốc quân II. Từ đây, ngọn lửa yêu nước, lòng căm thù giặc sâu sắc bùng lên thành phong trào cách mạng, lan tỏa rộng rãi ra các vùng lân cận.

Sách sử còn ghi: Hồi bấy giờ, thực dân Pháp tăng cường các hoạt động lùng sục, khủng bố. Nhiều cơ sở Đảng bị phá vỡ, Đội Cứu Quốc quân I (Bắc Sơn) phải rút khỏi căn cứ để bảo toàn lực lượng, phong trào cách mạng gặp khó khăn. Lúc đó, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, cùng Ban lãnh đạo cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai chủ trương khôi phục hoạt động của lực lượng Cứu Quốc quân để duy trì, cổ vũ phong trào cách mạng.

Trong bối cảnh “giặc đến, giặc lùng”, rừng Khuôn Mánh như người mẹ thiên nhiên mở rộng lòng chở che, đùm bọc, bảo đảm an toàn cho một đội quân cách mạng hoạt động bí mật. Tại đây, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã thay mặt Trung ương Đảng tuyên bố thành lập Trung đội Cứu Quốc quân II, giao cờ Tổ quốc. Nhiệm vụ của Trung đội Cứu Quốc quân II là tích cực đấu tranh chống địch khủng bố, trừ gian, diệt phản động đầu sỏ, bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ căn cứ địa, củng cố và phát triển các đội tự vệ, duy trì tiếng súng đấu tranh võ trang để cổ vũ phong trào cách mạng của cả nước.

Cho đến bây giờ, người dân Võ Nhai vẫn tự hào là trong tổng số 36 cán bộ, đội viên của ngày đầu thành lập Trung đội Cứu Quốc quân II, có 22 đội viên là người Võ Nhai. Trong đó có một số người là anh em ruột thịt, là vợ chồng, đặc biệt trong Trung đội có 3 nữ đội viên.

Chỉ sau ít ngày thành lập, Trung đội có thêm 10 người tham gia, quân số tăng lên 46 người, được biên chế thành 5 tiểu đội. Tuy trang bị vũ khí thô sơ, nhưng cán bộ, đội viên của Trung đội đã anh dũng chiến đấu, lập nhiều chiến công làm nức lòng nhân dân. Điển hình là các trận đánh ở Đèo Bắp; Mỏ Nùng Lâu Hạ; Suối Bùn (Tràng Xá); Lân Han; cây đa La Hóa…

Cán bộ, nhân dân địa phương dọn dẹp vệ sinh tại Khu di tích lịch sử rừng Khuôn Mánh.

Dưới tán rừng Khuôn Mánh, nghe gió rì rào reo trong nắng Thu, tôi cũng như bao con dân đất Việt về nơi này, nhẹ đặt bước chân mình trên từng bậc đá rêu phong, lặng lẽ dìu lòng mình về với câu chuyện sử xanh ở một vùng rừng núi điệp trùng liền dải, từ căn cứ địa Bắc Sơn về Võ Nhai. Rừng Khuôn Mánh hiểm trở, hoang vu, nhưng là địa bàn thuận lợi cho cán bộ Việt Minh hoạt động, mở rộng phong trào đấu tranh cách mạng, góp phần cùng cả nước giành lại độc lập, tự do.

Thời gian như bóng câu trôi qua cửa, những chàng trai, cô gái đi cứu quốc năm nào đã lần lượt theo nhau về với "thế giới người hiền". Nhưng ở vùng đất này, người lớp sau không làm hổ thẹn đức hy sinh của người đi trước, một lòng kiên trung theo Đảng, cùng đất nước trường kỳ đi qua 2 cuộc kháng chiến cứu nước, với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Tràng Xá, Võ Nhai cũng tiếp tục bền bỉ cùng cả nước trên hành trình xóa giảm nghèo, vươn lên hội nhập.

Ông Hoàng Văn Trường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tràng Xá, phấn chấn: Hiện toàn xã có hơn 2.000 hộ, với hơn 9.000 nhân khẩu. Xưa cha ông đánh giặc ngoại xâm; đánh giặc dốt, giặc đói, nay con cháu tích cực lao động sản xuất, đồng thuận xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian 5 năm gần đây, xã có hơn 1.400 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Điển hình trong làm giàu có gia đình ông Chu Thanh Hải, xóm Hợp Nhất, với mô hình kinh tế VAC; gia đình ông Hoàng Văn Sơn, xóm Đồng Tác, chuyên chăn nuôi trâu sinh sản và ngựa bạch; gia đình ông Vũ Đức Hoàn, xóm Thắng Lợi, đầu tư kinh doanh vật liệu xây dựng, xưởng gỗ bóc… đạt thu nhập từ 160 triệu đồng trở lên/nhân khẩu/năm.

Trên quê hương Tràng Xá, những mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi "nảy nở như hoa mùa xuân". Và truyền thống “tương thân, tương ái” tiếp tục lan tỏa rộng rãi trong nhân dân. Hộ có kinh tế khá giả hỗ trợ cho hộ nghèo về vốn vay không lấy lãi và các loại giống cây trồng, vật nuôi, kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình. Toàn xã có hơn 2.000 lượt hộ được giúp đỡ, hơn 50 hộ thoát nghèo trong thời gian 5 năm gần đây.

Những thành quả phát triển kinh tế - xã hội hôm nay đều được cháu con Tràng Xá báo công với anh linh những vị tiền nhân cách mạng. Nhiều cơ quan, đơn vị ở huyện Võ Nhai cũng tìm về rừng Khuôn Mánh, nơi thành lập Trung đội cứu Quốc II làm lễ kết nạp Đoàn, kết nạp Đảng. Qua đó, bài học giáo dục truyền thống cách mạng được lan tỏa, lưu mãi trong dòng sử xanh đất nước.

Nghiêng mình trước những dòng tên được tạc khắc trên bia đá hoa cương giữa đại ngàn Khuôn Mánh, tôi cũng như bao người từng về đây, đã cúi đầu thành kính, tự hứa với lòng mình không ngừng phấn đấu, cống hiến nhiệt huyết mình cho cách mạng, Nhân dân. Bởi ai cũng biết rất rõ: Mỗi một dòng tên trên phiến đá hoa cương kia, là một bản hùng ca góp phần làm lên lịch sử thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/dat-va-nguoi-thai-nguyen/202309/duoi-tanrung-khuon-manh-6bb4df9/