Đừng vô tình làm tổn thương con trẻ

Con về bà chơi đã một tuần nhưng khi nghe mẹ gọi điện con rất dửng dưng. Mẹ nghe rõ đầu dây bên kia tiếng bà ngoại: “Ra nói chuyện với mẹ cho mẹ đỡ nhớ Tun ơi!”. Và cả tiếng từ chối rất kiên quyết của con: “Mẹ con chả nhớ đâu! Mẹ con cứ nói thế đấy!”.

Sao mà mẹ không nhớ con được. Lúc chỉ có bố mẹ và em Miu ở nhà, mẹ thấy trống trải vô cùng. Bữa ăn giấc ngủ đều hình dung con ngồi ở vị trí này này! Con nằm còng queo như thế kia kìa... và cả cái miệng rất là hay tóp tép của con khi đã ngủ say nữa... Gác máy mà nước mắt mẹ lăn đấy! Vì nhớ con và cả vì tủi thân nữa.

Trẻ em dễ vui dễ buồn, nên sự quan tâm của bố mẹ sẽ giúp các bé cân bằng tâm lý

Khi nghe bà điện lên, nói chuyện, mẹ mới vỡ lẽ tại sao con lại đòi về quê, tại sao con không nhớ mẹ và còn khẳng định mẹ cũng không nhớ con nữa. Con kể với bà về sự thiên vị của mẹ giữa con và em Miu.

“Mẹ cháu chỉ đẻ ra em Miu thôi, còn cháu con ông bán kem í mà. Ông bán kem thì sao? Cháu con ông bán kem cũng được. Chẳng có gì xấu. Nhưng mẹ không được ghét cháu”.

Trời ơi, lại chuyện con ông bán kem. Là vì con lớn mà cứ giành nhau với em mấy thứ đồ chơi. Là anh nhưng con chả nhường em gái tí nào. Trong lúc tức mẹ mới đổ thừa: “Mẹ đâu có đứa con như vậy. Chắc chắn con là con ông bán kem dạo ngoài đường rồi...”. Mẹ vô tình làm tổn thương con trai. Mẹ phũ phàng với con, thô bạo với con, tóm lại mọi sự nhẹ nhàng đều cho Miu cả

Con kể với bà: “Mẹ cháu lúc nào cũng Miu ơi! Nhưng gọi cháu thì: Tun! Chỉ thế thôi bà ạ. Không có ơi, không ngân nga âu yếm. Mẹ gọi cháu giống như ra lệnh hay hô khẩu hiệu ấy. Cháu càng tin mỗi em Miu là mẹ đẻ ra. Là con ruột của mẹ. Vì con ruột mới được đối xử dịu dàng thế!”.

Kể đến đây bà ngoại còn minh họa bằng cái chớp chớp mắt quen thuộc của con. Cả cái bặm môi rất là đàn ông để nước mắt khỏi trào ra ấy, làm mẹ thắt cả ruột gan lại.

Ôi, sao con nghĩ ra được nhiều chuyện thế. Sao con không nói với mẹ mà lại chạy trốn mẹ. Đòi về quê với ông bà? Con tủi thân đến thế sao trước mắt mẹ con không phản ứng, chỉ cần con khóc thôi mẹ sẽ tự nhận ra và điều chỉnh được ngay thôi mà.

Kể cả chuyện ăn nữa, lần này bà mới kể “Mẹ cháu dành cả buổi sáng làm lươn, làm khoai xay và rất nhiều món ngon cho Miu. Lúc ăn mẹ cháu cũng hỏi là: Tun có ăn không? Rồi mẹ quay sang dỗ dành, nựng nịu em Miu mà không để ý đến cháu tí nào. Ngay cả họ của Miu cũng khác cháu. Miu là: Trần Lê Quỳnh Giang. Còn cháu chỉ mỗi: Trần Văn Nam...”.

Có phải thế đâu Tun ơi! Con là con ruột của mẹ . Con còn ra đời trước cả em Miu cơ. Nghĩa là “ruột trước” hẳn hoi. Phải đợi đến tận khi nào con lấy vợ, sinh con để hiểu cảm giác của mẹ thì lâu quá. Mai mẹ sẽ về đón con lên ngay. Mẹ nhớ con quá rồi. Chắc mẹ về, con sẽ tin mẹ là mẹ ruột, mẹ thật của con phải không Tun?

→ Khi con coi tình yêu là tất cả

Hồng Lê

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/gia-dinh/nep-nha/dung-vo-tinh-lam-ton-thuong-con-tre-d101306.html