Đưa 'Mẹ chồng' từ màn ảnh sang trang văn

Siêu mẫu Thanh Hằng vừa giới thiệu cuộc chơi mới là chuyển thể bộ phim 'Mẹ chồng' có mình đóng vai chính Ba Trân, trở thành một cuốn tiểu thuyết do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành. Sự kiện ra mắt tiểu thuyết 'Mẹ chồng' lôi kéo giới mộ điệu chen kín cả Đường sách TPHCM vào buổi chiều phương Nam sắp Noel, chứng tỏ siêu mẫu Thanh Hằng vẫn còn sức hút của một chân dài tuổi 40.

1

“Mẹ chồng” là bộ phim mà siêu mẫu Thanh Hằng đã đóng vai chính cách đây 5 năm. Bây giờ, siêu mẫu Thanh Hằng cao hứng đầu tư để chuyển thể “Mẹ chồng” từ điện ảnh sang văn chương. Tiểu thuyết “Mẹ chồng” ghi chú “Một ấn phẩm của Thanh Hằng” thì phải hiểu ra sao? Thực chất, người viết tiểu thuyết là Kim - tác giả kịch bản của bộ phim “Mẹ chồng”. Tuy nhiên, siêu mẫu Thanh Hằng đã nảy sinh ý tưởng chữ nghĩa hóa bộ phim “Mẹ chồng”, và nhờ cậy Kim chấp bút.

Do vậy, khái niệm “một ấn phẩm của Thanh Hằng” chủ yếu mang tính quảng cáo ăn theo tên tuổi của một chân dài không mấy liên quan đến văn chương. Đây là điều không mới. Cách đây 30 năm, khi bộ phim “Nước mắt người giàu” làm mưa làm gió trên truyền hình, thì hai tác giả Trần Sĩ Huệ và Đào Minh Hiệp đã viết lại nội dung “Nước mắt người giàu” thành một tiểu thuyết bán chạy như tôm tươi.

Bộ phim “Mẹ chồng” lấy bối cảnh làng Đại Điền ở thập niên 50 của thế kỷ 20 với nội dung xoay quanh bi kịch của gia đình nhà họ Huỳnh do bà Hai Lịnh đứng đầu. Một câu chuyện về mâu thuẫn của mẹ chồng và nàng dâu về việc sinh con nối dõi cho dòng họ và những âm mưu tranh giành quyền lực giữa những người phụ nữ trong gia đình. Không gian còn nhiều tàn dư phong kiến ấy, đã xuất hiện Ba Trân - cô gái xinh đẹp ngọt ngào trong tà áo bà ba thướt tha trên đường làng và luôn khao khát có được một tình yêu hạnh phúc như những người con gái khác.

Nhưng mọi thứ đã thay đổi con người của Ba Trân kể từ lúc trở thành con dâu của Hai Lịnh và phải cam chịu sự cay nghiệt của mẹ chồng vì không thể sinh con nối dõi và phải san sẻ tình cảm của chồng với người vợ thứ hai là Bảy Loan. Về sau, khi Ba Trân sinh được con trai Hai Phước nhưng lại bị bệnh tâm thần. Lúc này Ba Trân đã lấy đi quyền hạn của bà Hai Lịnh và trở thành mợ cả đầy quyền lực. Câu chuyện không thể sinh con nối dõi lặp lại, nên Ba Trân mới cưới thêm người vợ thứ hai cho Hai Phước.

Mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu và tranh giành quyền lực bắt đầu diễn ra và những âm mưu và thủ đoạn ấy rất hiểm độc kể cả giết người. Mâu thuẫn trong bộ phim “Mẹ chồng” không chỉ dừng lại ở những cuộc cãi vã về sự khác biệt giữa các thế hệ mà nó còn thực sự thay đổi bản chất của con người. Ba Trân từ một nàng dâu hiền trong gia đình gia giáo, có học thức bị đẩy tới bước đường cùng và trở thành nguyên nhân cho những bi kịch tiếp theo trong chính gia đình và con cái của mình.

Đạo diễn Lý Minh Thắng khi đưa bộ phim “Mẹ chồng” ra rạp, đã rất hào hứng thổ lộ: “Dù bộ phim “Mẹ chồng” có nền tảng và bối cảnh cổ xưa, nhưng cách khai thác của chúng tôi lại không đi theo hướng khai thác như trong những câu chuyện Nam bộ khán giả thường thấy trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Tôi muốn làm khác đi, một cách thể hiện mới, cảm xúc của các nhân vật cũng mới để những khán giả trẻ có thể đón nhận được dễ dàng”.

2

Thật bất ngờ, lúc bộ phim “Mẹ chồng” sắp đi vào sự lãng quên, thì tiểu thuyết “Mẹ chồng” lại hâm nóng giới mộ điệu. Siêu mẫu Thanh Hằng tỏ ra tâm huyết với cuộc chơi chuyển thể sang thể loại mới: “Lắm lúc trong giây phút diễn xuất nhân vật Ba Trân mà tôi cảm nhận được cơ thể run lên vì sự tức giận thật sự. Nhận được yêu thương thì ít, nhưng sự dò xét, tổn thương, khắt khe thì nhiều. Đắm chìm trong nhân vật Ba Trân quá lâu nên tôi mất thời gian khá dài để thoát được vai diễn...

Tôi thương nhân vật Ba Trân và thấu hiểu được lý do vì ai và vì đâu ra cớ sự ấy. Từ đó tôi tự hứa sẽ mang hình ảnh Ba Trân bằng một diện mạo khác, để công chúng có thể hiểu sâu và hiểu rõ về nhân vật này cũng như về thân phận của những người phụ nữ ngày xưa. Tôi bị ám ảnh bởi những con chữ, bị ám ảnh bởi chính trí tưởng tượng của mình. Trong văn học, không chỉ thị giác mà tất cả các giác quan của bạn đều mở ra dưới sự dẫn dắt của con chữ và trí tưởng tượng không giới hạn của chính bạn”.

Đề tài mẹ chồng - nàng dâu được khai thác nhiều đến mức sáo mòn trong văn học nghệ thuật. Hầu như những loại hình giải trí nào ở phương Đông cũng đều khai thác quan hệ mẹ chồng - nàng dâu với mặc định đó là mâu thuẫn chính trong các gia đình từ hào môn đến bần hàn. Tìm được góc độ riêng cho câu chuyện mẹ chồng - nàng dâu vốn không đơn giản. Bộ phim “Mẹ chồng” có hơi hướng hoài cổ, cũng chủ yếu lấy sự đau khổ và dằn vặt của mẹ chồng - nàng dâu làm cảm hứng để tìm kiếm sự đồng cảm phía người xem. Cái thông điệp “nhà này chỉ cần cháu chứ không cần con dâu” trong bộ phim “Mẹ chồng” hoàn toàn không có gì đột phá khi chuyển sang tiểu thuyết “Mẹ chồng”.

Chuyển thể từ sách sang phim là dòng chảy thuận, còn chuyển thể từ phim sang sách là dòng chảy nghịch. Chuyển thể từ sách sang phim thì biên kịch còn trông mong ở sự sáng tạo của đạo diễn, nhưng chuyển thể từ phim sang sách thì người viết một mình phải gánh hết trách nhiệm về kết quả ngọt lạt hay vuông méo của tác phẩm. Muốn tiểu thuyết hóa “Mẹ chồng” phải có văn. Ngoài kịch bản phim “Mẹ chồng”, biên kịch Kim là tác giả của những kịch bản từng dựng phim như “Lô tô” hoặc “Hạnh phúc của mẹ”, và cũng từng được giải thưởng Cánh Diều Vàng 2019 dành cho biên kịch xuất sắc.

Cũng như cách diễn đạt bi thương để lấy nước mắt khán giả qua bộ phim “Mẹ chồng”, biên kịch Kim cũng chọn lối viết ngôn tình để diễn đạt tiểu thuyết “Mẹ chồng”. Cô chia sẻ: “Tôi nhận được phản hồi của một số người xem cho rằng bộ phim “Mẹ chồng” khó hiểu ở tình tiết này, phân cảnh kia. Cho nên, ở tiểu thuyết “Mẹ chồng”, độc giả sẽ đủ thời gian nghiền ngẫm bởi mỗi nhân vật đều có câu chuyện nền để lý giải hành động của họ. Công chúng có thể hiểu hơn về Ba Trân, chẳng hạn vì sao có lúc nàng ác độc, hà khắc, lúc lại yếu đuối, cô đơn”.

GIA QUAN

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/dua-me-chong-tu-man-anh-sang-trang-van-100437.html