Dùng ngân sách đền bù lún nứt nhà dân: Tiền lệ xấu

TS Phạm Sanh khẳng định việc Bộ GTVT đề xuất lấy ngân sách đền bù lún nứt nhà dân là vô lý, không đúng với các quy định của Luật xây dựng.

Bảo hiểm chỉ hỗ trợ một phần

Mới đây, Bộ GTVT có công văn gửi Thủ tướng kiến nghị cho phép sử dụng nguồn kinh phí giải phóng của dự án để chi trả đền bù, hỗ trợ nhằm chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng do thi công QL 1A, QL 14 (ngoài phần thuộc trách nhiệm của bảo hiểm đã chi trả).

Cụ thể, trên QL 1A đoạn từ TP Thanh Hóa đến Nghi Sơn dài khoảng 23 km nhưng có hơn 3.600 hộ yêu cầu đền bù lún nứt. Khi sự cố xảy ra, thiệt hại ước tính hơn 31 tỷ đồng, tuy nhiên bảo hiểm chỉ chấp nhận đền bù hơn 15 tỷ đồng.

Dự án qua tỉnh Phú Yên cũng gặp tình trạng tương tự như vậy. Thậm chí trong quá trình thi công, người dân nhiều địa phương có nhà bị lún nứt do bức xúc vì chưa nhận được đền bù đã ngăn không cho thi công.

Việc Bộ GTVT đề xuất xin tiền ngân sách đền bù lún nứt nhà dân là không đúng với các quy định của Luật xây dựng. Ảnh: TPO

Việc Bộ GTVT đề xuất xin tiền ngân sách đền bù lún nứt nhà dân là không đúng với các quy định của Luật xây dựng. Ảnh: TPO

Trước tình trạng trên, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Quang Toản - Nguyên Chủ nhiệm khoa cầu đường, ĐH GTVT khẳng định việc bảo hiểm chỉ đồng ý chi trả một phần sự cố là có cơ sở và đúng với các quy định.

Theo PGS.TS Toản, những quy định trong hợp đồng giữa Ban quản lý dự án và công ty bảo hiểm đều được thực hiện theo các quy định của nhà nước. Ở đây bảo hiểm chỉ chiếm một tỷ lệ nhất định trong dự án. Nếu tổng mức đầu tư lớn thì bảo hiểm sẽ phải trả lớn, trong trường hợp mức đầu tư nhỏ thì không thể yêu cầu đơn vị bảo hiểm chi trả cao hơn.

“Hiện tượng nứt lún nhà dân cũng chỉ là một phần, một bộ phận của sự cố công trình trong quá trình thi công thôi, không phải toàn bộ gói bảo hiểm. Vì vậy khi xảy ra những sự cố trên, người đầu tiên phải chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại là nhà thầu thi công chứ không phải bảo hiểm. Ở đây công ty bảo hiểm chỉ hỗ trợ một phần thôi”, PGS.TS Toản nhấn mạnh.

Bàn thêm về vấn đề này, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng trong trường hợp này cần xem lại 2 vấn đề chính. Một là xem lại hợp đồng giữa nhà nước, ở đây là Bộ GTVT với đơn vị thi công xem có nói về vấn đề đền bù thiệt hại không? Hai là kiểm tra xem pháp luật Việt Nam có nói gì về điều này không?

“Nếu nói pháp luật về xây dựng, quy hoạch thì tôi không thấy nói. Nhưng trong luật dân sự thì có nói. Tức là khi anh gây thiệt hại gì đó cho người khác thì phải bồi thường. Bây giờ chúng ta phải vận dụng quy tắc đó thôi. Ở đây ai gây ra hiện tượng sụt lún thì người đó phải chịu trách nhiệm bồi thường. Bảo hiểm chỉ chi tra một phần nhất định”, TS Liêm khẳng định.

Sụt lún do thi công ẩu?

Trong khi đó, TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông cho rằng, cần phải nhìn nhận một cách khách quan nguyên nhân dẫn đến sự cố sụt lún nhà dân trong quá trình thi công QL 1A, QL 14 để đưa ra cách giải quyết phù hợp.

“Nhà dân là tài sản ở sẵn. Sự cố sụt lún này theo tôi là do thiết kế ban đầu sai. Khi đổ đất, đổ đá nhà thầu không để ý hoặc khi làm đường thì lấp ao, lấp ruộng lúa gây ra hiện tượng nứt lún.

Ngoài ra còn có trách nhiệm của bên giám sát và chủ đầu tư vì không theo dõi, không thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng công nghệ thi công với máy móc cỡ lớn và sức ép tiến độ dự án cũng được coi là nguyên nhân dẫn đến những sự cố này”, TS Sanh nhấn mạnh.

Phân tích kỹ hơn về sự cố sụt lún nhà dân, TS Phạm Sỹ Liêm nói: “Việc nhà thầu sử dụng máy móc nặng mà nền đất ở khu ấy yếu nên khi tiến hành lu nền xuống đó để cho chắc thì xảy ra hiện tượng đất bị cắt ngang. Nó nở ra, ảnh hưởng trực tiếp đến nền móng của những nhà bên cạnh thì làm lún nứt”.

Để giải quyết vấn đề này, TS Liêm cho rằng cần phải nhìn nhận lại tnàn bộ quá trình thi công. Ở đây cần đưa ra các biện pháp thi công cho hợp lý, tránh tình trạng sức ép về tiến độ thi công dẫn đến thi công ẩu, kéo theo những hiện tượng sụt lún đáng tiếc.

“Nếu cán bộ kỹ thuật giỏi thì ở chỗ gần nhà dân không nên dùng máy móc quá nặng mà chỉ nên dùng loại nhẹ. Vì chỉ cần động đến thì xảy ra tình trạng lún nứt.

Tôi nghĩ trong trường hợp này nên làm một cái rãnh, cách nền đường với cái nhà ra. Nếu làm được như vậy thì không bao giờ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên làm rãnh sâu thì sau đó chúng ta phải xây cống hoặc phải lấp lại nhưng khi thế nó lại tốn kém”, TS Liêm nói thêm.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/dung-ngan-sach-den-bu-lun-nut-nha-dan-tien-le-xau-3319127/