Dưới mái đình 'làng đỏ'

Ra đình vào sáng mồng 1 tết, với người dân 'làng đỏ' Lập Thạch quê tôi (nay thuộc phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà) không chỉ là một ý thức tự thân để thể hiện niềm tri ân với tổ tiên trong ngày đầu năm mới mà còn để khẳng định niềm tin sắt son theo Đảng. Như 90 năm trước, cũng tại ngôi đình này, những người cộng sản của làng đã đứng trước vong linh tiên tổ nguyện thề hi sinh thân mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Lễ chào cờ đầu năm tại đình làng, một mĩ tục đang được người dân Lập Thạch gìn giữ. Ảnh: T.C

1. Nguyên thủy của đình Lập Thạch là một công trình kiến trúc tương đối quy mô, bề thế, được xây dựng vào cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX với kết cấu gồm cổng tam quan, tường thành, đại đình, miếu Thần hoàng và miếu Bổn thổ. Cổng tam quan được xây dựng bằng gạch, gồm 3 tầng. Tầng dưới là một cổng hình vòm cuốn mở 3 lối vào sân đình. Bên cạnh 3 cổng là 3 gác vọng lâu được tạo nên bởi 2 tầng mái. Riêng vọng lâu giữa có một hương án trang trí mặt hổ phù phía trước, bên trên có 2 con hạc đứng trên lưng rùa chầu hai bên. Toàn bộ các mô típ, họa tiết trang trí ở tam quan đều sử dụng nghệ thuật đắp vữa và ghép mảnh sành sứ. Tương xứng với cổng tam quan, tòa đại đình được tạo bởi hai nếp nhà song ngang theo lối chữ “nhị”. Tiền đường được trang trí công phu bằng nhiều họa tiết. Đình trung được kết cấu theo kiểu nhà rường 3 gian, 2 chái. Đình trung là nơi bài trí các hương án sơn son thếp vàng làm nơi thờ tự các vị Thần hoàng, tiền khai khẩn, hậu khai canh cùng các vị thủy tổ của các dòng họ...

Nhưng, vượt lên trên tất cả những giá trị về mặt văn hóa, nghệ thuật, đình làng Lập Thạch còn là một chứng tích ghi dấu những sự kiện lịch sử quan trọng của làng, của thành phố Đông Hà và của tỉnh Quảng Trị. Tháng 3/1930, tại ngôi đình này, Chi bộ Lập Thạch, chi bộ đảng đầu tiên của thành phố Đông Hà và là một trong bốn chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Quảng Trị, được thành lập để lãnh đạo phong trào cách mạng. Trong suốt một thời gian dài của cuộc kháng chiến, đình được dùng làm địa điểm liên lạc, hội họp bí mật và là nơi tập trung của các lực lượng vũ trang địa phương. Nhiều cán bộ cách mạng cấp cao như Nguyễn Duệ (Xứ ủy viên Xứ ủy Trung kì), Lê Thế Hiếu, Trần Hữu Dực, Đoàn Thí, Hoàng Thị Ái... đã nhiều lần đến đây để hội họp, liên lạc. Tháng 12/1930, Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Trị lần thứ 2 họp tại đình làng Lập Thạch, bàn nhiều việc quan trọng, trong đó quyết định chọn ngày 3/3/1931 treo cờ Đảng và rải truyền đơn trên quy mô toàn tỉnh. Tháng 4/1931, Tỉnh ủy Quảng Trị họp lần thứ 3 cũng tại đình làng Lập Thạch nhằm kiểm điểm tình hình sau cuộc rải truyền đơn và triển khai một số nhiệm vụ cách mạng quan trọng. Đặc biệt, năm 1945, tại đình làng Lập Thạch, bọn cường hào, lí trưởng đã cúi đầu nhận tội trước nhân dân và giao nộp triện đồng, mõ, sổ bộ cho đại diện Ủy ban khởi nghĩa. Sau bao nhiêu năm sống trong cảnh áp bức, bóc lột, lần đầu tiên người dân Lập Thạch được cầm lá phiếu đi bầu cử, tham gia xây dựng chính quyền và quê hương ngay tại đình làng trước sự chứng nhận của các bậc tiền nhân khai ấp, lập làng. Một trang sử mới của “làng đỏ” Lập Thạch đã được mở ra tại đây, dưới mái đình này.

2. Nội tôi, Nguyễn Thế Thuấn (còn gọi là Nguyễn Thuấn) được giác ngộ và tham gia cách mạng từ rất sớm. Năm 1928, ông tham gia thành lập tổ chức Tân lập thương cuộc, một tổ chức cách mạng của những hội viên Thanh niên cách mạng đồng chí hội xã Triệu Lễ (nay là phường Đông Lễ). Tháng 3/1930, nội cùng những người đồng chí của mình thành lập Chi bộ Lập Thạch và làm bí thư đầu tiên của chi bộ, cống hiến trọn đời mình cho dân, cho nước. Năm 1947, trong một trận càn của thực dân Pháp tại Lập Thạch, nội không may bị trúng đạn hi sinh. Nội mất đi nhưng những đồng chí, đồng đội của nội vẫn tiếp tục cầm súng chiến đấu, lãnh đạo người dân quê tôi phát huy truyền thống đánh giặc giữ làng. Để rồi từ đó, lớp lớp các thế hệ con em làng Lập Thạch, dù là trí thức hay thường dân, giàu có hay bần cùng đã không tiếc máu xương đi trọn cuộc trường chinh của dân tộc. Bao nhiêu máu đã đổ, bao nhiêu nước mắt đã rơi để cái tên “làng đỏ” Lập Thạch trở thành một nỗi kinh hoàng của kẻ thù, cũng là niềm tự hào của người dân Lập Thạch.

Trao bằng công nhận di tích lịch sử -văn hóa cấp tỉnh cho đình làng Lập Thạch. Ảnh: T.C

Chiến tranh đã qua. Cuộc sống khởi sắc từng ngày. Bao thế hệ con em Lập Thạch lớn lên, rồi ra đi, mang theo niềm tự hào “làng đỏ” để giương danh lập thế khắp bốn phương trời. Mỗi lần có dịp về thăm quê, việc đầu tiên là ra đình làng thắp một nén nhang báo công với tổ tiên, cũng là để nhắc nhủ mình luôn nhớ về nguồn cội. Con em trong làng nếu đạt thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện cũng được làng mời ra đình để vinh danh. Được thắp một nén hương lên bàn thờ tổ tiên những dịp trọng đại ấy, lòng lại trào dâng niềm xúc động đến vô cùng. 90 năm trước, dưới mái đình này, trước sự chứng giám của tổ tiên, những người con ưu tú của Lập Thạch đã một lòng đứng lên theo Đảng làm cách mạng, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

90 năm sau, cũng dưới mái đình này, các thế hệ con em làng Lập Thạch tiếp bước nhau phát huy truyền thống “làng đỏ”, thi đua rèn đức luyện tài, xây dựng quê hương, đất nước mạnh giàu.

3. Người Việt có phong tục chọn hướng xuất hành vào đầu năm mới, người kĩ tính hơn còn chọn cả giờ xuất hành. Nhưng với người dân “làng đỏ” Lập Thạch, ngày đầu năm mới chỉ có một hướng xuất hành, đó là hướng ra đình làng; chỉ có một giờ xuất hành, đó là hửng sáng mùng 1 tết, khi mặt trời vừa ló lên khỏi mặt sông, chiếu ánh sáng chói lọi xuống sân đình. Đã thành một mĩ tục, sáng sớm mồng 1 tết, già trẻ, lớn bé khăn áo chỉnh tề rủ nhau ra đình để dự lễ chào cờ đầu năm và thắp hương cho tổ tiên. Trong ánh nắng ban mai tỏa rạng, trước anh linh tiên tổ, dưới mái đình lịch sử, những người dân “làng đỏ” nghiêm trang hướng lên cờ Tổ quốc và hát vang bài Quốc ca như một lời nguyện hứa mãi sắt son một lòng theo Đảng, phát huy truyền thống của cha ông để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Ngày cha tôi còn sống, sáng mồng 1 tết ông thường dậy rất sớm, dù đêm hôm trước phải thức khuya để cúng giao thừa. Hãm một ấm chè tươi thật đặc để thắp hương cho nội, xong cha mới gọi chị em chúng tôi dậy chuẩn bị để ra đình. Khi chúng tôi lập gia đình, sinh con đẻ cái thì cha con, ông cháu dắt nhau đi. Khi cha không còn nữa, sáng mồng 1 tết tôi dậy sớm, hãm chè để thắp hương cho nội, cho cha, rồi dắt con ra đình như một hành trình tiếp nối. Chợt nhớ lời cha dặn dò trong lần cuối cùng chúng tôi ra đình: “Người ta rồi sẽ mất đi nhưng truyền thống của “làng đỏ” cần phải được đắp bồi như dòng nước Thạch Hãn kia muôn đời vẫn chảy qua làng mình vậy. Các con còn trẻ, phải giữ lấy truyền thống đó”. Vâng, phải giữ lấy. Rồi một ngày chúng tôi sẽ già đi, sẽ lại dặn dò con cái điều đó và kể cho chúng nghe câu chuyện về đất đai quê mình.

Chiều cuối năm, tôi dắt con ra đình, trầm ngâm dưới gốc sứ xù xì đang tỏa hương dịu nhẹ, nghe trong tiếng sóng nước vỗ bờ mê mải kia như có lời tiền nhân vọng về…

Nguyễn Thế Chung

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=145668