Đừng nói với con trẻ những lời gây 'sát thương'

Có những câu nói của cha mẹ khiến trẻ em cảm thấy được yêu thương và che chở, nhưng đôi khi cha mẹ vô tình 'sát thương' con trẻ bằng những lời lẽ lạnh lùng và tàn nhẫn. Bạn đã bao giờ đe dọa, mỉa mai, phàn nàn, kêu ca hay cự tuyệt, coi thường, phủ định… con bằng ngôn từ?

Nếu con mà làm thế này một lần nữa, bố/ mẹ sẽ cho ăn đòn

Dường như đây là câu nói cửa miệng của nhiều ông bố, bà mẹ. Khi trẻ có một hành động mà theo bạn là không đúng đắn, để ngăn chặn hành động đó tiếp diễn, cha/ mẹ thường đưa ra tối hậu thư: “Nếu con mà còn… thì bố/ mẹ sẽ cho con ăn đòn…”. Chúng ta nhầm tưởng rằng, tối hậu thư này rất có sức nặng và sẽ phát huy tác dụng, nhưng lũ trẻ thường cố tình làm ngược lại điều mà cha mẹ mong muốn để chứng tỏ chúng đã lớn và có chính kiến.

Thường cái gì càng bị ngăn cản thì trẻ càng thích làm bằng được: Bố mẹ không cho trẻ đi đá bóng buổi trưa, chúng sẽ trốn đi cùng chúng bạn. Bố mẹ không cho trẻ ăn xiên bẩn ở cổng trường, chúng càng quyết tâm nhịn ăn sáng để dành tiền ăn xiên bẩn... Những lời đe dọa của cha mẹ chỉ chứng minh một điều bạn đang bất lực vì không bảo được trẻ. Thay vì đe dọa, cha mẹ nên kiên nhẫn giải thích cho trẻ hiểu tại sao lại không nên làm việc này hay việc kia. Nếu bạn đã giải thích mà trẻ không nghe, lúc đó hãy đưa ra các hình phạt từ nhẹ tới nặng, thay vì đe dọa hay đánh trẻ.

Con thì biết cái gì

Trong các cuộc tranh luận trong gia đình, khi trẻ tham gia đóng góp ý kiến, một số phụ huynh phớt lờ ý kiến của trẻ “Con thì biết cái gì”. Nếu trẻ nhiều lần bị phớt lờ và phủ định vai trò của mình, dần dần chúng sẽ không còn lắng nghe bạn và đưa ra các ý kiến cá nhân nữa. Như vậy, vô tình bạn khiến cho con trở thành một đứa trẻ thụ động, ngại bày tỏ quan điểm, tự ti về bản thân, sống không có chính kiến. Có thể, trẻ em không biết nhiều bằng cha mẹ nhưng không phải là chúng không biết gì. Ý kiến của trẻ dù đúng hay sai, cha mẹ hãy lắng nghe và cùng trẻ thảo luận. Nếu ý kiến của bạn và con không đồng nhất, đừng vội vã ép buộc trẻ phải nghe theo, hãy để trẻ có thời gian tìm hiểu và thuận theo một cách tự nguyện.

Nhiều trẻ cảm thấy bị tổn thương nghiêm trọng khi bị cha mẹ mắng mỏ, chỉ trích. Ảnh minh họa

Con thật lắm điều

Trẻ em tò mò, thích khám phá và học hỏi, nhiều khi những thắc mắc của trẻ khiến cha mẹ phải vò đầu bứt tai vì không biết phải giải đáp như thế nào mới thỏa đáng. Để không bị trẻ làm phiền, nhiều bậc cha mẹ thản nhiên quy kết trẻ là lắm chuyện hay lắm điều. Việc bị từ chối giải đáp các khúc mắc và liệt vào tuýp người nhiều chuyện sẽ khiến trẻ ngại hỏi, ngại bày tỏ các ý kiến cá nhân cũng như cảm xúc của mình. Một đứa trẻ hoạt bát, năng động có thể sẽ trở nên thu mình, trầm lặng, ngại giao tiếp với mọi người.

Khi trẻ hỏi bạn dồn dập, hãy bình tĩnh giải đáp từng điều một, điều nào bạn chưa biết thì tìm kiếm thông tin và trả lời con sau, không có gì phải xấu hổ vì bạn không phải là cuốn từ điển “biết tuốt”. Nếu trẻ trong độ tuổi đi học, bạn có thể khuyến khích trẻ tự đọc sách, báo hoặc tra cứu thông tin trên Internet để tìm ra câu trả lời.

Con chẳng thể làm nên trò trống gì

Việc bị cha mẹ coi thường sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của một đứa trẻ, khiến chúng trở nên tự ti và sống khép kín hơn.

Thậm chí, một số trẻ còn có những suy nghĩ tiêu cực khi bị cha mẹ mỉa mai rằng mình không thể làm nên trò trống gì. Đến cha mẹ còn không tin trẻ làm được thì thiên hạ ngoài kia, ai sẽ tin trẻ đây?! Việc bị cha mẹ coi như vô dụng lâu dần sẽ khiến trẻ tin rằng điều cha mẹ nói là đúng, rằng mình đúng là đồ bỏ đi. Vậy là, chỉ bằng một câu nói, cha mẹ đã hủy hoại cả một tương lai tươi sáng của con trẻ.

Nếu con thất bại hoặc làm một điều gì đó chưa tốt, hãy động viên con lần sau cố gắng làm tốt hơn, đừng bao giờ nói con vô dụng hay chẳng thể làm nên được trò trống gì, bạn nhé.

Việc này, con phải làm được chứ!

Trong khi một số trẻ bị cha mẹ coi thường về năng lực thì một số trẻ lại bị cha mẹ đề cao thái quá, lúc nào họ cũng nghĩ việc này, con mình nhất định phải làm được. Việc cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng ở con sẽ khiến trẻ cảm thấy vô cùng áp lực, lúc nào chúng cũng phải cố hết sức để làm hài lòng cha mẹ. Áp lực vô hình mà cha mẹ áp đặt lên trẻ sẽ khiến chúng luôn sống trong âu lo và sợ hãi, sợ một lúc nào đó mình không làm được điều mà cha mẹ mong muốn, cha mẹ sẽ buồn lòng hoặc thất vọng.

Hãy yêu thương con trẻ bằng cả lời nói lẫn hành động. Ảnh minh họa (HuffPost Life)

Làm cha mẹ, ai cũng mong con mình sống tốt và thành công trong cuộc sống, tuy nhiên bạn đừng đặt lên vai trẻ những gánh nặng thành tích hoặc kỳ vọng quá sức trẻ. Thay vì nói “Việc này, con phải làm được!”, hãy nói “Con làm tốt rồi đấy!”, khi nghe câu nói này, trẻ có cảm giác mình được cha mẹ ghi nhận và sẽ cố gắng lần sau làm tốt hơn nữa.

Bố/ mẹ đã hy sinh vì con

Đây là câu nói cửa miệng của một số ông bố, bà mẹ mắc bệnh “than”. Trẻ em không đòi sinh ra trên cõi đời này, việc sinh con là quyết định của cha mẹ. Chăm sóc và giáo dục một đứa trẻ chưa bao giờ là dễ dàng đối với bất cứ ai, tuy nhiên, bạn không thể vì nuôi con vất vả mà kể công, kể khổ cho rằng vì con mà mình đã phải hy sinh cả tuổi thanh xuân, hy sinh các cơ hội việc làm, hy sinh các thói quen và sở thích…

Câu nói trên sẽ khiến nhiều đứa trẻ nghĩ rằng mình là gánh nặng của bố mẹ dẫn tới những suy nghĩ tiêu cực thậm chí là lệch lạc. Trẻ em là niềm hạnh phúc của mỗi gia đình và việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ em là quyền và nghĩa vụ của các bậc cha mẹ.

THANH HUYỀN

Nguồn Dân Sinh: https://news.dansinhvn.com/dung-noi-voi-con-tre-nhung-loi-gay-sat-thuong-20231130201605.htm