Đừng để các di sản bị 'chảy máu'

Từ việc xã hội hóa cho tư nhân tham gia đầu tư vào di sản, buôn bán tự do các giá trị di sản truyền thống như hiện nay dẫn đến nguồn di sản đang bị 'chảy máu'

Di sản bị “chảy máu”

Phát huy lợi thế các giá trị di sản, khai thác tiềm năng du lịch, văn hóa, tạo điểm nhấn và góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương là điều đáng hoan nghênh, tuy nhiên cần thận trọng để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Khu đền tháp Mỹ Sơn có vị trí thuận lợi để bảo tồn do tách biệt với khu dân cư. Công tác trùng tu được thực hiện chủ yếu từ nguồn hợp tác quốc tế UNESCO và các nước như Ấn Độ, Italia. Hằng năm, lượt khách tham quan nơi đây đều đạt con số tăng trưởng ấn tượng, 6 tháng đầu năm 2023, khu di sản Mỹ Sơn thu gần 29 tỷ đồng.

Năm 2022, tỉnh Quảng Nam đã có phương án xã hội hóa bảo tồn và phát huy giá trị Thánh địa Mỹ Sơn bằng hình thức đấu thầu giao cho tư nhân đầu tư phát triển. Tuy nhiên, theo Ban quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn, đây là vấn đề khó khăn, cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Đơn vị cũng băn khoăn về điều 57 Luật di sản văn hóa hiện hành, khi khuyến khích việc xã hội hóa nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể.

Đăng bán nhà tại phố cổ Hội An

Đăng bán nhà tại phố cổ Hội An

“Việc xã hội hóa di sản, đặc biệt là di sản văn hóa thế giới thì việc xã hội hóa như thế nào và đến đâu, với quan điểm bảo tồn phải là nhà nước, phát huy di sản là xã hội hóa để có nguồn lực”- Trưởng ban BQL di sản văn hóa Mỹ Sơn cho hay.

Tuy nhiên, ở nhiều nơi việc tư nhân hóa các di sản văn hóa ở một số nơi đã làm ảnh hưởng nhiều đến giá trị đích thực của chúng. Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, là nơi lưu dấu đậm nét văn hóa xưa, tuy nhiên, phố cổ Hội An hiện đang “chảy máu di sản” do các chủ sở hữu tư nhân rao bán ồ ạt, trong khi đó, chưa có các cơ chế chính sách để địa phương khắc phục tình trạng đáng báo động này.

Cụ thể, tại Thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) có hơn 1.000 ngôi nhà cổ, trong đó chỉ 10% do Nhà nước quản lý. 20% do tập thể sở hữu gồm nhà thờ tộc và hội quán, nhà lưu niệm dòng họ, còn lại do tư nhân sở hữu chiếm tới 70%. Trong đó, chỉ có 30% của người gốc Hội An. Theo quan sát của PV đi dọc phố cổ Hội An, chúng ta không khó bắt gặp những biển đăng bán nhà. Người nơi khác đến mua, và tìm mọi cách cải tạo để kinh doanh.

Nhiều người dân ở đây chia sẻ, nhà cổ Hội An khác biệt bởi được lưu giữ hầu như nguyên vẹn qua hàng trăm năm, nhưng nay mất dần chức năng và thờ cúng, chỉ còn chức năng buôn bán.

Lãnh đạo TP Hội An cho biết, địa phương khó mua lại nhà cổ để bảo tồn. Bên cạnh đó, phương án đưa người Hội An trở lại phố cổ cũng chỉ được vài trường hợp. “Chảy máu di sản” và “phai nhạt hồn phố” đang thực sự là vấn đề nhức nhối.

Ông Nguyễn Văn Sơn- Chủ tịch UBND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam cho hay, nhiều ngôi nhà giá trị đặc biệt, họ bán đi tiếc lắm nhưng không có cơ chế để mua. Người ta ở trong phố cổ thứ nhất là đã hy sinh rồi, trong đó không được cải tạo cao tầng, không đáp ứng cuộc sống người ta cần. Nhưng thuế phải đóng đủ, thậm chí thuế còn cao hơn, không khuyến khích họ ở lại trong đó.

Ông Phạm Phú Ngọc- Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, hiện nay các di tích trong phố cổ được xem như hàng hóa, theo luật quy định thì được mua bán chuyển nhượng, không có quy định nào cấm hay không cho phép cả. Có những năm có đến 40 đến 50 ngồi nhà mua bán chuyển nhượng, đặc biệt là các ngôi nhà thuộc sở hữu tộc họ.

Phát huy giá trị di sản văn hóa là cần thiết nhưng cần thận trọng

Vừa qua, trong buổi khảo sát của Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tại khu di sản văn hóa Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam nhiều ý kiến cho rằng xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là cần thiết tuy nhiên cần thận trọng, tránh ảnh hưởng đến bảo tồn di sản. Đồng tình với quan điểm này, đoàn khảo sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, trong sửa đổi luật sẽ nghiên cứu kỹ nội dung này, cho rằng xã hội hóa là cần thiết để thu hút nguồn lực khi ngân sách nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này gặp khó khăn, tuy nhiên cần thận trọng, tránh phá hỏng di sản.

Theo ông Phan Viết Lượng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, "Xã hội hóa phải có điều kiện, bảo vệ tốt di sản, có hình thức nội dung huy động các nguồn lực đảm bảo đúng quy định, đúng chính sách nhà nước. Bên cạnh đó phát huy vai trò nhà nước, vừa phát huy giá trị di tích phục vụ du lịch, vừa giữ được giá trị di tích”.

Thánh địa Mỹ Sơn- Quảng Nam

Thánh địa Mỹ Sơn- Quảng Nam

Liên quan đến nguồn kinh phí trùng tu, BQL di sản văn hóa Mỹ Sơn cũng kiến nghị xem xét giao lại toàn bộ phí tham quan cho đơn vị để có nguồn lực bảo tồn di sản, nội dung này tỉnh Quảng Nam cũng đã có công văn gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Ông Bùi Hoài Sơn- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho hay, “cá nhân tôi nghĩ rằng trong thời gian tới chúng ta sửa luật di sản, hoặc các chính sách liên quan có thể không trực tiếp liên quan đến di sản, như thuế phí, đất đai, thì chúng ta có thể có cơ chế phù hợp để cộng đồng địa phương thực sự là chủ nhân của di sản”.

Tại Hội thảo quốc tế “Phát huy giá trị Di sản thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trong xu thế hội nhập và phát triển bền vững", do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh: “Chúng tôi lắng nghe có chọn lọc, sáng suốt và thận trọng, làm sao khai thác để phát triển, nhưng đồng thời phải giữ nguyên vẹn các giá trị di sản cho thế hệ mai sau, để bảo tồn nguyên vẹn, lâu dài cho thế giới. Chúng tôi cam kết, khẳng định sẽ làm hết sức mình để bảo tồn và khai thác Di sản một cách có hiệu quả, bền vững, đúng pháp luật và tuân thủ Công ước quốc tế; hợp tác chặt chẽ với tỉnh Khăm Muồn (nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) để liên kết, hợp tác, phát triển quần thể danh thắng và du lịch độc đáo trong khu vực Đông Nam Á và thế giới”.

Trước thời điểm dịch Covid-19, năm 2019, các Di sản Thế giới ở Việt Nam đã đón trên 18,2 triệu lượt khách đến thăm quan, tìm hiểu, trải nghiệm, với tổng doanh thu từ vé tham quan, dịch vụ đạt 1.800 tỷ đồng, đây là minh chứng sống động cho việc phát huy giá trị của di sản, khẳng định sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các di sản thế giới tại Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Việc phát huy giá trị di sản đã tạo sinh kế cho cộng đồng nơi có di sản, góp phần bảo vệ môi trường thiên nhiên, củng cố hòa bình và an ninh theo hướng phát triển bền vững cho Việt Nam và thế giới.

Thành Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dung-de-cac-di-san-bi-chay-mau-262449.html