Dựng hiện trường giả vụ cướp, tự tử hay bắt cóc có thể bị phạt nặng

Thời gian qua đã có một số cá nhân tự dựng hiện trường giả vụ tự tử, vụ cướp thậm chí bị bắt cóc để răn đe, dọa nạt, lấy tiền từ người khác, gây khó khăn không nhỏ cho lực lượng chức năng. Vậy theo quy định, hành vi này có phạm pháp?

Mới đây, một người phụ nữ ở tỉnh Vĩnh Phúc dựng hiện trường giả vụ tự tử trên cầu Đông Trù (Hà Nội). Tại hiện trường, có 4 đôi dép (3 đôi trẻ em, 1 đôi người lớn) cùng 1 xe ô tô BKS tỉnh Vĩnh Phúc. Ngoài ra, còn có 1 bức thư để lại với nội dung nói về áp lực cuộc sống của người phụ nữ và 4 mẹ con sẽ giải thoát cho chồng...

Vụ việc khiến lực lượng chức năng vất vả tìm kiếm trong nhiều giờ. Nhiều người dân hiếu kỳ đứng trên cầu theo dõi vụ việc và đăng tải thông tin lên mạng xã hội gây xôn xao dư luận.

Tuy nhiên, kết quả xác minh cho thấy, người phụ nữ cùng con nhỏ đang ở tỉnh Vĩnh Phúc bình an vô sự. Hiện trường trên cầu Đông Trù chỉ là hiện trường giả.

Tương tự, trước đó tại huyện Quốc Oai, Hà Nội, do đầu tư tiền ảo thua lỗ, N.H.S đã tự rạch vào tay, rồi tạo dựng hiện trường vụ bị 3 nam thanh niên cướp tài sản.

Chán nản về việc đã cầm cố chiếc xe máy cùng 2 chiếc Laptop lấy tiền đầu tư tiền ảo nhưng đã thua lỗ hết nên S đã thuê xe ôm chở đến khu vực đường đê thuộc TDP Đình Tổ, Thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai để ngồi chơi, sau đó đi xuống dưới sườn đê để đi vệ sinh thì bị trượt ngã khiến phần đầu đập vào đá. S đã lấy 1 con dao tự rạch vào cẳng tay trái, rồi tạo dựng ra vụ việc bị 3 nam thanh niên đánh, cướp tài sản để nói dối gia đình.

Hiện trường giả vụ cướp do S dựng lên để nói dối gia đình

Về hành vi hoang tin, tạo hiện trường giả, dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, trước hết cần làm rõ động cơ, mục đích của các đối tượng thực hiện hành vi này.

Nếu việc dựng hiện trường giả này không phải là thủ đoạn nhằm thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm nào khác (như gian dối để chiếm đoạt tài sản) thì có thể xem xét, xử lý hành chính theo Khoản 1 Điều 7 Nghị định144/2021/NĐ-CP về hành vi ‘gây mất trật tự công cộng ở nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, khu dân cư hoặc ở những nơi công cộng khác’.

Mặt khác, hành vi báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có thể bị phạt tiền 2 - 3 triệu đồng. Trường hợp báo cháy giả, báo tin sự cố, tai nạn giả mức phạt từ 4-6 triệu đồng.

Bên cạnh đó, người báo tin giả, sai sự thật còn có thể phải bồi thường nếu cơ quan chức năng có đủ căn cứ để xác định thiệt hại do hành vi này gây ra. Trong trường hợp báo tin giả nhằm thực hiện hoặc che giấu một hành vi phạm tội khác thì sẽ bị xử lý hình sự tương ứng.

Ngoài ra, một số cá nhân khi chưa rõ sự tình, chưa có kết luận của cơ quan chức năng đã vội chụp ảnh, đăng lên mạng xã hội kèm theo nhiều suy diễn gây hoang mang dư luận cũng có thể bị xử phạt về hành vi ‘cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội…’.

Có thể nói, hiện tượng dựng hiện trường giả vụ tự tử để hù dọa, thử lòng người yêu hay dựng hiện trường vụ cướp, bắt cóc để đánh lạc hướng, thậm chí lấy tiền từ chính người thân trong gia đình đang diễn ra khá phổ biến. Để hạn chế những vụ việc tương tự, cơ quan chức năng cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các đối tượng có hành vi này để răn đe - luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dung-hien-truong-gia-vu-cuop-tu-tu-hay-bat-coc-co-the-bi-phat-nang-post568648.antd