Dưới bóng trăng Phồn Xương

Đôi chục năm trước, trong những tháng ngày phiêu diêu gió bụi bằng xe máy ở Bắc Giang, tôi đã có đôi ba lần thăm thú Phồn Xương. Tôi mang trong mình một nỗi nhớ Phồn Xương bởi cái đêm rằm xuân năm ấy. Đêm ấy, mưa nhẹ hát khúc tráng ca cây lá, nơi căn nhà ấm tình bạn bè la đà cuộc rượu, ngân lên tiếng sáo, tiếng đàn, tiếng quan họ dìu dặt.

Một người bạn sinh ra ở huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) nhưng có nhiều năm gắn bó với Bắc Giang và rất yêu văn hóa, con người ở mảnh đất này bất chợt hỏi: Có ai biết “Bóng trăng Phồn Xương?” Người bảo biết, người nói không. Những tiếng không và có cùng vang lên hòa trộn vào nhau như tiếng tơ, tiếng tình, như làm cho tiếng mưa ngưng lại.

Võ sư Trịnh Như Quân biểu diễn bài võ sáo “Bóng trăng Phồn Xương”. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Anh nhủ: “Đó không phải là bóng trăng thông thường như ta vẫn nhìn thấy mà là tiếng địch du dương trong đêm xuân nồng thanh nguyệt. Đó cũng không phải là tiếng sáo cất lên nơi thiên thai, tự tại mà cất lên từ đất hùng tâm, từ lòng người tráng trí, hòa quyện trong những thế võ, đường quyền”. Xong một dẫn từ, anh cầm cây sáo đưa lên môi, lấy hơi.

Giữa lúc chúng tôi đang chăm chú để chờ đợi tiếng sáo thì anh lại hạ cây sáo trên tay và bảo: “Cây sáo tôi đang cầm chỉ là một cây sáo trúc thông thường chứ không phải là cây sáo đặc trưng của bài võ sáo "Bóng trăng Phồn Xương", vả lại tôi cũng không biết võ”. Anh kể tiếp là đã được nghe, được thấy bài võ sáo này từ võ sư Trịnh Như Quân - một truyền nhân của võ sáo Yên Thế.

Phồn Xương, Yên Thế đã lưu truyền sử xanh, thấm đẫm trong lòng người bao thế hệ. Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, như vó ngựa cuối trời xa, có thể cuốn trôi đi nhiều thứ, nhưng không thể cuốn trôi hình bóng của những con người làm nên lịch sử. Thời gian có thể làm cho đá mòn, rừng cạn nhưng cũng có thể làm cho những bức tường trình bao quanh Phồn Xương loang lổ bởi vết đạn không bao giờ mất đi.

Và từ khi bài võ sáo “Bóng trăng Phồn Xương” lộ phát, được lưu truyền rộng rãi thì người ta càng thêm cảm phục vị lãnh tụ áo nâu Hoàng Hoa Thám văn võ song toàn, đức cao vọng trọng - một người không chỉ làm cho thực dân Pháp khiếp sợ mà còn biết chăm lo cho đời sống nhân dân hết mực - một người không chỉ rèn luyện cho binh sĩ giỏi võ nghệ để đánh giặc mà còn biết truyền cho ba quân vẻ đẹp của tâm hồn.

Du khách tham quan đồn Phồn Xương.

Võ nghệ có diễn giải là thuật đánh võ, nhưng cũng có thể hiểu là khi võ đạt đến đỉnh cao thì trở thành nghệ thuật. Ở đây nghĩa quân Yên Thế không chỉ giỏi võ nghệ mà còn biết dùng nghệ thuật của thú tiêu dao để đưa vào võ nghệ, biến nhạc cụ của thú tiêu dao trở thành một vũ khí khôn lường, biến tiếng sáo du dương khởi phát từ lòng người trở thành “thần phong”, gieo bão táp vào quân thù. Phải chăng “Bóng trăng Phồn Xương” là như vậy.

Chỗ chúng tôi ở cách đồn Phồn Xương dăm cây số. Đêm rằm xuân hôm ấy chúng tôi đã cùng nhau đến chốn này để ngắm trăng, dẫu biết, nếu ngắm trăng ở Phồn Xương mà không được nghe, được thấy bài võ sáo thì chưa thật trọn vẹn. Đêm xuân mưa rơi nhẹ, trăng Phồn Xương trở nên huyền hoặc. Trong mưa, dưới trăng, đất ấm nồng tỏa khí. Dấu vết bức tường đất nện bao quanh vẫn còn đó, những lỗ châu mai vẫn còn đó, những vết đạn năm xưa cũng vẫn còn đó dẫu thời gian đã làm phai hóa đi phần nhiều.

Đêm xuân mưa rơi nhẹ, trăng Phồn Xương trở nên huyền hoặc. Trong mưa, dưới trăng, đất ấm nồng tỏa khí. Dấu vết bức tường đất nện bao quanh vẫn còn đó, những lỗ châu mai vẫn còn đó, những vết đạn năm xưa cũng vẫn còn đó dẫu thời gian đã làm phai hóa đi phần nhiều. Dưới trăng, những lỗ châu mai hiện lên nửa sáng nửa tối nhưng những vết đạn thì bừng lên như gợi lại ký ức năm nào. Người năm xưa đã cất cánh bay vào thiên cổ nhưng hình ảnh của họ thì vẫn còn in đậm ở đất này.

Dưới trăng, những lỗ châu mai hiện lên nửa sáng nửa tối nhưng những vết đạn thì bừng lên như gợi lại ký ức năm nào. Người năm xưa đã cất cánh bay vào thiên cổ nhưng hình ảnh của họ thì vẫn còn in đậm ở đất này.

Mưa xuân phơ phất, tụ lên búp non giống như những giọt mực dồn ra đầu ngòi bút và viết lên trang giấy những câu chuyện về nghĩa nhân, về lòng người. Xa xa, dưới đôi lùm cây thấp, ẩn hiện bóng dáng con người chăn tằm, dệt vải và trồng cấy. Mưa như đang kể chuyện.

Trăng như đang họa cảnh. Đất như muốn khắc họa thêm dáng người tảo tần, chăm lo, vun vén cho những người trai yên tâm trên đường thiên lý vì nghĩa lớn, vì nước non nhà.

Sau khi bộ phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” của đạo diễn Đặng Nhật Minh ra đời năm 1984, được công chúng khắp trong, ngoài nước biết đến và trở thành một trong 18 bộ phim châu Á hay nhất mọi thời đại, tôi có hỏi ông về câu chuyện của bộ phim này. Ông tâm sự: “Những tháng năm trải nghiệm thực tế ở Hà Bắc đã giúp mình làm nên bộ phim này”.

Nhân vật nữ tên Duyên trong bộ phim không chỉ có hình bóng của người mẹ đã sinh thành ra ông mà còn có bóng dáng của người phụ nữ đất Hà Bắc một đời vì chồng vì con, vì gia đình chồng. Người phụ nữ áo nâu, môi cắn chỉ quết trầu, hát câu quan họ ấy đã ít nhiều khiến tôi liên tưởng đến bà Ba Cẩn, người vợ của cụ Đề Thám, hay nhớ đến người mẹ trong bài hát “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Và rất nhiều người phụ nữ Bắc Giang đã viết nên những câu chuyện huyền thoại mà tôi chưa được biết đến.

Dưới bóng trăng Phồn Xương, tôi đã đi từ liên tưởng này tới liên tưởng khác, đi từ vẻ đẹp này đến vẻ đẹp khác, từ kỷ niệm này đến kỷ niệm khác. Những giọt mưa xuân vẫn đang vương vấn cùng trăng, thủ thỉ cùng trăng. Đứng trên đất ấm ân cần, anh bạn tôi, lấy từ trong túi ra cây sáo trúc. Tiếng sáo trên môi anh cất lên phiêu diêu trong giai điệu bài hát “Đàn chim Việt”. Dưới trăng cây lá ngỏ cùng.

Tùy bút của Đoàn Văn Mật

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/418410/duoi-bong-trang-phon-xuong.html