Dùng công nghệ để 'xuất khẩu' hát Xoan ra thế giới

Lần đầu tiên, những người yêu hát Xoan từ khắp nơi trên thế giới có thể tiếp cận những làn điệu Xoan cổ một cách bài bản, có hệ thống bằng các phương tiện công nghệ. Đây là kết quả quan trọng nhất của dự án 'Giới thiệu di sản âm nhạc hát Xoan' của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cùng cộng sự.

“Phải lòng” với Xoan

Cuối tháng 3/2024, nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long vui mừng thông tin, dự án “Giới thiệu di sản âm nhạc hát Xoan” của anh và các cộng sự đã hoàn thành, sẽ được đăng tải trên kênh YouTube “Dân ca & Nhạc cổ truyền” - một kênh truyền thông do anh quản lý.

Dự án “Giới thiệu di sản âm nhạc hát Xoan” gồm 16 bài Xoan cổ, được thu mộc đúng kiểu diễn xướng thời xưa, trong đó 3 bài thuộc chặng hát thờ và 13 bài thuộc chặng quả cách - chặng trung tâm, quan trọng nhất của hát Xoan. Ngoài ra, ê kíp còn thực hiện một clip mang tên “Về đất Tổ nghe Xoan”, ghi lại cuộc trò chuyện với các nghệ nhân phường Xoan Thét. Phần hình ảnh được ghi tại 4 di tích có liên quan trực tiếp tới hát Xoan là miếu Lãi Lèn (phường Xoan Phù Đức), đình Thét (phường Xoan Thét), đình Kim Đới (phường Xoan Kim Đới), đình An Thái (phường Xoan An Thái) của tỉnh Phú Thọ.

Các nghệ nhân phường Xoan Thét trình diễn hát Xoan tại không gian đình Thét.

Chia sẻ về dự án, Nguyễn Quang Long cho biết, anh có “mối nhân duyên” với hát Xoan, khi năm 2013 anh thực hiện bộ 2 DVD “Hát Xoan Phú Thọ - 26 bài Xoan cổ” do Nhà xuất bản Âm nhạc (Dihavina) phát hành. Tiếp xúc với Xoan, anh cho rằng loại hình âm nhạc này có những nét rất riêng, nếu như Quan họ “duyên dáng”, Xẩm “đáo để” thì hát Xoan lại “dung dị, gần gũi”.

Sau chuyến “phải lòng” với Xoan đó, anh tiếp tục lặng lẽ đồng hành cùng các phường Xoan trong việc quảng bá, tôn vinh di sản âm nhạc này. Cũng trong khoảng hơn 10 năm qua, nhiều đơn vị đã có những công trình, dự án nhằm bảo tồn, quảng bá giá trị di sản hát Xoan. Tuy vậy, anh vẫn “thấy thiếu một sản phẩm mang đặc trưng phong cách hát Xoan”. Vì vậy, có thể nói, dự án này đã được anh ấp ủ từ lâu.

“Cái tôi quan tâm là giá trị thực chất của di sản thay vì bề nổi, đám đông. Có những trào lưu âm nhạc được nhiều người quan tâm nhưng tôi thấy rằng đã có nhiều người giỏi làm rồi, nếu mình tham gia vào cũng chẳng góp thêm được gì tốt đẹp. Nên tôi sẽ làm những gì mà âm nhạc truyền thống còn đang yếu và mình thấy cần thiết, như hát Xẩm, hát thơ Kiều và bây giờ là hát Xoan” - nhạc sĩ Nguyễn Quang Long nhìn nhận.

Lý giải về việc dự án chọn phường Xoan Thét, anh Long cho biết, đây là một trong 4 phường xoan gốc có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc hình thành và nuôi dưỡng, phát huy nghệ thuật hát Xoan. Phường Xoan Thét có nhiều nghệ nhân uy tín, được sinh trưởng trong gia đình có truyền thống nhiều đời gắn với hát Xoan. Tại đây cũng thể hiện rõ tính kế thừa và tiếp nối khi có nhiều thế hệ thường xuyên tham gia hoạt động diễn xướng. Lớp nghệ nhân cao tuổi tầm 60 trở lên có các Nghệ nhân ưu tú: Bùi Thị Kiều Nga, Nguyễn Thị Ngà, Lê Thị Nhàn; nghệ nhân Nguyễn Văn Thuyết. Trẻ hơn thì có nghệ nhân Nguyễn Văn Tuấn ở tuổi trên dưới 40; đặc biệt có kép trống Nguyễn Minh Trí, năm nay mới 19 tuổi...

Tìm về Xoan cổ

Hai năm thực hiện dự án, Nguyễn Quang Long đã có cả chục lần đi về vùng đất Xoan cổ. Ngoài những nghệ nhân hát Xoan Phú Thọ đồng hành, anh cũng có được sự ủng hộ của nhiều cá nhân, tổ chức khác. Từ đó, anh tự tin rằng, mình đã lựa chọn được những gì tốt nhất có thể để đưa vào dự án. Đồng thời, ê kíp cũng rất “kỹ tính” khi sử dụng hát Xoan không nhạc đệm, chỉ có tiếng trống và lời hát. Phần thu âm thực hiện bằng 1 micro duy nhất chứ không theo “lối mới”. Bởi nếu tách ra thu từng người thành từng track rồi ghép lại với nhau, sản phẩm sẽ mang tới cảm giác rất “điện tử” và không còn giữ được nguyên vẹn cảm xúc như tại không gian diễn xướng cổ xưa của đình làng nữa.

“Thu âm hát Xoan cổ cần những âm thanh mộc nhất, tạo cho khán giả cảm giác như được nghe trực tiếp các nghệ nhân hát, đó là mong muốn của chúng tôi khi thực hiện dự án này” - thành viên ê kíp - nhạc sĩ, ca sĩ Phan Thanh Cường chia sẻ.

Nguyễn Quang Long cho biết thêm, dự án lần này khác biệt hoàn toàn so với các dự án về hát Xoan trước đó, khi được thực hiện chỉ duy nhất với một phường Xoan. Các dự án trước thường có sự tham gia của cả 4 phường Xoan cổ là Phù Đức, Kim Đới, Thét và An Thái. Đặc thù của âm nhạc dân gian là tính dị bản, có thể vẫn cùng một bài, cùng một tên gọi, cùng nét giai điệu cũng như nội dung ca từ, nhưng ở các phường Xoan có thể lại có một vài nét riêng khác biệt. Chính vì vậy, dự án chỉ chọn duy nhất một phường Xoan sẽ góp phần tạo nên một quỹ bài đầy đủ, riêng có ở chặng hát quan trọng nhất - hát quả cách. Đồng thời, đây cũng là lần đầu tiên trọn bộ 13 quả cách do một phường Xoan thể hiện được giới thiệu rộng rãi.

“Chúng tôi thực hiện trọn vẹn 13 quả cách do một phường Xoan thể hiện để tạo sự thống nhất. Với dự án này, chúng tôi mong muốn đem đến các bài Xoan chuẩn chỉ theo đúng lề lối xưa, để công chúng có thể thưởng thức hoặc khai thác làm tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu” - anh Long cho biết.

Lan tỏa một di sản quý

Theo ê kíp sản xuất, các thành phần của dự án sẽ lần lượt được đưa lên YouTube từ nay cho đến hết tháng 3/2024. Sau khi đăng tải, dự án ngay lập tức đã nhận được phản hồi tích cực từ các phường Xoan. Tuy nhiên, Nguyễn Quang Long vẫn bày tỏ sự tiếc nuối vì dự án mới chỉ dừng lại ở một phường Xoan. “Dự án hoàn toàn thực hiện bằng nguồn xã hội hóa nên vì kinh phí rất eo hẹp. Nếu cả 4 phường Xoan mỗi nơi đều có một dự án như thế này thì sẽ đem lại một cái nhìn toàn cảnh, đầy đủ hơn về di sản hát Xoan” - anh nói.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long và các nghệ nhân phường Xoan Thét chia sẻ về dự án “Giới thiệu di sản âm nhạc hát Xoan”.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cho hay, anh sẵn sàng chia sẻ dự án của mình trên tinh thần tôn trọng sự lao động sáng tạo của các tác giả, nghệ sĩ. Bởi anh cũng muốn có thêm nhiều người cùng đóng góp sức mình vào công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị, lan tỏa hát Xoan ra cộng đồng. Anh cũng không kỳ vọng dự án này tạo ra một làn sóng hay một thứ gì kiểu như vậy mà kết quả cuối cùng sẽ dành để công chúng đánh giá.

“Hát Xoan sinh ra để phục vụ đời sống tâm linh và gắn liền với yếu tố làng xã, cộng đồng, vì vậy dự án này không nhằm phục vụ nhu cầu âm nhạc trong đời sống hằng ngày của số đông. Đưa hát Xoan lên không gian mạng khiến việc tiếp cận với hát Xoan không còn biên giới, không còn giới hạn về khoảng cách địa lý nữa. Dự án đã tạo cơ hội cho những người muốn tìm hiểu âm nhạc truyền thống Việt Nam ở bất cứ nơi đâu khám phá về một di sản quý; để mọi người có thêm một kênh đáng tin cậy để khai thác, để lan tỏa hát Xoan ra cùng với thế giới” - nhạc sĩ Nguyễn Quang Long khẳng định lại.

Khánh Ngọc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dung-cong-nghe-de-xuat-khau-hat-xoan-ra-the-gioi-post289450.html