Đừng mua dây buộc mình

Tôi biết không chỉ một mà nhiều học sinh học THPT dân lập nhưng vẫn đậu đại học nguyện vọng 1. Đáng nói, sau khi tốt nghiệp có em ngay lập tức vận dụng được kiến thức đã tiếp thu được ở giảng đường đem lại hiệu quả rất tốt.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Để thành công, vấn đề có lẽ nằm ở chỗ bên cạnh kiến thức văn hóa tốt còn cần đến tư duy đột phá. Nhiều trường phổ thông dân lập đang đáp ứng được cả hai điều đó. Từ khi vào trường các em đã được rèn các “kỹ năng mềm”.

Một số phụ huynh phàn nàn với tôi những câu rất tiêu cực rằng, có lẽ con họ sẽ thành những chú gà gô mất thôi. Thì vâng, chúng suốt ngày bận đánh vật với sách vở thì làm gì còn thời gian để tiếp nhận những kiến thức bên ngoài xã hội, rộng ra là kỹ năng sinh tồn. Có người hỏi tôi làm cách nào để giải thoát bản thân khi mà rất nhiều ngày vừa làm vừa phải canh giờ để trung chuyển con đến các điểm học thêm. Còn phải nghĩ ra đủ cách để nói dối lãnh đạo hòng được ra khỏi cơ quan kịp giờ.

Những đứa con đang được gửi gắm vào những ngôi trường công có tiếng, nhưng chúng phải đi học rất nhiều, có ngày tới 4 ca. Sáng học chính khóa ở trường, chiều học thêm các môn chính do nhà trường tổ chức, và ngay sau khi kết thúc buổi học chiều học sinh lại phải tham gia lớp học do giáo viên tổ chức. Chưa hết, nhiều cháu còn phải tham gia thêm một ca buổi tối. Con người ta học được, lý gì con mình không học. Mà không học thì sao bằng con người ta được. Rồi sẽ trượt mất thôi... Điều đáng nói là, lo lắng xin con đi học, nhưng đằng sau đó là tiếng thở dài. Nhiều phụ huynh đã nói đại ý như vậy, nhưng họ không biết thoát ra bằng cách nào cả. Tôi không thể giúp họ thoát khỏi sự xung đột trong chính bản thân, bởi cùng một lúc họ muốn cả hai.

Áp lực thi ngày càng lớn khiến nhiều phụ huynh phát sốt từ khi có con mới vào bậc THCS. Tôi nhớ từng xem một video trên mạng xã hội gần đây được cho là ghi lại buổi họp phụ huynh đầu năm học này ở một lớp khối 9. Cùng lúc mấy phụ huynh hỏi giáo viên chủ nhiệm là làm cách nào để con họ có thể đậu vào trường công lập. Cô giáo nói khóa trước các cô dạy mỗi môn một tuần 4 buổi nên tỷ lệ học sinh đậu vào trường công, trường chuyên cao chót vót. Phụ huynh nhao nhao lên đề nghị thì cô cứ tăng buổi lên. Một con “chim mồi” được thả ra đúng lúc, cô giáo chỉ việc đồng tình với phụ huynh mà chả mất lời thăm dò, đề nghị nào cả. 3 môn thi, mỗi môn học thêm 4 buổi, vị chi là 12 buổi. Nhiều phụ huynh thấy còn chưa đủ nên còn cho con học thêm ở ngoài. Câu chuyện học sinh ngày học 4 ca ngày càng trở nên phổ biến, những đứa trẻ vừa phải di chuyển vừa phải ăn mới kịp.

Không ai phản đối việc học, nhưng học nhiều đến thế có thành tài được không. Có đảm bảo chắc chắn vào được trường công hay đậu nguyện vọng 1 đại học không? Và nữa, học sinh có đủ sức khỏe thể chất và tinh thần để hấp thụ khối kiến thức trong ngày hay không? Những đứa trẻ học trường dân lập, chúng được chơi, được tiếp xúc với những kiến thức rất cần cho hành trình bước vào tương lai. Tôi không có ý phân biệt mô hình đào tạo, càng không có ý nói bên nào chất lượng hơn. Nhưng thực tế cho thấy nhiều hạt mầm gieo ở trường tư đã phát triển rất tốt.

Nhiều phụ huynh vì những thứ lo xa, mà đang vô tình đưa nhau vào con đường chật hẹp mà tự họ tạo ra. Như thế chỉ làm rối thêm, phức tạp hơn, mà chưa chắc hiệu quả đã như ý. Nhiều người phàn nàn tình trạng dạy thêm diễn ra ngày càng nặng nề, nhưng họ không nghĩ rằng chính họ là tác nhân. Biết rằng chi phí cho một học sinh ở trường tư cao hơn trường công, nhưng vì sao chúng ta không dành tiền học thêm của con để chi trả học phí cho con học trường tư? Suy nghĩ nhất thiết và cách chọn con đường duy nhất của nhiều phụ huynh đang làm khổ chính con mình.

Hạnh Nhiên

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/cau-chuyen/dung-mua-day-buoc-minh/29145.htm