Đúng quy trình - nhưng nếu quy trình sai?

Có lẽ cụm từ được sử dụng nhiều nhất để các quan chức thoái thác trách nhiệm trong nhiều vụ việc là “đúng quy trình”. Từ chuyện bổ nhiệm người thân tại các cơ quan nhà nước đến việc đền bù giải tỏa bị người dân khiếu nại; từ tranh cãi về phạm vi trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước mỗi khi xảy ra sự vụ như ô nhiễm môi trường, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm đến câu chuyện xả lũ ở các đập thủy điện gây ngập lụt ở miền Trung...

Để đảm bảo an toàn hồ đập, hồ Kẻ Gỗ phải xả tràn trong bối cảnh nhiều xã vùng hạ du (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn còn ngập sâu trong nước. Nguồn ảnh: baohatinh.vn

Lập luận “đúng quy trình” là một lập luận “đắt”; nó biện minh cho các hành vi đã diễn ra, nó khoác lên các hành vi này tấm áo pháp lý, nó làm những bên chịu thiệt hại khó lòng phản bác.

Vấn đề là lập luận “đúng quy trình” như thế nếu dùng để “chạy tội” thì lại hoàn toàn đi ngược tinh thần một Nhà nước kiến tạo phát triển mà Chính phủ đang muốn xây dựng. Cứ cho rằng mọi biện bạch “đúng quy trình” là chính xác, vấn đề nằm ở chỗ cái quy trình đó vẫn gây tác hại, vẫn tạo ra những rào cản, vẫn không giải quyết được bài toán do xã hội đặt ra. Thế thì cái quy trình đó phải bỏ đi, làm lại một cái quy trình mới chứ tại sao khăng khăng “đúng quy trình” và bất kể hậu quả từ hành vi đúng quy trình của mình?

Đúng là luật không cấm tuyển hay bổ nhiệm người thân; luật cũng chưa có điều khoản nào ngăn chặn chuyện cha làm Chi cục trưởng, con lại làm Phó cho cha - cho nên rõ ràng chuyện bổ nhiệm như thế là đâu có sai quy trình. Nhưng những hình ảnh xung đột lợi ích như thế nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ làm suy yếu bộ máy, làm sút giảm lòng tin của người dân vào tính nghiêm minh của quyền lực công, thậm chí làm nội bộ cơ quan có cả cha và con làm lãnh đạo xào xáo, bất ổn. Lúc đó vai trò của người có trách nhiệm không phải là dùng cụm từ “đúng quy trình” để giải trừ trách nhiệm - vai trò của họ là xem quy trình còn thiếu khâu nào, sót tiêu chí gì để sửa sai và áp dụng ngay.

Quy trình xả lũ cho các đập thủy điện cũng do con người đặt ra - nếu việc xả lũ gây ngập bất ngờ làm người dân trở tay không kịp, tại sao việc đầu tiên không là ngồi xuống bàn kỹ để thay đổi cái quy trình đó đi? Thay đổi cho đến khi nào không còn người dân nào bị thiệt hại vì sự vận hành của nhà máy thủy điện trong khi vẫn bảo vệ sự an toàn của đập nước là điều cần hướng tới - và đó mới là quy trình cần thiết.

Nỗ lực của Chính phủ khi cố gắng dự thảo một luật sửa nhiều luật là nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đúng theo tinh thần kiến tạo phát triển. Không vì câu chuyện “đúng quy trình” để cứ thủng thẳng sửa từng luật, bỏ từng điều kiện kinh doanh. Thế nhưng vẫn còn đó những rào cản như thời gian eo hẹp, quy trình rà soát... có thể làm nỗ lực này không thành. Chúng ta hy vọng kỳ họp Quốc hội sắp tới sẽ giải quyết tốt đẹp chuyện này - để thấy “đúng quy trình” không phải là mấu chốt - quan trọng là cùng nhau giải quyết các bài toán của xã hội cho dù phải sửa lại quy trình cho phù hợp hơn.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/152813/dung-quy-trinh---nhung-neu-quy-trinh-sai.html/