Dùng vàng giả đổi vàng thật, 3 cụ ông bị bắt giữ

3 cụ ông đóng giả là người đi mua trâu, tiếp cận những phụ nữ lớn tuổi rồi lợi dụng sự cả tin để dùng vàng giả đổi lấy vàng thật.

Báo Dân Việt đăng tải thông tin, ngày 8/8, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Cẩm Xuyên đã khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bắt tạm giam 3 bị can gồm Trần Nhật Kế (64 tuổi, phường Hưng Hòa), Lê Hồng Nhuận (64 tuổi, Phường Cửa Nam), Trần Đình Nghị (60 tuổi, cùng ở TP.Vinh, tỉnh Nghệ An).

Các đối tượng tại cơ quan điều tra - Ảnh: báo Infonet

Theo báo Người đưa tin, kết quả điều tra ban đầu xác định, cuối tháng 7/2017 đến nay, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên liên tục xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, ngày 12/7, chị Lê Thị Lý (SN 1961, trú tại xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên) bị nhóm kẻ gian lừa lấy 1 đôi bông tai vàng 24k. Ngày 16/7, bà Phan Thị Phê (SN 1949, trú tại xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên) cũng bị lừa mất 1 đôi bông tai vàng 24k. Cùng ngày, chị Võ Thị Trúc (trú tại huyện Cẩm Xuyên) bị nhóm đối tượng lừa lấy mất đôi bông tai vàng 24k…

Các nạn nhân cho biết, thủ đoạn được nhóm đối tượng sử dụng là đóng giả người lái trâu, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân, sử dụng dây chuyền vàng, đá giả để lừa đổi vàng thật, nhằm chiếm đoạt tài sản.

Nhận được đơn trình báo, Công an huyện Cẩm Xuyên tiến hành điều tra, sàng lọc đối tượng nghi vấn.

Sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ, cơ quan điều tra đã tiến hành bắt khẩn cấp các đối tượng trên để phục vụ điều tra. Tang vật thu giữ là 4 dây chuyền vàng giả, 6 viên đá giả có nhiều màu sắc, 2 xe máy và nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Được biết, cả 3 đối tượng nói trên đều có tiền án về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ năm 2009):

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

(Tổng hợp)

Vi An

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/phap-luat/an-ninh-hinh-su/dung-vang-gia-doi-vang-that-cu-ong-u60-bi-bat-giu-a198507.html