Người khắc họa cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh

Búp sen xanh - nơi tiểu thuyết và lịch sử gặp nhau, họa nên một giai đoạn trong cuộc đời vị Cha già dân tộc.

Bản thảo viết tay tác phẩm "Búp sen xanh".

Bản thảo viết tay tác phẩm "Búp sen xanh".

“Anh Ba thì thầm:

- Nỗi khổ của người dân mất nước, chúng mình đã từng tâm sự nhiều lần. Bây giờ... bây giờ mình đã quyết định đi ra nước ngoài... Mình muốn anh cùng đi.

Tư Lê hơi bối rối. Anh cầm bàn tay anh Ba:

- Đi tới đâu hả anh Ba?

- Sang Pháp và… đi tới các nước văn minh khác. Sau khi xem xét họ làm ăn thế nào, chúng mình trở về giúp đồng bào đuổi hết thực dân Pháp ra khỏi đất nước, giành độc lập, tự do...

Tư Lê băn khoăn:

- Đuổi Tây, giành độc lập tự do, sao chúng mình lại sang Tây?

- Tôi đọc báo, đọc sách của những người Pháp viết, họ bàn nhiều đến quyền tự do, bình đẳng, bác ái. Tôi nghĩ, quyền lợi tối cao của một dân tộc là độc lập, tự chủ. Quyền cơ bản nhất của con người ở trong xã hội là quyền tự do, bình đẳng giữa người với người. Tôi muốn sang Pháp để được nhìn tận mắt người dân Pháp họ sống thế nào, đằng sau những cái chữ tự do, bình đẳng, bác ái ẩn náu những gì”.

Đây là một đoạn trích đối đáp giữa Tư Lê và anh Ba - Nguyễn Tất Thành trong cuốn Búp sen xanh - tiểu thuyết đầu tiên viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng nhất của nhà văn Sơn Tùng.

Tác phẩm “Búp sen xanh” kể về thời thơ ấu và một phần tuổi trẻ của cậu bé Nguyễn Sinh Cung ở làng quê Nghệ An, rồi kinh đô Huế - nơi đã nuôi dưỡng ý chí, tâm hồn và nhân cách của một nhà hoạt động cách mạng vĩ đại.

Dịp kỷ niệm 133 năm sinh nhật Bác năm ngoái, chúng tôi được chứng kiến một buổi lễ xúc động: Lễ tiếp nhận tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, do ông Sơn Định - con trai và bà Hồng Anh - con gái nhà văn Sơn Tùng đại diện gia đình trao tặng Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, với tâm niệm “lưu lại những dấu ấn lịch sử gia đình”, “gửi gắm vào đây để giữ lại cho bây giờ cũng như mai sau các lớp hậu sinh biết được cuộc sống lao động của cha tôi như thế nào - một thương binh nặng 1/4".

Khối tài liệu ấy gồm nhiều kỷ vật quý giá như băng tài liệu về câu chuyện "Bác Hồ đến Mỹ", "Người chụp ảnh Bác Hồ", "Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ", những tấm ảnh Bác Hồ với các cháu trong đoàn thiếu niên dũng sỹ diệt Mỹ ở miền Nam ra thăm miền Bắc tháng 1/1969, Đoàn Anh hùng và Chiến sỹ thi đua quân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc đến chào Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1965, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đến nước Pháp tháng 6/1946… được gia đình sưu tầm trong nhiều năm, cất giữ cẩn thận; hay các hiện vật gắn với cuộc đời sáng tác của nhà văn như chiếc máy đánh chữ, bút, kính, con dấu phiên âm, bức tượng Anh hùng Lao động - nhà văn Sơn Tùng. Đặc biệt trong số đó là bản thảo viết tay tác phẩm Búp sen xanh mà nhà văn Sơn Tùng đã ấp ủ, dày công theo dấu chân Bác và người thân trong gia đình Bác để tìm kiếm nguồn tư liệu, “thai nghén” trong hơn 3 thập kỷ.

Búp sen xanh, tác phẩm văn học thấm đẫm giá trị lịch sử

Sơn Tùng/Tiểu thuyết (thời thơ ấu đến lúc Bác Hồ xuống tàu rời bến Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước), trang bìa tác phẩm Búp sen xanh bắt đầu từ những dòng chữ viết tay mộc mạc như thế, trên cuốn vở học sinh do Nhà máy giấy và bột Vĩnh Phú sản xuất, đã nhuốm màu thời gian. Những trang bản thảo về cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ thuở thiếu thời được tái hiện một cách chân thực, rõ nét và gần gũi qua văn phong dung dị, chứa chan tình cảm của nhà văn Sơn Tùng. Hằn sâu vết tích thời gian, những trang bản thảo của nhà văn thương binh viết về tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh chân thực nhất vẫn được lưu giữ vẹn nguyên.

Trong dòng ký ức miên man về người cha mình, ông Sơn Định nhớ lại, có được khối tài liệu này là cả một quá trình gian truân, cha mẹ ông đã phải đổi cả bằng xương máu. Nếu không có người vợ tảo tần đi xin những tờ hóa đơn thanh toán đã viết một mặt, còn một mặt trắng phía sau, đóng lại thành tập để chồng ông viết bản thảo thì cha ông không có được sự nghiệp này, không thể viết được Búp sen xanh… “Một người phụ nữ cả một đời hy sinh cho sự nghiệp của chồng”.

“Mẹ tôi là người lo từng bữa ăn, giấc ngủ, từng trang bản thảo. Khi cha tôi viết xong Búp sen xanh, có để lại mấy chữ: Hỡi các bạn đọc văn tôi, xin đọc chầm chậm, thật chầm chậm và lắng nghe, sẽ nghe được những tiếng nhỏ giọt rơi trên trang sách. Tiếng nhỏ giọt ấy không chỉ là nước mắt của người viết, có cả tiếng nhỏ giọt của một người phụ nữ, một người mẹ nuôi con bằng sữa, nuôi chồng bằng máu trái tim”, ông Sơn Định chia sẻ.

Bắt đầu viết từ năm 1948 cho đến năm 1980, tác phẩm Búp sen xanh mới hoàn thành. Ông Sơn Định kể rằng, cha ông có được vinh hạnh, và cũng có thể đây là một nhà văn hiếm hoi được chứng kiến, được gặp Bác Hồ và anh, chị của Bác là ông Nguyễn Sinh Khiêm và bà Nguyễn Thị Thanh ở những thời điểm mà ít ai biết đến, đó là những năm 1948 - 1950. “Khi ấy cả nước đang lo kháng chiến chống thực dân Pháp thì cha tôi có may mắn biết được những người thân của Bác, qua đó biết được một số mẩu chuyện về Bác Hồ. Ngoài viết thành sách, còn được lưu lại những trang bản thảo viết tay, đó là kỷ niệm vinh hạnh nhất”.

“Cha tôi thường dạy các con rằng, của làm ra thì phải để trong nhà, của biếu phải để ngoài sân, của phù vân phải để ngoài ngõ. Tức là của làm ra mình phải để trong nhà, không khoe khoang, để trang trải cuộc sống gia đình. Của biếu là người ta giúp đỡ mình thì mình phải biết mà để ơn, để ngay ngoài cửa. Còn của phù vân là của không làm mà có như tham ô, tham nhũng để ngoài ngõ sớm muộn người ta cũng lấy thôi. Đó là những điều cha tôi nghiên cứu về Cụ Hồ. Cha tôi viết Bác Hồ trên một nghiên cứu cụ thể như vậy”, ông Định kể.

Nhà văn Sơn Tùng có 10 năm hoạt động cách mạng ở quê nhà (1944 - 1954). Thời gian hoạt động ở Tỉnh đoàn Nghệ An, ông may mắn gặp được chị và anh ruột Bác Hồ, những người thân bên ngoại của Bác, do đó hiểu về những năm tháng tuổi thơ của Bác ở làng Chùa, làng Sen (Nam Đàn) và thời gian theo cha mẹ vào Huế (1895).

Cuối năm 1967, ông xung phong vào chiến trường Đông Nam Bộ (B2) thành lập báo Thanh niên giải phóng thuộc Trung ương cục miền Nam. Ngày 15/4/1971, khi đang làm sân bóng, ông bị máy bay Mỹ phát hiện, chúng bắn phá vào căn cứ mới sơ tán của Trung ương Cục, Sơn Tùng chạy theo hào giao thông ra hầm trú ẩn và bị thương rất nặng do những mảnh đạn M79 găm vào người.

Sau khi kết thúc chiến tranh (1975), Bắc Nam thống nhất một nhà, ông cùng vợ là bà Phan Hồng Mai lặn lội 3 tháng trời vào Sài Gòn, Cao Lãnh, Phan Thiết, Huế tìm đến những nơi mà một thời Bác và gia đình Bác đã sống và làm việc để hỏi han, ghi chép lại những câu chuyện về Bác và gia đình...

Trở về từ chiến trường, ông mang trong mình 14 vết thương, trong đó có 3 mảnh đạn găm vào sọ não không lấy ra được và 1 mảnh ở vai trái; bàn tay phải co quắp, chỉ có 2 ngón cử động được; mắt phải còn 1/10, thủng màng nhĩ, mất 81% sức khỏe. Nhà nước xếp ông là thương binh hạng 1/4. Luôn phải chống chọi với sự hành hạ của thương tật, thế nhưng, chưa giây phút nào nhà văn Sơn Tùng cho phép mình được nghỉ ngơi. Những áng văn ra đời giữa những cơn đau triền miên dưới bàn tay không lành lặn. Nhiệt huyết sáng tác vẫn cháy trong con người ông cho đến khi về với thế giới người hiền tháng 7/2021.

Búp sen xanh, tác phẩm văn học thấm đẫm giá trị lịch sử, chứa đựng nhiều cứ liệu lịch sử chân xác về sự hình thành nhân cách và tư tưởng Hồ Chí Minh, đã làm nên tên tuổi nhà văn Sơn Tùng. Cuốn sách được tái bản, nối bản hơn 30 lần và được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác, để lại ấn tượng sâu sắc trong ký ức nhiều thế hệ bạn đọc.

Vượt qua sóng gió

Những hình ảnh về Bác Hồ trong khối tài liệu của nhà văn Sơn Tùng.

Những hình ảnh về Bác Hồ trong khối tài liệu của nhà văn Sơn Tùng.

Để viết được bản thảo tác phẩm để đời ấy, là sức sáng tạo với trí lực và nghị lực phi thường của nhà văn thương binh 1/4. Nhưng để tác phẩm “trụ lại” được sau lần xuất bản đầu tiên, lại là một câu chuyện khác. Sau khi ra mắt bạn đọc năm 1982, bên cạnh lời khen, có những ý kiến trái chiều gây tranh cãi về câu chuyện tình cảm giữa nhân vật anh Thành và cô Út Huệ. Ông Trần Tam Giáp, Thư ký Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ năm 1980 - 1985 vẫn nhớ như in câu chuyện hơn 40 năm về trước. Đó cũng là cơ duyên để rồi sau này ông trở thành người bạn thân của nhà văn Sơn Tùng. Ông kể, tác phẩm Búp sen xanh lúc đó bị “phê phán rất nhiều”. Biết chuyện, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói ông “đến tìm hiểu xem thế nào, người như thế nào, động cơ nào viết Búp sen xanh”. Ông sắp xếp ngay đến gặp nhà văn.

“Anh Sơn Tùng, người ở cứ ra, trên mình còn nhiều vết thương, hiện còn 3 vết thương trên đầu nhưng rất tâm huyết với Bác Hồ. Sau khi ra đã bỏ hết tài sản riêng của mình đi tìm hiểu sâu về Bác Hồ. Anh cũng có nói quý Bác từ thời trước khi vào Nam, đi theo Bác, kính mến và muốn tìm hiểu sâu về Bác Hồ. Tôi thấy rất tâm đắc với nhà văn Sơn Tùng, là người có chí khí”, ông Giáp nhớ lại lần đầu tiếp xúc với tác giả của Búp sen xanh.

Ông trở về báo cáo lại với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Vài ngày sau Thủ tướng nói muốn gặp nhà văn, mừng quá, ông vội vàng đạp xe tới khu tập thể Văn Chương (Hà Nội) chở nhà văn Sơn Tùng về Văn phòng Thủ tướng trên chiếc xe đạp của mình mà quên mất “đáng nhẽ phải báo Văn phòng sắp xếp xe đón”.

Buổi gặp gỡ đầu tiên giữa Thủ tướng Phạm Văn Đồng với tác giả Búp sen xanh diễn ra khá lâu. Thủ tướng hỏi nhà văn Sơn Tùng về những tư liệu thu thập được. Sau những buổi nói chuyện, các cứ liệu xác đáng, chân thực của nhà văn Sơn Tùng đã thuyết phục được Thủ tướng và trong lần tái bản lần đầu tiên, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết lời tựa cho Búp sen xanh.

“Tôi mang lời tựa giao cho nhà văn Sơn Tùng. Nhà văn phấn khởi lắm, nhưng anh rất khiêm tốn, chưa đăng ngay mà lại để tái bản sau mới đăng lời tựa của bác Đồng. Nội dung đại ý nhà văn có quyền hư cấu và đánh giá là hay hay không thuộc về nhân dân”, ông Giáp cho biết.

Một chi tiết khác được ông Trần Tam Giáp kể lại, đó là hàng ngày Thủ tướng Phạm Văn Đồng vẫn ăn cơm với Bác Hồ, nên biết nhiều câu chuyện về Bác, vì vậy, Thủ tướng biết nhà văn Sơn Tùng viết trung thực. Sau này có bài viết gì về Bác Hồ, Thủ tướng đều đưa nhà văn Sơn Tùng xem và rất quý mến, trân trọng nhà văn.

Búp sen xanh - nơi tiểu thuyết và lịch sử gặp nhau, họa nên một giai đoạn trong cuộc đời vị Cha già dân tộc. Vượt ra ngoài những giới hạn của một tác phẩm thiếu nhi, Búp sen xanh trở thành cuốn sách nằm lòng của nhiều thế hệ người dân Việt Nam, khiến ai đọc cũng có thể xúc động rơi nước mắt.

Cùng với Búp sen xanh, nhà văn Sơn Tùng còn có 16 đầu sách viết về Bác Hồ, như: Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh, Bác về, Bông sen vàng, Từ làng Sen, Trái tim - Quả đất…

Bài và ảnh: Chu Thanh Vân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/nguoi-khac-hoa-cuoc-doi-chu-tich-ho-chi-minh-20240517182026292.htm