Được ăn, được nói, được gói mang về!

Với mô hình liên kết giữa phát triển du lịch gắn với tiêu thụ đặc sản vùng miền, du khách không chỉ được tìm hiểu về văn hóa, ẩm thực địa phương mà còn vừa được ăn, được nói, được gói mang về!

Du khách checkin trên cánh đồng hoa cẩm tú cầu tại Nông trại cún Puppy Farm. Ảnh: BNEWS/TTXVN

"Đi du lịch là mua quà đặc sản mang về", đây là tâm lý chung của hầu hết mọi người trong mỗi chuyến đi chơi xa. Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều địa phương đã triển khai hiệu quả mô hình liên kết giữa phát triển du lịch gắn với tiêu thụ đặc sản vùng miền.

Qua đó, du khách không chỉ được tham quan danh lam, thắng cảnh, tìm hiểu về văn hóa, ẩm thực địa phương mà còn được tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất, tận tay thu hái trái ngon... để rồi vừa được ăn, được nói, lại vừa được gói mang về!

Di chuyển từ trung tâm thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) khoảng 20 phút trên những con đường lớn nhuộm vàng hoa dã quỳ hai bên, chúng tôi đã tới một trong những địa điểm tham quan, du lịch hoàn toàn mới nơi thành phố ngàn hoa - Nông trại cún Puppy Farm.

Khác với du lịch truyền thống là tập trung vào các điểm tham quan danh lam, thắng cảnh, thì tới đây, du khách lại được hòa mình cùng những "người bạn bốn chân" siêu dễ thương, rất thân thiện và mến khách.

Du khách checkin cùng những chú cún đáng yêu tại Nông trại cún Puppy Farm. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Có khoảng 150 cá thể chó được Puppy Farm chăm sóc bao gồm: chó Corgi, chó Alaska, chó Husky, chó Poodle, chó Pug… Mỗi loại được phân thành khu vực riêng cho khách du lịch tiện tham quan. Với những người yêu thú cưng, đây chắc chắn là một điểm đến khó bỏ lỡ.

Còn với những ai đam mê check in "sống ảo", cánh đồng hoa rộng tới 15.000 m2 với đủ loại đặc trưng của Đà Lạt, từ cẩm tú cầu, hoa hướng dương, lavender đến cúc cánh bướm… sẽ khó làm bạn thất vọng.

Chưa dừng ở đó, du khách đến đây còn có cơ hội tận mắt chứng kiến cả quy trình trồng dâu tây và cà chua công nghệ cao. Không ít người đã phải trầm trồ vì những rau củ không chỉ tươi ngon mà còn vô cùng đẹp mắt.

Anh Nguyễn Quốc Huy, khách du lịch đến từ Tp. Hồ Chí Minh cho biết: "Trước đây tôi chỉ mới mua trái cây, rau củ từ siêu thị về ăn thôi. Còn chuyến đi này, tôi được xem trực tiếp cách người ta trồng từng loại dâu tây, cà chua..., được tự tay mình hái và trải nghiệm vị tươi ngon của rau củ Đà Lạt. Một cảm giác rất lạ, rất đặc biệt và thú vị!"

Du khách chia sẻ về trải nghiệm hái cà chua tại vườn của Nông trại cún Puppy Farm. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Chia sẻ về mô hình du lịch hấp dẫn này, ông Nguyễn Lê Thái Ngọc, Trưởng Phòng kinh doanh Khu du lịch Puppy Farm đánh giá: "Du lịch canh nông thời gian qua đang rất phát triển đáp ứng nhu cầu lớn về trải nghiệm của khách hàng, được tự tay hái rau quả. Nắm bắt được xu hướng này, nông trại đã đầu tư, cải thiện chất lượng dịch vụ, phát triển vườn dâu thủy canh lên tới hơn 40.000 m2 chuyên về trồng dâu công nghệ cao".

"Du khách đến tham quan không chỉ ngắm hoa Đà Lạt, chơi với thú cưng mà còn được tiếp cận tới các đặc sản nông nghiệp, rau củ quả Đà Lạt. Từ đó, giúp đưa các sản phẩm nông nghiệp và du lịch xích lại gần nhau hơn, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ nông sản địa phương", ông Ngọc nói thêm.

Tương tại Công ty sản xuất trà Thảo dược và rượu Vang Vĩnh Tiến, mô hình Khu làng cổ tích DaLat Fairytale Land được đưa vào hoạt động từ năm 2018 với mục đích chia sẻ những đặc sản của Đà Lạt với khách du lịch.

Hầm rượu vang Vĩnh Tiến - một địa điểm checkin khó bỏ qua của giới trẻ. Ảnh: Vĩnh Tiến

Ẩn mình trong một ngọn đồi, xung quanh là rừng cây tùng của Đà Lạt, DaLat Fairytale Land được truyền cảm hứng từ ngôi làng Hobbit ở New Zealand, từng là bối cảnh trong bộ phim bom tấn “Chúa tể của những chiếc nhẫn”. Đây được mệnh danh là ngôi làng kỳ diệu của những kẻ thiếu chiều cao.

Nơi đây thu hút du khách không chỉ bằng lối kiến trúc lạ mắt mà còn bởi những ý tưởng độc đáo. Mỗi ngôi nhà trong làng đều giới thiệu cho du khách về những sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên nổi tiếng của Đà Lạt không phải qua những tờ rơi quảng cáo hay những thước phim hiện đại mà chính bằng những câu truyện cổ tích.

Không chỉ thưởng lãm cảnh đẹp Đà Lạt, du khách còn được trực tiếp nếm thử đặc sản rượu vang tại Khu du lịch Công ty Vĩnh Tiến. Ảnh: Vĩnh Tiến

Bà Nguyễn Thị Xuân Điệp, Trưởng phòng kiểm tra chất lượng Công ty Vĩnh Tiến chia sẻ: "Đã 4 năm kể từ khi công ty đưa vào thực hiện mô hình du lịch canh nông kết hợp với sản xuất, lượng khách đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm cao điểm lên đến cả nghìn khách mỗi ngày. Khách hàng quan sát quy trình sản xuất rượu vang, đông trùng hạ thảo..., thưởng thức và đối chứng sản phẩm tại chỗ. Từ đó, khách hàng hiểu rõ hơn về sản phẩm, tin dùng và mua về làm quà, kéo theo doanh thu của công ty cũng cải thiện từ 5-10%/năm".

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều các mô hình liên kết tiêu thụ đặc sản vùng miền gắn với phát triển du lịch tại riêng Đà Lạt cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước đang phát huy hiệu quả tích cực.

Nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng khi đi du lịch là mong muốn mua được đặc sản địa phương vừa cho cá nhân vừa để làm quà, nhiều địa phương xác định mô hình liên kết này là trọng tâm phát triển.

Ông Bùi Thế, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng đánh giá xu hướng phát triển du lịch gắn với tiêu thụ đặc sản địa phương đang là xu hướng chung. Lâm Đồng phát triển du lịch gắn với tiêu thụ đặc sản không chỉ của riêng địa phương mà còn cả đặc sản của các tỉnh bạn thông qua nhiều mô hình du lịch canh nông giúp du khách vừa trải nghiệm hoạt động sản xuất vừa mua sắm các sản phẩm địa phương trực tiếp sản xuất. Ngoài ra, một số điểm trưng bày hàng hóa đặc sản vùng miền tại các điểm du lịch cũng đã thu hút lượng lớn du khách tiêu dùng sản phẩm.

Không chỉ là nơi tham quan, ngắm cảnh, Nông trại cún Puppy Farm còn trưng bày gian hàng giới thiệu sản vật địa phương. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Không chỉ Lâm Đồng, nhiều địa phương như Yên Bái, Hà Giang, Quảng Ninh... cũng đang phát huy sức mạnh của mô hình này. Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tại các điểm du lịch trên, đặc biệt những nơi có làng nghề truyền thống, du lịch và tiêu thụ sản phẩm có thể gắn với câu chuyện hình thành sản phẩm, làng nghề. Từ đó, mang đến cho du khách trải nghiệm không chỉ về cảnh quan sinh thái, mà còn cả văn hóa phong tục tập quán...

Tuy nhiên, một trong những hạn chế hiện nay được ông Tiến chỉ ra là sản phẩm du lịch ở nhiều vùng đang na ná nhau, lặp lại từ địa phương này qua địa phương khác mà thiếu đi điểm nhấn đặc trưng, riêng biệt. Do đó, ông Tiến mong muốn với cơ chế hỗ trợ xã hội hóa, cộng đồng doanh nghiệp cần có tư duy giải pháp để tạo ra sản phẩm đặc trưng, điểm nhấn cho du khách quay lại, góp phần thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm đặc sản.

Những trái dâu chín mọng tại Nông trại cún Puppy Farm. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Chia sẻ về những khó khăn tồn tại, ông Nguyễn Viết Vân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết đây là sản phẩm du lịch mới, chưa có cơ chế chính sách quy định cụ thể nên người dân gặp khó trong đầu tư, thu hút đầu tư. Mặt khác, việc quảng bá vẫn còn hạn chế, du khách trong nước và quốc tế ít biết đến và chưa nắm được sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Với truyền thống sản xuất nông nghiệp lâu đời, phong cảnh nên thơ cùng với những giá trị văn hóa làng quê, nhiều địa phương có tiềm năng để phát triển du lịch, giúp tạo công ăn việc làm cho người dân, đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ đặc sản vùng miền. Để phát triển mô hình liên kết này và khai thác hết tiềm năng của địa phương, ngoài việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân thì rất cần sự chung sức, đồng lòng từ nhiều phía.

Vì vậy, ông Vân đề xuất cần có chính sách thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế có tiềm năng đầu tư vào địa phương để khai thác và phát huy các tiềm năng sẵn có. Đồng thời, cơ chế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong làm thủ tục xây dựng thương hiệu, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để cùng địa phương thu hút phát triển sản phẩm mới là rất cần thiết./.

Lê Phương/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/duoc-an-duoc-noi-duoc-goi-mang-ve/277687.html