Được trang bị smartphone soi xe chính chủ, CSGT Hà Nội mừng

CSGT Hà Nội khẳng định khi được dùng smartphone để kiểm tra xe chính chủ sẽ thuận tiện và dễ dàng hơn đối với các lực lượng chức năng.

Thuận tiện hơn

Mới đây, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã xin ý kiến và được Bộ Công an đồng ý, từ 1/1/2017 sẽ thí điểm kiểm tra xe máy chính chủ bằng thiết bị thông minh.

Theo đó, khi CSGT làm nhiệm vụ sẽ được trang bị smartphone (điện thoại thông minh) hoặc máy tính bảng kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư để tra cứu nhanh người sở hữu phương tiện.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, Trung tá Lê Tú, Đội trưởng Đội CSGT số 3, Phòng CSGT Hà Nội khẳng định rất tán thành chủ trương trên của thành phố.

“Việc dùng smartphone sẽ dễ dàng hơn trong việc truy xe không chính chủ”, Trung tá Tú nói.

Cùng đưa ý kiến, Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội CSGT số 8 cho rằng việc này cần được triển khai đồng bộ và có các văn bản hướng dẫn rõ ràng theo đúng các quy định của pháp luật.

“Chúng tôi chưa thấy ai nói và triển khai việc này. Khi có sự chỉ đạo và thống nhất thì CSGT sẽ triển khai. Nếu căn cứ vào các quy định của pháp luật mà cho phép thì chúng tôi sẽ làm, tôi nghĩ sẽ tốt hơn”, Trung tá Vinh nhấn mạnh.

Trong khi đó, cũng trao đổi với Đất Việt, một cán bộ CSGT thuộc công an TP Hà Nội nhấn mạnh, việc xác định được chủ chính thức của các phương tiện sẽ giúp lực lượng chức năng thuận tiện hơn trong công tác thanh tra, kiểm tra cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân.

CSGT Hà Nội khẳng định khi được dùng smartphone để kiểm tra xe chính chủ sẽ thuận tiện và dễ dàng hơn đối với các lực lượng chức năng.

“Việc sang tên đổi chủ rất tốt vì không may trường hợp xe mất trộm, mất cắp, vi phạm luật giao thông thì dựa vào đó lực lượng chức năng sẽ dễ dàng cho công tác đấu tranh chống tội phạm cũng như xử phạt người vi phạm giao thông.

Mới đây chúng tôi vừa giải quyết trường hợp 1 cô gái bị ốm nên vứt xe ngoài đường. May mắn là không có ai kịp lấy nên CSGT đã mang về đội. Vì đây là xe chính chủ nên chúng tôi đã nhanh chóng thông báo cho chủ phương tiện lên nhận”, vị cán bộ khẳng định.

Vị cán bộ CSGT Hà Nội cho rằng người dân cần hiểu đúng và đầy đủ quy định được nêu ra. Với những trường hợp người thân trong gia đình mượn xe máy của nhau để đi lại thì sẽ không bị xử phạt và trong quy định cũng không yêu cầu xử lý hành vi này.

Chỉ nên thí điểm

Trao đổi thêm với Đất Việt về vấn đề này, chị Nguyễn Thanh Huyền (Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) khẳng định hoàn toàn đồng ý với chủ trương trên của thành phố.

Theo chị Huyền, nếu CSGT được trang bị thêm điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư để tra cứu nhanh người sở hữu phương tiện thì hiệu quả làm việc sẽ nhanh hơn, người dân cũng không bị mất quá nhiều thời gian.

“Ban đầu thì tôi nghĩ chưa nên trang bị đồng loạt. Có thể triển khai thí điểm ở một vài đội hoặc địa bàn nhất định. Nếu cảm thấy hiệu quả và khả thi thì triển khai tiếp cũng như nhân rộng ra toàn thành phố. Đồng thời cũng cần phải lấy ý kiến của người dân theo tư tưởng “lấy dân làm gốc”. Không nên quá vội vàng áp dụng khi chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng”, chị Huyền nhấn mạnh.

Nhìn nhận việc này, anh Nguyễn Việt Anh (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, việc trang bị điện thoại thông minh hay máy tính bảng cũng khó có thể giải quyết hết tất cả các vấn đề liên quan đến xe chính chủ.

Theo anh Việt Anh,việc xác minh xe máy sở hữu của những người thân trong gia đình thì tương đối dễ dàng. Nhưng trong trường hợp bạn bè mượn xe của nhau thì xác định như thế nào?

“Tôi nghĩ thiết bị thông minh làm hết nhiệm vụ trên sẽ rất khó. Thực tế theo quy định của luật, người điều khiển phương tiện có đủ các giấy tờ quy định là được điều khiển phương tiện, không cứ xe đó thuộc sở hữu của ai.

Mà hơn hết CSGT cũng chỉ được kiểm tra xe chính chủ trong trường hợp nười điều khiển xe có vi phạm. Đây không phải là lỗi vi phạm chính. Vì thế thành phố không nên đầu tư quá nhiều tiền vào việc này. Hơn nữa tiền này sẽ lấy từ đâu để mua sắm trang bị? Tiền này nên chuyển để đầu tư, mở rộng thêm cơ sở hạ tầng, giao thông trong thành phố”, anh Việt Anh nêu quan điểm.

Mới là chỉ đạo

Trao đổi với báo chí, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, việc thí điểm sử dụng thiết bị thông minh phát hiện xe không chính chủ dựa trên hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư của Công an TP Hà Nội.

Trong cơ sở dữ liệu này có toàn bộ tên tuổi, địa chỉ của những người dân sở hữu xe máy, thông tin về xe máy, quan hệ gia đình của từng người. Khi lực lượng chức năng dừng kiểm tra hành chính, nếu họ nói là xe của người thân thì cán bộ, chiến sĩ xử lý sẽ bấm điện thoại hoặc máy tính được kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư để biết chính xác xe máy đó có phải của gia đình người đó và đã sang tên chính chủ hay chưa.

Trong khi đó, bà Phạm Lan Tú, Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội cũng cho biết đó mới là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Công nghệ thông tin thành phố ngày 26/11 vừa qua.

“Thành phố chưa giao hay phân công cụ thể cho cơ quan, đơn vị nào chủ trì. Khi nào họp bàn, có kế hoạch cụ thể chúng tôi sẽ cung cấp để tuyên truyền ngay”, bà Tú khẳng định.

Hà Đông

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/duoc-trang-bi-smartphone-soi-xe-chinh-chu-csgt-ha-noi-mung-3324180/