Được nới lỏng giãn cách, nhiều người vẫn hạn chế, tránh đi ra ngoài

Việc đi lại dễ dàng hơn, nhiều bạn trẻ ở Hà Nội vẫn chọn duy trì nếp sống như trong thời kỳ giãn cách, không chủ quan nhằm phòng tránh Covid-19.

Nghe tin Hà Nội nới lỏng giãn cách từ 21/9, cho mở lại một số dịch vụ, Quỳnh Anh (25 tuổi) vừa vui mừng vừa háo hức. Nhiều hàng quán cô yêu thích mở bán mang về hơn so với trước, thậm chí dịch vụ rửa xe, gội đầu, cắt tóc cũng được phép hoạt động.

Nhìn mái tóc đã lâu không được chăm chút ở salon quen, chẳng còn đúng phom, nếp như hồi mới làm, Quỳnh Anh “ngứa ngáy” song vẫn quyết định chưa vội đặt lịch đi sửa khi thấy hình ảnh đông đúc ở các salon.

Vài ngày nay, cô vẫn duy trì thói quen đã hình thành trong gần 2 tháng giãn cách xã hội: chỉ ra ngoài khi thật cần thiết, luôn đeo khẩu trang, không tụ tập và duy trì khoảng cách với người khác khi ở ngoài.

Không chỉ Quỳnh Anh, “không vội vàng, không chủ quan” hiện cũng là tâm lý chung của nhiều bạn trẻ trước một Hà Nội nới lỏng hơn nhưng vẫn cần người dân thật cẩn thận, nghiêm túc chống dịch.

Cố hết sức có thể

“Tất nhiên mình cũng muốn ra ngoài vui chơi chứ, nhất là Hà Nội đang độ vào thu, mùa đẹp nhất trong năm nữa. Nhưng xét đến tình hình dịch bệnh, mọi thú vui, sở thích đều có thể gạt qua một bên để đảm bảo an toàn”, Quỳnh Anh nói với Zing.

Đang tập trung làm luận văn để lấy bằng thạc sĩ, thi thoảng nhận dịch thuật bên ngoài, chủ yếu trao đổi online với giáo viên nên từ khi dịch bệnh có dấu hiệu nghiêm trọng, Quỳnh Anh chủ động hạn chế ra ngoài cả trước khi có chỉ thị giãn cách.

Quỳnh Anh học nấu ăn, làm bánh trong thời gian ở nhà giãn cách.

Từ cô gái ưa lê la hàng quán, ngồi cà phê với bạn, Quỳnh Anh bắt đầu dành nhiều thời gian hơn học nấu nướng, tìm thú vui khi ở nhà. May mắn sinh sống với gia đình chị gái, cô không cảm thấy quá cô đơn.

“Cũng có nhiều lúc bức bối, khó chịu nhưng mình hiểu ở nhà là việc cần thiết cho bản thân và cả cộng đồng, nhất là những người tự chủ được thời gian như mình cần tự giác.

Việc nới lỏng giãn cách chứng tỏ dịch bệnh đang được kiểm soát tốt song mình nghĩ chưa đủ để tất cả người dân có thể buông lỏng cảnh giác. Tùy vào hoàn cảnh, mọi người vẫn nên góp phần chống dịch theo khả năng của mình và hạn chế đi lại khi không quá cần thiết là việc đơn giản nhất”.

Không để bao công sức chống dịch đổ bể

Ra siêu thị gần nhà mua thức ăn vào chiều 21/9, Ngọc Quỳnh (25 tuổi, freelancer) bất ngờ và có phần hơi sợ khi thấy dòng người đông đúc trên phố.

Tối đến, hình ảnh người dân đổ ra đường chơi Trung thu tràn ngập mạng xã hội càng khiến cô lo lắng bởi không đảm bảo giãn cách, có cả nhiều trẻ nhỏ.

“Thành phố vẫn đang hạn chế tập trung không quá 10 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Nhỡ đâu trong dòng người đi chơi ấy có F0 chưa được phát hiện rồi lây lan cho cộng đồng thì sao. Mình mong những nỗ lực chống dịch của người dân và thành phố thời gian qua không bị đổ bể vì những hoạt động tương tự”.

Quỳnh hiểu có thể tâm lý nhiều người thời gian qua bức bối, cuộc sống ảnh hưởng nên muốn giải tỏa. Tuy nhiên, cô cho rằng chỉ cần lơ là một chút, cái giá phải trả sẽ rất đắt.

Quỳnh cố gắng tự làm đồ ăn, thức uống trong thời gian ở nhà.

Từ khi dịch vụ giao hàng ăn được mở lại đến lúc nới giãn cách, việc mua sắm nhu yếu phẩm, nhất là mua hàng online của Quỳnh dễ dàng hơn.

Song ngoại trừ điều đó, cô vẫn giữ nhịp sống, thói quen sinh hoạt đã thành quen: ra khỏi nhà 1-2 lần/tuần để mua thực phẩm, cố gắng tự nấu ăn, hạn chế việc tiếp xúc với người khác và luôn trang bị khẩu trang, nước rửa tay mỗi khi đến nơi công cộng. Đến món cà phê, trà sữa yêu thích cô cũng tranh thủ học cách làm, vừa đảm bảo tuân thủ phòng dịch, vừa nâng cao khả năng bản thân.

Tương tự, Kiều Ngọc (26 tuổi) rất muốn đi làm đẹp sau thời gian dài giãn cách xã hội song cô vẫn quyết định trì hoãn, theo dõi tình hình rồi mới quyết định.

Làm việc trong nhóm ngành thiết yếu nên thời gian qua, Ngọc nằm trong số nhân viên được đến văn phòng 3 buổi/tuần để duy trì công việc. Từ 21/9, cô và toàn bộ đồng nghiệp trở lại làm việc bình thường.

"Thực ra ngoài việc số ngày đến văn phòng nhiều hơn, cuộc sống của mình không có gì khác so với thời điểm giãn cách. Cung đường hàng ngày của mình vẫn luôn là từ nhà tới công ty và ngược lại. Dù có thể đặt giao hàng, mình và đồng nghiệp vẫn cố gắng duy trì việc đem cơm đi làm. Mong rằng ngày toàn dân được thực sự trở lại cuộc sống bình thường sẽ sớm đến".

Mai An

Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/duoc-noi-long-gian-cach-nhieu-nguoi-van-han-che-tranh-di-ra-ngoai-post1265820.html