Đừng để rượu gây nên những cái chết oan uổng

Nói đến tai nạn và tội ác do rượu gây ra thực là vô cùng. Thực tế cuộc sống cho thấy, ngày càng có nhiều tai nạn, thậm chí nhiều vụ án xảy ra có liên quan đến rượu và người say rượu. Nhiều cái chết thương tâm xuất phát từ việc uống rượu say xỉn trong đó có tử vong do ngộ độc rượu.

Mới đây, tại Cà Mau, ngày 21/7, sau hai ngày nhậu liên tiếp, uống hết khoảng 5 lít rượu, 3 trong 6 “đệ tử gái” của Lưu Linh, nghi do ngộ độc rượu, đã tử vong.

Trước đó, sáng ngày 8/7, hai anh em người dân tộc thiểu số Liêng Jrang Ha Hôn (26 tuổi), Liêng Jrang Ha Hải (23 tuổi, ở thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã tử vong sau hơn 3 ngày nhập viện nghi ngộ độc rượu mặc dù được điều trị tích cực.

Gần đây nhất, ngày 4/8, một nhóm 8 thanh niên tụ tập nhau uống sạch 5 lít rượu pha với nước ngọt tại quán “MR Bao” (đường Tăng Nhơn Phú, phường Phước Long B, TP Thủ Đức). Hậu quả 1 người tử vong tại nhà trọ, 1 người tử vong tại bệnh viện, 6 người còn lại trong tình trạng nguy kịch chuyển cấp cứu nghi ngộ độc methanol chứa trong rượu.

Đừng để rượu gây nên những cái chết oan uổng. Ảnh: IT

Không ai biết rượu có từ khi nào. Chỉ biết từ rất xa xưa trong quá trình chinh phục thiên nhiên, con người đã mượn men rượu để chống lại cái lạnh lẽo, tạo sự hứng khởi, tăng hiệu quả trong lao động sản xuất. Rượu giúp người ta quên đi nỗi cô đơn hiu hắt giữa đồng không mông quạnh, giữa sông nước mênh mang, giữa rừng thiêng nước độc…

Uống rượu đã trở thành một truyền thống, một nét văn hóa riêng của mỗi vùng miền cũng như của mỗi quốc gia. Rượu được xem là thú vui tao nhã không thể thiếu của giới tao nhân mặc khách qua hình ảnh túi thơ, bầu rượu. Rượu làm cho đầu óc khai thông, tâm hồn cởi mở… Rượu khiến con người dễ gần gũi hơn, vui vẻ, nồng nàn hơn.

Ở Việt Nam, trong các lễ hội, rượu luôn luôn có mặt và giữ vai trò quan trọng về mặt nghi lễ. Đặc biệt là ba ngày Tết cổ truyền, không thể nào thiếu chén rượu. Nâng chén rượu đầu xuân để chúc tụng nhau được nhiều sức khỏe, gặp điều may mắn, tốt đẹp nhất trong suốt cả một năm, thật ý nghĩa biết bao.

Rượu hiện diện xuyên suốt trong cuộc đời mỗi con người. Khi vừa lọt lòng mẹ, rượu đã có mặt trong tiệc đầy tháng, thôi nôi… Lớn lên dựng vợ gã chồng, rượu không thể thiếu trong đám hỏi, đám cưới. Đến lúc từ giả cõi đời, rượu cũng được dùng để cúng tế trong tang lễ. Với người sống, rượu đã trở thành thứ không thể thiếu trong sinh hoạt. Với người đã khuất, rượu làm sứ giả, là cầu nối tâm linh giữa dương gian và nơi chốn vĩnh hằng…

Rượu đi vào thơ ca nhạc họa: “Rượu ngon mà thiếu bạn hiền/ không mua không phải không tiền không mua”. Chung rượu cũng làm nên lớp diễn để đời của hai người bạn tri giao là hàn sĩ Nhuận Điền và quan trạng Trần Minh trong tuồng hát “Bên cầu dệt lụa”. Rượu là biểu tượng của sự tri kỷ, tri âm.

Trong giao tiếp hằng ngày, rượu được quy ước: "Trà tam rượu tứ", “Vô tửu bất thành lễ”. Rượu cũng dùng làm thước đo bản lĩnh đàn ông: “Nam vô tửu như kỳ vô phong”. Tuy nhiên, ngày nay, uống rượu không còn là đặc quyền của đàn ông, ngày càng có nhiều phụ nữ gia nhập hàng ngũ “đệ tử Lưu Linh”.

Truyền thống văn hóa rượu không chỉ riêng của người Việt. Rượu còn là nền tảng văn hóa truyền thống, là quốc hồn, quốc túy của nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới như Hoàng tửu, Mễ tửu, Mao Đài của Trung Quốc; Rượu vang ủ dưới biển - hương vị độc đáo là một câu chuyện kể đáng tự hào của mỗi người dân Pháp. Người Hàn Quốc có rượu Soju, rượu gạo Makgeolli - thứ đồ uống ưa thích được sản xuất từ quá trình lên men ngũ cốc. Bên cạnh có thể kể đến rượu Sake Chungha, rượu Whisky, rượu Bokbunja…

Như vậy, bản thân rượu là hình tượng văn hóa tích cực. Nhưng đáng buồn thay, ngày nay, nét đẹp văn hóa của rượu đã bị biến tướng. Rượu bị lạm dụng tạo nên một trào lưu, một nét xấu trong văn hóa người Việt. Rượu vào, con người không kiểm soát được hành vi, nhận thức, ói mửa lung tung, chân nam đá chân chiêu, quàng xiên, vẹo vọ, nói năng văng mạng, tay chân táy máy… vừa hại sức khỏe vừa mất tư cách con người.

Ngày nay, uống rượu không còn là đặc quyền của đàn ông, ngày càng có nhiều phụ nữ gia nhập hàng ngũ “đệ tử Lưu Linh”. Ảnh: IT

Tất nhiên không phải ai, lúc nào, uống rượu cũng để lại những hậu quả xấu nếu như chúng ta biết cân nhắc, chừng mực, điều độ và có giới hạn. Đặc biệt để không dẫn đến cái chết oan uổng, người dân không nên uống rượu, bia không rõ nguồn gốc để tránh tình trạng ngộ độc methanol. Methanol hay thường được gọi là cồn công nghiệp, chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm.

Cần loại bỏ thói quen ép rượu, bởi vì tửu lượng mỗi người mỗi khác và tình trạng sức khỏe của mỗi người trong từng lúc cũng diễn biến thất thường. Vui thôi đừng vui quá, đừng để rượu chịu “hàm oan” là “sát thủ” giết người.

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/xa-hoi/dung-de-ruou-gay-nen-nhung-cai-chet-oan-uong-165532.html