Đức ký hợp đồng với Na Uy nhằm 'cai nghiện' khí đốt của Nga

Đức đã quyết định chọn Na Uy làm nhà cung cấp khí đốt chính của họ, mở ra một thỏa thuận trong tuần này nhằm đáp ứng phần lớn nhu cầu công nghiệp của Đức. Như vậy, nước này muốn dùng một nhà cung cấp năng lượng đầy uy thế khác nhằm 'hạ bệ' sự thống trị của Nga.

Hình minh họa

Các nhà phân tích cho biết, Đức sẽ có ít nguy cơ bị cắt giảm nguồn cung nếu mua khí đốt từ một quốc gia thân thiện, nhưng họ có thể gặp phải vấn đề về kỹ thuật.

Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra và làm nguồn cung bị gián đoạn, nước Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã thay thế khối lượng khí đốt khổng lồ của Nga bằng nhiều thỏa thuận với Na Uy – nước khai thác khí đốt lớn nhất toàn châu Âu. Ngoài ra, Đức cũng có nhiều thỏa thuận khác với các nhà kinh doanh khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Vào hôm 19/12, doanh nghiệp Sefe thuộc sở hữu của nhà nước Đức và gã khổng lồ năng lượng Equinor của Na Uy đã công bố một thỏa thuận khí đốt trị giá 55 tỷ USD, tập trung vào việc đáp ứng 1/3 nhu cầu khí đốt cho hoạt động công nghiệp của Đức.

Thỏa thuận này sẽ củng cố vị thế của Na Uy với tư cách là nhà cung cấp chính của Đức. Trên thực tế, Na Uy đã nắm giữ vị trí này vào năm 2022, vào lúc Gazprom đình chỉ giao hàng trực tiếp qua đường ống Nord Stream nối giữa Nga và Đức.

Qua thỏa thuận này, Na Uy sẽ chiếm 60% cơ cấu kim ngạch nhập khẩu khí đốt của nước Đức, tương đương với tỷ trọng về trước của khí đốt Nga.

Theo ông Tobias Federico - Nhà phân tích tại công ty tư vấn Energy Brainpool (Đức), ký kết hợp đồng với những quốc gia có nền chính trị ổn định như Na Uy vẫn tạo ra “nguy cơ tái nghiện”.

Ông nói: “Đức nên rút kinh nghiệm từ những sai lầm trong quá khứ”. Theo ông, LNG là giải pháp tăng cường đa dạng hóa nguồn cung.

Tương tự, ông Philipp Steinberg - người đứng đầu đơn vị ổn định kinh tế và an ninh năng lượng của Bộ kinh tế Đức, cũng thừa nhận rằng Đức đang đứng trước nguy cơ bị phụ thuộc quá mức.

Ông chia sẻ: “Chúng ta đang quá phụ thuộc vào Na Uy. Cuộc khủng hoảng này là bài học nhắc nhở chúng ta phải đa dạng hóa nguồn cung”.

Theo nhà phân tích Henning Gloystein tại công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group (Mỹ), nhìn chung, các chiến lược của Đức sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra gián đoạn nguồn cung, nhưng không thể ngăn chặn xảy ra vấn đề kỹ thuật liên quan đến quy mô của mạng lưới đường ống dẫn khí đốt giữa Na Uy và Đức.

Cụ thể, Đức sẽ được bảo vệ một phần nếu họ có nhiều đường ống dẫn khí, vì họ vẫn có thể tái thiết lập lộ trình nguồn cung nếu một trong các đường ống ngừng hoạt động.

Tuy nhiên, bảo vệ các đường ống dẫn khí khổng lồ với khoảng cách chiều dài cực xa là điều không dễ. Minh chứng rõ rằng nhất là các cuộc tấn công không rõ nguyên nhân vào đường ống Nord Stream mà Đức từng lệ thuộc vào.

Ngay cả khi không xảy ra phá hoại, công tác bảo trì cũng là một yếu tố gây cản trở. Thật vậy, khi Na Uy tạm ngừng khai thác vào đầu năm nay, giá khí đốt đã bùng nổ trở lại. Theo dữ liệu của LSEG, lưu lượng khí đốt dẫn qua đường ống giữa nước này và các nước châu Âu khác chạm mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Đến LNG cũng có rủi ro

Tuy LNG là một giải pháp giúp đa dạng hóa nguồn cung, từ trước đến nay, Đức vẫn luôn ưa chuộng khí đốt dẫn ống. Nguyên nhân là vì loại khí này có giá hợp đồng dài hạn rẻ hơn so với LNG – loại sản phẩm nhạy cảm với nhiều biến động trên thị trường. Quá trình vận tải LNG cũng dễ phát sinh khó khăn nếu có chiến tranh.

Chưa kể, LNG cần tiêu tốn nhiều năng lượng vì khí đốt phải được làm lạnh siêu tốc trước khi được vận chuyển. Chúng được tái hóa khí khi cập bến, làm tăng lượng khí thải carbon.

Đức đã ký thỏa thuận cung cấp LNG dài hạn với các nhà sản xuất ConocoPhillips và Venture Global LNG của Mỹ. Quốc gia này cũng đã khởi động nhiều trạm nhập khẩu khí đốt.

Họ cũng đã đưa nhiều kho cảng vào vận hành. Tuy nhiên, giống như Na Uy, nước này muốn tìm cách hướng đến năng lượng sạch hơn trong tương lai.

Hiện nay, Đức đang thúc đẩy cắt giảm mức tiêu thụ năng lượng. Phe ủng hộ khí hậu cho rằng đấy là một trong những giải pháp tốt nhất nhằm giải quyết thách thức về năng lượng.

Dữ liệu từ văn phòng thống kê nước Đức cho thấy, trong năm 2023, nhập khẩu khí đốt bình quân hàng tháng giảm hơn 1/4 so với năm trước. Nga vẫn giao hàng trong vài tháng với số lượng ít.

Thế nhưng, ngành công nghiệp Đức vẫn đang lệ thuộc rất nhiều vào khí đốt. Đây là nguyên liệu thô lẫn nguồn năng lượng của họ.

Đức đã gánh chịu nhiều hậu quả kinh tế khôn lường và lãi suất cao khi Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt. Tương tự, lệ thuộc vào khí đốt của Na Uy vẫn mang lại cho Đức nhiều bất cập. Dù vậy, có thể Đức sẽ giảm nhẹ được gánh nặng trên lưng mình khi ký thỏa thuận năng lượng mới với Na Uy.

Về phần mình, Sefe hứa hẹn sẽ có đóng góp vào quá trình chuyển dịch năng lượng, vì thỏa thuận giữa họ và Equinor cũng bao hàm việc thay thế khí đốt tự nhiên bằng hydro từ năm 2029.

Ngọc Duyên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/duc-ky-hop-dong-voi-na-uy-nham-cai-nghien-khi-dot-cua-nga-702638.html