Dũng Trống đi tìm động hoa…

Triết lý của Dũng Trống, không có 'chính trị-chính em' gì cả, chỉ có chính kiến sau những va đập sống trải, mật ngọt nếm đủ và dụng não đau đầu. Và đương nhiên, lại càng thêm được ngụy trang tinh vi qua một lớp áo trừu tượng giữa không gian hội họa đa sắc...

Rằng xưa có gã từ quan

Lên non tìm động hoa vàng ngủ say

(Đưa em tìm động hoa vàng - Phạm Thiên Thư)

Giữa chợ đời lặng ru bình yên ngủ

Thả muộn phiền thành cánh gió lao xao.

(Kẻ sỹ - Dũng Trống)

Khoảng lặng, nếu coi như là một chiều kích không gian, là nơi Dũng Trống an trú. Một đích đến, chưa hẳn. Một điểm dừng chân, là không thỏa đáng. Đúng hơn, một không gian rất trừu tượng được xây cất bằng ngôn ngữ hội họa giữa cõi tạm nương. Còn nếu coi như một đơn vị thời gian của tồn tại và suy tư, thì khoảng lặng của Dũng Trống vẫn không ngừng mở rộng và triển nở. Mượn một thi ảnh tiêu diêu đầy mỹ cảm nên thơ của nhà thơ Phạm Thiên Thư, thì đối với Dũng Trống, truy cầu khoảng lặng cũng có nghĩa là “đi tìm động hoa”...

Họa sĩ Dũng Trống bên tác phẩm Nhân sinh.

Câu chuyện lần đầu nghe về Dũng Trống, qua lời kể của một họa sĩ thân thiết, được khoác lên một tấm màn mờ mịt huyền bí song cũng gợi hiếu kỳ. Đại khái là một nhân vật “cũng ra gì đấy” lánh hết tất cả, tự nhốt mình vẽ tranh, và rất năng sáng tác. Đến khi trực tiếp tiếp xúc cả người lẫn tranh, mới thấy sự chuyển đổi từ Trần-Tiến-Dũng-ông đến Dũng-Trống-họa-sĩ nhất quyết là một tiên đề khảo cứu.

Bước vào đời, bởi bị môi trường xung quanh điều kiện hóa, lẫn ham muốn tự khẳng định của bản thân, ai cũng muốn làm một điều gì đó (mưu lợi, tiến thân, lập danh, “Nghĩa nhân liêm chính nào ai giữ/ Tài lộc lợi danh lắm kẻ cầu” – Dũng Trống), trở thành một ai đó (“ông nọ bà kia”). Và khi thành tài/ thành toàn, sự viên mãn tưởng như được xác lập vĩnh viễn. Nhưng giai đoạn hậu-ai đó, dù là do bị tước bỏ hay là từ bỏ, bị động hay chủ động, luôn tạo ra những cú sốc văn hóa hay chấn thương tâm lý không nhỏ. Về hưu, còn hay được gọi là về vườn, là trở về với cái bản thể thuần nông thuần nhị khi chưa là gì (“vui thú điền viên”). Rời xa cỗ xe và ô lọng, đồng thời để lại khoảng trống vô biên. Vì thế, công thức xuất xử của người xưa, “tiến vi quan, thoái vi sư” (đỗ đạt làm quan, mãn quan làm thầy) hay “từ quan quy ẩn” là những lựa chọn khỏa lấp.

An bình, acrylic, 89 x 130cm, 2023.

Con đường của Dũng Trống, hóa ra, đi và về một điểm, nhưng hành trình thì không khỏi nhiều ngã rẽ. Khởi điểm một cậu học trò sinh hoạt vẽ ở Cung Thiếu nhi và theo lớp vẽ năng khiếu của họa sĩ Phạm Viết Song, rồi trở thành chàng sinh viên Đại học Kiến trúc, ra trường làm quy hoạch rồi dấn thân làm công tác lãnh đạo quản lý và trở nên thành đạt.

Sau khi dứt chốn danh lợi đua chen bạc bẽo, sau tất cả tục lụy, phù vân, trước ngưỡng cửa thế giới tế vi, tạm bạc, khởi sinh một Dũng Trống cầm cọ vẽ một nét nhất nguyên lần thứ hai. Nói Dũng Trống đi tìm hoa cỏ gió trăng, chọn chốn động hoa hội hoa để ẩn dật ngủ say, là mong ước vượt thoát cái tế vi để đến với cái vô vi.

Nhưng con đường đến chân tâm đâu phải bao giờ cũng được lát đá dát vàng. Nhân tình thế thái còn khiến tâm người họa sĩ vương nhiều vọng động. Dứt khoát đoạn tuyệt tức thì khỏi những nỗi niềm chiêm nghiệm dường như là khó, bởi còn trắc ẩn là còn ưu tư.

Ẩn mình, acrylic, 89 x 130cm, 2022.

Suy tư, acrylic, 130 x 162 cm, 2023.

Một bộ phận người Việt hay thích triết lý vụn và bàn chuyện quan trường, đúc kết từ thói lõi đời và kinh nghiệm thường thức, nên không gian lập ngôn cũng thường là chỗ xuề xòa, kém sang như café vỉa hè, quán nhậu. Bởi vậy, nên thời lượng và độ dài của triết lý cũng chỉ tồn tại trên ấm trà, bàn nhậu. Còn triết lý của Dũng Trống, không có “chính trị-chính em” gì cả, chỉ có chính kiến sau những va đập sống trải, mật ngọt nếm đủ và dụng não đau đầu. Và đương nhiên, lại càng thêm được ngụy trang tinh vi qua một lớp áo trừu tượng giữa không gian hội họa đa sắc.

Nghệ thuật trừu tượng và triết lý thường tìm đến nhau theo cách cả hai đều muốn khám phá và biểu đạt những chân lý cơ bản về kinh nghiệm của con người. Trong tranh trừu tượng, nghệ sĩ thường hướng đến việc truyền tải cảm xúc, ý tưởng hoặc khái niệm thông qua các hình thức, màu sắc và bố cục phi đại diện. Điều này có thể phản ánh việc theo đuổi triết lý trong việc tìm hiểu và giải thích hiện tượng vượt ra ngoài những cách thể hiện theo nghĩa đen hoặc ở cấp độ bề mặt. Nhưng phần vì muốn những triết lý hiển ngôn hiện hình, nên những tác phẩm của Dũng Trống ở Khoảng lặng 2 lần này dao động giữa trừu tượng bán phần (near-/semi-abstract) và trừu tượng thuần khiết (pure abstract/abstraction).

Chân tu, acrylic, 130 x 162 cm, 2023.

Một trí thức trong bức Suy tư, dù có trừu xuất hết mọi yếu tố liên hệ hiện thực, thì vẫn toát lên một tư thế co quắp, thu mình, tất cả để nói lên một thân phận yếm thế giữa tình thế suy học thuật, kìm kẹp giữa chân xác và trá ngụy. Góp một tiếng nói, hay đã mất quyền nói?

Một Nhân sinh hỗn độn với nhiều cơ thể chồng lấp lên nhau không còn khoảng thở, trong khi Hiện sinh là những cánh tay vùng vẫy mong cầu đốn ngộ. Sự tử tế bị trói buộc bằng những ruy băng/sợi dây (?) đỏ. Đồng tiền thống ngự và tạo ra Thái bình. Hình tượng tăng lữ trong Chân tuNguyện cầu hiển hiện rõ ràng. Mặc dù vậy, đặc tính trừu tượng uyên áo cho phép người xem có thể tường giải theo nhiều khả thể khác nhau thay vì câu thúc theo một nghĩa chủ quan có trước nào đó.

Sự tử tế, acrylic, 89 x 130cm, 2022.

Người mù, acrylic 130 x 162 cm, 2022.

Những tác phẩm trừu tượng thuần chất toàn phần của Dũng Trống như Ẩn mình, An bình, Vô vi, Bông hồng gai cho thấy sự hòa sắc và kết cấu tự nhiên, tuôn chảy, tiết giảm nét và tương phản chênh phô. Kết cấu bề mặt là thứ cho thấy một cấu trúc bất hòa trong khoan thai, bất đăng đối trong quy luật trật tự, để khiến cho vẽ trừu tượng khác với cách hiểu phổ thông là bôi và quệt ngẫu nhiên (cũng có nhiều tay “amateur” nghĩ cứ vẩy màu và vẽ nghệch ngoạc là… sáng tác tranh trừu tượng). Cách dụng màu và hòa sắc nhuần nhị chính là thuộc tính vô vi, là minh chứng cho cuộc hoa bất tàn/ tận.

Từ phòng mát lầu cao, nay về làm phó thường dân, nhất là tái hội nhập cõi dân gian, lê la café hoặc bia hơi và ngồi sau xe máy vi vu tới xem các triển lãm, bớt thời gian gậy golf để dành cho cọ vẽ, chưa kể mở hẳn một không gian Art Gallery 39 Linh Lang để làm sân chơi giới thiệu tác phẩm mới cho các họa sĩ – một chốn thiên nhai thanh bình ngay giữa dương gian, không phải “sống trong khuôn tắc và làm con lật đật.” Nhưng hơn tất thảy, “bình yên nằm trong tâm trí,” động hoa vàng của Dũng Trống nằm chính trong anh, một vương cung thánh đường xây bằng hội họa.

Khoảng lặng 2 là tên triển lãm thứ hai của họa sĩ Trần Tiến Dũng (Dũng Trống) sau triển lãm đầu tiên cùng tên tổ chức vào năm 2020. Giới thiệu hơn 20 tác phẩm mới của họa sĩ, Khoảng lặng 2 sẽ được khai mạc vào 17h00 ngày 8.3.2024 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Đống Đa, Hà Nội, và diễn ra đến hết ngày 14.3.2024.

Phạm Minh Quân (Phó Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa, Giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội)

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/dung-trong-di-tim-dong-hoa-42866.html