Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng!

Xin dùng lời bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để mở đầu những chia sẻ về tình hình dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là khi hôm nay TP. Hồ Chí Minh thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, thể hiện quyết tâm dập dịch trong vòng 15 ngày.

Những ngày qua, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khi biết tin thành phố sẽ cách ly theo tinh thần Chỉ thị 16 mở rộng, trên mạng xã hội có những lời phàn nàn, ca thán về những khó khăn sắp tới; về công tác phòng, chống dịch của chính quyền các cấp.

Đường phố TP. Hồ Chí Minh êm ắng những ngày giãn cách xã hội.

Chưa bao giờ mạng xã hội lại có “quyền lực” như lúc này, khi mà mọi người giờ đây chỉ có thể gặp nhau, trao đổi, chia sẻ qua chiếc smartphone. Vì thế mà mỗi người như dễ tổn thương hơn, bực bội hơn trước những thông tin nào đó, dù chưa được kiểm chứng độ chính xác về tình hình dịch bệnh.

Vẫn biết đợt dịch thứ 4 này với virus biến chủng mới, lây lan nhanh; cùng việc chúng ta xét nghiệm trên diện rộng nên sẽ phát hiện nhiều hơn những ca dương tính trong cộng đồng. Nhưng nhiều người không quan tâm, cứ nhìn vào các con số lạnh lùng mỗi ngày mà phán xét về công tác phòng, chống dịch của chính quyền và bi quan, tuyệt vọng mà quên đi những nỗ lực của cả hệ thống chính trị đang ngày đêm gồng mình chống dịch; quên đi biết bao nghĩa cử đáng trân quý, biết bao chuyện đời đẹp như mơ trong giai đoạn khó khăn này.

Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói, những lúc khó nhất là lúc chúng ta cần đoàn kết lại để chung tay đẩy lùi đại dịch. Chính phủ và cả nước đã, đang sát cánh cùng TP. Hồ Chí Minh quyết tâm dập dịch trong 15 ngày cách ly này.

Đến thời điểm này có thể nói, phòng, chống dịch COVID-19 thật sự là một trận chiến ác liệt và để chiến thắng, để cuộc sống trở lại bình thường, mỗi người dân phải là một chiến sĩ, mỗi gia đình, khu phố phải là một pháo đài phòng, chống dịch.

Và khi chưa thể làm được những việc lớn lao, chúng ta hãy an yên ở nhà, tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế và hãy lan tỏa những năng lượng tích cực, truyền tải thông điệp yêu thương để gắn kết mọi người, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần cùng chính quyền đẩy lùi đại dịch. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã khẳng định sức mạnh của lòng dân trong mọi cuộc chiến và trong trận chiến này cũng thế.

Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP. Hồ Chí Minh vắng lặng trong những ngày giãn cách. Ảnh: VTC News

Mọi quyết sách của Chính phủ, của các địa phương đều hướng tới người dân, vì sức khỏe của cộng đồng, vì thế rất cần sự chia sẻ, ủng hộ đồng lòng của người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Rõ ràng tình hình dịch bệnh của nước ta nói chung, của TP. Hồ Chí Minh và khu vực nói riêng có phức tạp, nhưng khách quan đánh giá chúng ta vẫn kiểm soát tốt tình hình và rất thành công trong phòng, chống dịch so với các nước trong khu vực và thế giới. Vì thế, xin đừng ca thán về quyết sách của chính quyền, với nỗ lực của Chính phủ cùng công tác ngoại giao của các ngành, vắc xin rồi sẽ đủ đầy, cuộc sống sẽ trở lại như xưa, giao thương sẽ trở lại bình thường nếu mọi người chúng ta cùng đồng lòng, chia sẻ.

Hãy bớt những than phiền và thêm chút yêu thương, lan tỏa những câu chuyện đẹp trên mạng xã hội để trong những ngày giãn cách, mỗi sớm thức dậy lên mạng, chúng ta thấy nhiều những thông điệp tích cực, tốt đẹp. Và đặc biệt là hãy lạc quan, tin tưởng vào quyết sách của Nhà nước, đừng quá bi quan, đừng tuyệt vọng.

Xin lại dùng lời bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bài "Sài Gòn mùa xuân" để kết thúc những chia sẻ của mình trong ngày đầu thành phố mang tên Bác cách ly toàn xã hội.

“ Sài Gòn mùa xuân còn thoáng vàng bay.

Có mùa thu nào đang ở lại

Mặt đường bình yên, nằm ngoan như con suối,

Kết hoa vàng cho lộng lẫy đời.”

Và tôi tin rằng với sự đồng lòng của người dân, cùng nỗ lực của chính quyền, các cấp thì Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh sẽ lại Kết hoa vàng cho lộng lẫy đời.

D.S

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/su-kien-binh-luan/202107/dung-tuyet-vong-em-oi-dung-tuyet-vong-929423/