Đừng sợ phạt xe không chính chủ...

Càng gần đến 1/1/2017, nỗi lo phạt xe không chính chủ kèm bao đồn đoán càng lớn. Trong rừng thông tin quá nhiều “ngõ ngách” ấy, tôi vẫn tin rằng có những điều đáng phải nghe, xem, đọc để rồi thấy rằng không hẳn là “ngáo ộp” như người ta sợ...

Có thể phiền phức, rắc rối hay khó khăn thời gian đầu như chủ trương đội mũ bảo hiểm đã từng vấp phải nhưng về lâu dài có lẽ được nhiều hơn mất. Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp - Bộ Công an giải thích rõ: “Trên thực tế, việc xử phạt để tác động tới ý thức của chủ phương tiện về việc bảo đảm tài sản, phương tiện của mình, tránh những trường hợp tranh chấp không đáng có khi không sang tên. Trong công tác giải quyết tai nạn giao thông, việc đăng ký chính chủ sẽ giúp ích rất nhiều cho cảnh sát trong quá trình điều tra, không bị mất thời gian đi tìm chủ sở hữu của phương tiện”.

Bên cạnh những bất tiện ban đầu và ngoài những lợi ích trên, đăng ký xe chính chủ sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí của chủ phương tiện như sau này chỉ cần đăng ký qua mạng, chuyển khoản để mua vé, phí đường bộ; hay áp dụng việc xử phạt nguội cũng rất dễ dàng... Từng đó đã đủ để “xe ai về tên người ấy” chưa? Nếu chưa đủ tôi tin rằng vẫn còn nhiều lý do khác để các cơ quan công quyền buộc phải quyết liệt như vậy.

Thật ra quy định này đã có từ 2014 nhưng để có thời gian cho người dân thực hiện nên đến 1/1/2017 này mới triển khai trên thực tế. Tôi đã nghe, đọc và xem nhiều ý kiến đồng tình lẫn phản đối. Tuy nhiên, phần nhiều những người chưa xuôi tai vẫn cho rằng “chẳng lẽ không được đi xe mượn” và hơn nữa “chắc chồng phải chở vợ theo nếu đi xe của cô ấy”... Đó chỉ là suy diễn và đồn đoán thôi các vị ạ!

Tướng Quân đã nói thế này: “Không có quy định nào xử phạt người đi mượn xe. Trong một nhà, vợ, chồng, con cái, anh em đi xe của nhau là hết sức bình thường, chỉ cần cầm đăng ký đi là được”. Và cũng đừng lo chuyện đang đi trên đường bị tuýt còi xem chính chủ hay không bởi nếu có phạm lỗi nào đó mới bị kết hợp xem thêm chuyện này thôi. Đã quá nhiều việc, tôi nghĩ rằng cảnh sát giao thông cũng không muốn mua thêm bận bịu hay rắc rối vì cái gì đó không hay đâu.

Đó là được, còn mất? Đã mấy ai nghĩ đến chuyện nếu có tranh chấp, điều tra, khởi tố vụ việc có liên quan đến chiếc xe đã bán, cho, tặng thì chủ xe phải chịu trách nhiệm liên đới chưa? Nếu chưa đừng giật mình khi tưởng tượng đến những tai bay vạ gió đến với mình. Và còn nữa: Tranh chấp, rắc rối với luật pháp, nơm nớp lo âu... Mà tại sao lại chịu phạt từ 100.000-400.000 đồng khi xe không sang tên đổi chủ cho hợp pháp nhỉ? Đỡ tốn kém, đi lại làm giấy hay dễ bán, dễ mua ư? Lợi thì có lợi nhưng coi chừng “hàm răng không còn” đấy nhé!

Có thể vẫn còn nhiều vướng mắc như: Làm sao chứng minh được xe của người thân mình đang mượn, người bán đã biệt tăm không rõ, kẻ mua mãi chưa chịu sang tên và tệ hơn nữa chủ cũ đã... qua đời thì sao đây? Đừng ngại, cứ hỏi cảnh sát giao thông nơi gần nhất, hầu hết đã có cách giải quyết và chẳng phải là bế tắc như lo sợ. Bởi suy cho cùng, quy định nào cũng mong muốn xã hội tốt hơn, mọi việc vào nề nếp và quy củ. Còn bất cập có chăng thì con người sẽ sửa được, cái gì không phù hợp hay trái quy luật tất phải biến mất dần.

Nhiều quy định mới ít nhiều sẽ đụng chạm đến lợi ích cá nhân nhưng nếu lợi chung cho xã hội thì tại sao lại không ủng hộ? Tâm lý thủ tục “hành là chính” có lẽ đã mang đến quá nhiều nghi ngại và trong chuyện này cũng khó tránh khỏi. Tôi mong tướng Quân và đồng đội của ông lắng nghe những tâm tư trên để xe về với chính chủ dễ dàng thuận tiện hơn. Một khi đường đã thoáng thì người sẽ thông và họ sẽ chẳng ngại ngần gì đi để thành thói quen.

Thiện Hiếu

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/dung-so-phat-xe-khong-chinh-chu-d49933.html