Đừng nhẫn tâm phá hoại những di sản cổ tích và cho rằng đó là sáng tạo!

Khi Ngô Thanh Vân hào hứng công bố Tấm Cám: Chuyện chưa kể và khẳng định "chỉ giữ lại 70% nguyên tác". Có thể hiểu, cô đang muốn là người tiên phong tại Việt Nam theo cách Hollywood đã làm.

Tạm không nói đến việc liều lĩnh ở đây, tức là xem nó như một điểm cộng để khích lệ những nhà làm phim nào có tham vọng, mơ cao và muốn phá bỏ những giới hạn. Ngô Thanh Vân là người như thế, nhưng đáng tiếc là chị đã lầm khi cho rằng, công chúng đang muốn nghe chuyện chưa kể đằng sau một giai thoại, một điển tích hay nói đúng hơn là một di sản đã nằm lòng bao thế hệ - Tấm Cám.

Triết lý nhân quả trong Tấm Cám.

Cám (Ninh Dương Lan Ngọc) và Tấm (Hạ Vi)

Tuy nhiên, cũng khó mà trách chị, bởi lối tư duy này vốn dĩ xuất phát từ Hollywood. Nhờ sự phát triển của công nghệ, các nhà làm phim đã dựng nên những phiên bản hoàn toàn mới thông qua các phiên bản live-action từ những bộ phim hoạt hình. Và không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ hiện thực hóa chúng, họ còn đưa vào đó những ẩn dụ sâu xa dành cho người lớn - nhóm khách hàng đang làm chủ túi tiền và quyết định mọi thành bại doanh thu. Về cơ bản, động thái ấy có thể được gọi bằng một cái tên khác của sự sáng tạo không tuân theo khuôn mẫu. Thế nhưng ngoài những tác phẩm đột phá thật sự (như Enchanted cho công chúa cứu hoàng tử, The Princess and the Frog có nữ chính da màu bị biến thành ếch) đã đưa ra những thông điệp tuyệt vời về nữ quyền.

The Huntsman: Winter’s War, ngoại truyện của Snow White and the Hunstman, xóa xổ nàng Bạch Tuyết, là một bộ phim mới có Hoàng hậu độc ác, em gái băng giá, chàng thợ săn đã lấy vợ và một cốt truyện chẳng thể xác định được nó là chương nào trong cổ tích. Pan thiếu vắng Wendy và quá tàn nhẫn so với một thiên đường tuổi thơ, nơi có chàng trai không bao giờ lớn để cho thấy nếu biết bay thì sẽ tuyệt đến nhường nào. Cả hai đều thất bại, trong trường hợp bạn đã quên Red Riding Hood, Jack the Giant Slayer hay mới đây là Alice Through the Looking Glass…

Enchanted

Các kịch bản trên được tạo dựng sau trào lưu nhại lại những câu chuyện vui nhộn bắt đầu từ Shrek năm 2001, The Fall năm 2006 và kết thúc với Enchanted vào năm 2009. Hollywood thay đổi, 2011 được xem là thời khắc chuyển giao của phong trào làm phim phản biện cổ tích khi Alice in Wonderland có màn mắt mang lại hơn một tỷ USD toàn cầu. Các dự án Hansel and Gretel: Witch Hunters, Maleficent, Oz the Greatest and Powerful, Snow White and the Hunstman… cũng lần lượt được công bố. Báo chí thời ấy đã có cái nhìn đầy khởi sắc và tự hào trước những gì đang diễn ra. Rồi cũng chính họ, không lâu sau, lại ồ ạt lên tiếng phản đối khi tất đã đi quá xa. Hollywood đã ngụy biện giữa việc một xào nấu một món cũ để thuyết phục khán giả tin là họ đang cố gắng tạo ra sự đột phá, nhưng mọi nỗ lực ấy đều bị dập tắt thông qua chất lượng phim.

Maleficent

Ravenna

Maleficent thậm chí còn cho Angelina Jolie hóa thân thành bà mẹ khóc lóc và đau khổ vì bị người tình phụ bạc, may mắn nhờ sức hút khó cưỡng nên đã thu về gần 800 triệu USD. Snow White and the Huntsman cũng để lại ít nhiều ấn tượng bởi Charlize Theron xuất sắc trong vai diễn Ravenna. Song song với đó, series phim Once Upon a Time cũng được trình chiếu trên kênh ABC , như vũ trụ thu nhỏ của một thương hiệu truyền hình.

Vậy nên, khi Ngô Thanh Vân hào hứng công bố Tấm Cám: Chuyện chưa kể và khẳng định “chỉ giữ lại 70% nguyên tác”. Có thể hiểu, chị đang muốn là người tiên phong tại Việt Nam theo cách Hollywood đã làm. Nhưng đừng quên, trước đó đã có Cuộc chiến với chằn tinh khi có nàng công chúa kiên trung, biết bắn cung, tiếc là đạo diễn của phim lại bạc mệnh nên không thể lèo lái con thuyền của mình đến đích cuối cùng.

Ngô Thanh Vân không sai, nên không thể phủ nhận công lao của cô cho nên phim ảnh Việt Nam. Cũng như thể loại phim đánh cướp vốn quen thuộc trong nhánh phim hành động thì Hàm Trần cũng đã có công khai phá hồi Tết với Siêu trộm. Điều đáng nói ở đây, khi sự sáng tạo phải đánh đổi bằng chất lượng phim, biến đổi nó từ một cốt truyện đơn giản, gọn gàng để thành một kịch bản nặng nề và rối rắm. Thế tóm lại, điều đó có ý nghĩa gì, thay vì khán giả sẽ được thưởng thức một tác phẩm chỉn chu hoặc cùng lắm là ít lỗi so với mặt bằng phim Việt?

Trong điện ảnh, chỉ có hay và dở. Trong xu hướng lựa chọn phim, thường là “fresh” hoặc “rotten” từ của Rotten Tomatoes, hoàn toàn không có khái niệm đột phá nghĩa là đáng xem. James Cameron đâu có lấy lý do vì ông là người khởi xướng phong trào làm phim 3D khi sử dụng một loại máy quay phim kĩ thuật số 3-D tiên tiến có hai ống kính song song để phủ nhận đi chất lượng phim, dù nội dung Avatar khá ổn. Ai cũng cần những bộ phim tốt, bất chấp kinh phí, tham vọng hay tầm nhìn của người làm ra nó.

Cổ tích dành cho trẻ em, và phim cổ tích chính là kết quả khi trộn lẫn giữa hai thứ phép màu: phép màu của công nghệ điện ảnh và phép màu trong những câu chuyện đã truyền tải. Ấy vậy mà người ta đã phủ nhận điều này đi, đổ vào đó những mưu mô, toan tính và sự phức tạp của người lớn để tách cổ tích ra khỏi thế giới trẻ em. Cũng bởi người ta đã quên việc trẻ em thì luôn được sinh ra, và những câu chuyện, bộ phim cổ tích ở đó trong hàng thế hệ là để phục vụ cho chúng. Đây là lý do mà các bản thể của truyện cổ Grimm rất ít được đưa lên làm phim, qua thời gian, những chi tiết kinh dị cũng dần bị lược bỏ.

Năm 2015, Cinderella của hãng Disney bất ngờ lội ngược dòng, có bà mẹ kế cùng hai cô con gái sống trong căn nhà của nàng lọ lem. Chiếc giầy thủy tinh rơi xuống khi đồng hồ điểm 12 giờ, chàng hoàng tử vừa đến. Một kết thúc hạnh phúc mãi về sau. Kết quả là phim thắng với 540 triệu USD, đã trình diễn một bộ sưu tập phục trang ấn tượng và giới thiệu lại những ca khúc quá đỗi ngọt ngào. Không thêm thắt một chút gì, Cinderella làm khơi dậy dám muốn trong mỗi bé gái, vì ai cũng muốn có một chiếc vương miện công chúa trên đầu. Trẻ em lớn lên, trong nỗi khắc khoải mơ hồ của ngày xưa cũ, các câu chuyện dạy chúng những bài học đầu đời, rằng người tốt luôn được thưởng và kẻ xấu ắt bị trừng trị.

Tấm Cám: Chuyện chưa kể lẽ ra sẽ thành công hơn nếu đi theo hướng này, và cũng là giải pháp an toàn dành cho đạo diễn Ngô Thanh Vân trong mục tiêu phát triển phim Việt - hoàn thiện từ nền tảng và trân trọng từng tiểu tiết.

Duy Vũ

Nguồn SaoStar: http://saostar.vn/dien-anh/dung-nhan-tam-pha-hoai-nhung-di-san-co-tich-va-cho-rang-la-sang-tao-704167.html