Dùng dằng số phận Dự án Khu công nghiệp Nam Cam Ranh

Chưa thể đặt dấu chấm hết cho Dự án Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Nam Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), do Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh làm chủ đầu tư.

Sốt ruột

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải khẩn trương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải quyết kiến nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc chấm dứt và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với Dự án Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Nam Cam Ranh.

So với văn bản có nội dung tương tự cũng do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo hồi đầu tháng 8/2016, vai trò chủ trì xử lý vụ việc được chuyển cho Bộ Giao thông - Vận tải.

.

Trước đó, trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ vào đầu tháng 1/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết là đã đề nghị bộ chủ quản có ý kiến về đề xuất của UBND tỉnh Khánh Hòa, nhưng không nhận được ý kiến trả lời của Bộ Giao thông - Vận tải.

Được biết, từ năm 2011 tới nay, UBND tỉnh Khánh Hòa đã 4 lần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thu hồi giấy chứng nhận đầu tư Dự án Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Nam Cam Ranh đối với Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh (công ty con của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy - SBIC) để tìm kiếm nhà đầu tư khác có kinh nghiệm cũng như năng lực tài chính .

Trong lần kiến nghị thu hồi giấy chứng nhận thứ 2 (năm 2013), Khánh Hòa đề xuất giao Dự án cho Công ty TNHH Đóng tàu Oshima Việt Nam thực hiện. Đề xuất này nhận được sự thống nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư bởi tại thời điểm đó, tỉnh Khánh Hòa đã đủ lý do để tước giấy chứng nhận đầu tư của Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh.

Lý do giúp nhà đầu tư nội địa trong ngành đóng tàu chưa bị thu hồi được giấy chứng nhận đầu tư là vào thời điểm đó, Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Giao thông - Vận tải xin cho SBIC thêm cơ hội như là một trong những giải pháp tái cơ cấu Vinashin theo phương án đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, sau sau 8 năm kể từ khi được trao giấy chứng nhận đầu tư, Dự án vẫn gần như dậm chân tại chỗ, trong khi đây được coi là vị trí đắc địa để địa phương thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp khác nhau, chứ không chỉ riêng ngành đóng tàu.

Khó níu giữ

Nằm ở vị trí đắc địa bên vịnh Cam Ranh, Dự án Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Nam Cam Ranh nằm tại xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh, với tổng vốn đầu tư 980 tỷ đồng. Tại đây, Vinashin sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp hỗn hợp: đóng và sửa chữa tàu biển, gia công, lắp ráp cơ khí, điện, điện tử.

Theo kế hoạch được chốt giữa Vinashin và tỉnh Khánh Hòa, Dự án sẽ tiến hành hoạt động đầu tư từ năm 2009 đến năm 2011. Khu công nghiệp sẽ đón các nhà đầu tư và đi vào hoạt động từ cuối năm 2011.

Dự án Khu công nghiệp Nam Cam Ranh
Vị trí địa lý: nằm về phía Nam của tỉnh Khánh Hòa, thuộc xã Xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh; tiếp giáp Quốc lộ 1A; giáp Vịnh Cam Ranh; cách TP. Nha Trang 60 km; cách Sân bay Cam Ranh 30 km.
Diện tích: 350 ha (bao gồm cả dự án của SBIC).
Ngành nghề thu hút đầu tư: Công nghiệp đóng tàu, công nghiệp phụ trợ, cơ khí, chế tạo máy móc, chế tạo ô tô…

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới và thực hiện chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có thực hiện tái cơ cấu Vinashin, nhà đầu tư này đã dừng bố trí vốn triển khai Dự án. Đến nay, theo ghi nhận của Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong, SBIC vẫn chưa triển khai các thủ tục đầu tư.

Cần phải nói thêm rằng, ý thức về lợi thế khu đất, SBIC luôn tìm cách giữ lại dự án này. Vào cuối tháng 7/2016, SBIC đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải có ý kiến với Chính phủ và UBND tỉnh Khánh Hòa chưa thu hồi giấy chứng nhận đầu tư Dự án Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Nam Cam Ranh để Tổng công ty đàm phán với Công ty cổ phần Đầu tư HC Toàn cầu (HCG) triển khai Dự án Tổ hợp nhà máy điện mặt trời Nam Cam Ranh có công suất 200 MW.

Theo giới thiệu của HCG, nhà đầu này có trụ sở tại Hà Nội, chuyên đầu tư và cung cấp các giải pháp điện mặt trời tại Việt Nam và một số nước khác. Doanh nghiệp này đã cung cấp hơn 1.000 hệ thống năng lượng mặt trời công suất khác nhau cho các trạm viễn thông BTS và nhà máy sản xuất điện mặt trời tại Việt Nam, Campuchia, Mozambique, Tanzania…

Tuy nhiên, theo thông tin của Báo Đầu tư, cho đến thời điểm này, đề xuất phát triển điện mặt trời vẫn dừng ở mức ý tưởng, nên sẽ rất khó để SBIC níu lại Dự án Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Nam Cam Ranh sau hơn 8 năm trước sức ép thu hồi giấy chứng nhận đầu tư quyết liệt từ phía chính quyền địa phương.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/dung-dang-so-phan-du-an-khu-cong-nghiep-nam-cam-ranh-d59269.html