Đứa con

Ảnh: Internet

Ngày tôi mới gặp chị, tôi đã biết chị có số khổ. Có thể là tôi trông mặt bắt hình dong, nhưng một người đàn bà làm dâu trong gia đình giàu có mà được phân cho mỗi cái áo mặc cả tuần thì quá khổ. Thêm nữa, gương mặt chị lúc nào cũng như hằn lên điều gì đó muốn nói nhưng phải giấu kín.

Mới quá ba mươi mà vầng trán mỗi khi cười, dù rất ít khi cười cũng bắt đầu có nếp nhăn. Thêm nữa, cái hình dáng nhỏ thó lúc nào cũng có thể bị gió lớn cuốn đi khiến người ta muốn bảo vệ.

Ở xóm tôi, người ta hay bảo: Đàn bà làm dâu nhà giàu thường chỉ có hai số phận, một là sẽ trở nên chảnh chọe, một bước lên trời, coi nhà nông chúng ta chẳng ra gì, không môi son đỏ chót thì cũng tính tình ngúng nguẩy; còn số phận thứ hai sẽ chẳng khác gì con ở, cưới về và làm hết phần của người làm. Tôi nghe đâu đó có câu “càng giàu có càng không muốn rời một đồng xu, mà càng không muốn rời một đồng xu thì lại càng giàu có”. Số phận thứ hai là vậy, số phận của chị.

Ngày trước, tôi hay cười cha chú mình quan niệm cổ hủ, thời nay rồi mà vẫn có cái quan niệm hệt như phong kiến. Thời nay nam, nữ bình quyền, rồi phận dâu con cũng được cải thiện nhiều, quan hệ cũng tốt hơn vì quan niệm người lớn cũng dần thay đổi. Nhưng đó là cho tới khi tôi gặp chị.

Khi tôi gặp chị, tôi mới hai mươi. Suốt từng ấy năm học trên phố, nay tôi mới về quê làm việc. Nhà tôi sát nhà chị, đúng hơn là nhà chồng chị, nhìn trông cũng thật buồn cười, cái nhà vách đất nhỏ thó cứ như nép tạm vào căn biệt thự to đùng kiểu mới của nhà chồng chị. Biết tôi nghèo nên khi nhà còn ít cơm thừa, chị vẫn hay mang sang, lần nào cũng ái ngại:

- Đừng nghĩ này là cơm thừa, nó ngon lắm. Chị cũng toàn ăn như vậy thôi.

Tôi bật cười, cơm thừa nhà giàu là dạ tiệc của nhà nghèo. Nhà chồng chị là nơi những đứa con cháu tụ họp về và học thêm ở đó. Tôi là anh giáo làng tuy trẻ nhưng mang cái mác “học trên phố” nên được tin tưởng mời về dạy. Người lớn trong nhà chào tôi “anh giáo này…” nhưng thực ra, cái khoảng cách giàu nghèo chênh nhau lắm! Chỉ có mỗi chị, thi thoảng, đưa tôi ly nước vối rồi dặn dò ráng dạy đám cháu chị. “Chú gắng nhé, biết cực vì đám nhỏ quen được nuông. Nhưng đừng bỏ cuộc, trẻ cần được răn dạy”.

Lần đầu tiên, tôi hiểu được số phận chị là khi mẹ chồng chị nghe được câu nói đó và nhiếc chị “chưa đến lượt mày bình phẩm con anh chị chồng mày. Muốn bình phẩm thì đẻ một đứa rồi bình”.

Ba mươi tuổi rồi chị vẫn chưa có con. Ngày trước, chị lấy anh hoàn toàn vì tình yêu. Những năm đầu cưới nhau, anh vẫn kiên nhẫn đợi chị sinh cho mình một đứa con nối dõi, sau dần anh nản, chè chén cả ngày, chỉ mình chị cô đơn.

Chị biết phận mình, lại cứ tâm niệm lỗi tại mình mà anh thế nên chỉ biết cam chịu số phận. Những lúc anh say về đánh chị, tôi thấy liền can ngăn. Chị cản “Chú đừng can thiệp, cứ để đó cho chị. Anh say rồi, không có sức mà đánh đâu”. Thế nhưng hôm sau, những cái mà chị gọi là “không có sức” tạo nên những vết thâm tím trên mặt chị. Những lúc ấy, tôi chỉ biết mang dầu khoai nhà làm sang cho chị. Thì ra tất cả chỉ vì đứa con thôi sao? Nó là kết tinh tình yêu nhưng quyết định số phận con người.

Người ta đồn tôi với chị. Tôi biết tin đồn đó cũng từ nhà chồng chị mà ra. Họ muốn từ chị. Nhưng vì chị làm phận dâu con tốt quá nên không có cớ. Họ càng có động lực đuổi chị đi khi nghe tin chị không thể có con. Họ mời tôi đến, tôi ngẩn ngơ. Họ buộc tôi thừa nhận, tôi giận dỗi chối từ. Nhưng khi nhìn tất cả những người đang cố gào ép tội chị, và chị, nhỏ bé giữa đám người hung dữ đó, tôi thấy thương chị.

- Là tôi thương chị ấy. Nhưng chị ấy đã từ chối tôi.

Chị nhìn tôi ngỡ ngàng:

- Chú nói gì đấy? Nói bậy bạ gì?

- Em nói là em thương chị. Tin đồn cũng từ đó mà ra. Lỗi tại em, em nhận hết, còn chuyện chị không làm chị đừng có nhận.

Chị bất lực nhìn tôi rồi tai tôi cũng ù đi chẳng còn nhớ gì của ngày hôm đó nữa.

Hôm sau, chị tìm gặp tôi, tôi không còn nhớ nhiều cuộc nói chuyện ngày hôm đó, chỉ nhớ vài ba cuộc nói chuyện trọng điểm. Chị khuyên tôi:

- Chú lên lại phố đi, kiếm việc làm trên đó. Chị biết chú ức thay cho chị nên nhận vơ nhưng xóm mình còn điều tiếng lắm, chú sống không nổi đâu. Nghe chị, đi đâu thì đi đi.

Tôi biết chị nghĩ tôi đứng ra nhận trách nhiệm về mình chỉ vì tôi tốt, nhưng thực ra lúc ấy, tôi thương chị nhiều hơn. Từ cảm phục đến mến thương, nhưng chị chỉ muốn dừng ở mức độ cảm phục nên chị giả vờ không biết. Với tôi lúc ấy, chị gần như là mối tình đầu của tôi vậy! Nhưng nói chị là mối tình đầu thì đẹp quá, sẽ không ai biết được chị đã thống khổ như thế nào.

Sau lần đó, tôi đi. Tôi bỏ lại chị còn dang dở để tìm lối thoát. Tôi không muốn quay về mảnh đất đó vì nó quá buồn. Và cũng dễ đến hơn 20 năm sau, tôi mới quay lại. Căn nhà của tôi vẫn còn, còn căn biệt thự đã tan hoang, nghe nói gia đình đó đã bỏ đi nơi khác. Và, tôi gặp lại chị, lúc này đã luống tuổi, nhận ra tôi ngay từ giây phút đầu. Chị dẫn tôi về nhà, hỏi thăm đủ điều. Tôi thấy trong nhà có cậu trai trạc hăm sáu, hăm bảy tuổi. Chị hiểu ý, bèn nói:

- Con trai chị đấy!

Rồi chị trầm ngâm: “Sau bận đó, nhà ấy từ chị. Chị bắt đầu tự mình nuôi mình. Nhờ trời thương nên cũng đủ sống. Thằng nhóc Tĩnh này là con nuôi, chị nhận ở trại trẻ mồ côi. Thấy tôi hơi băn khoăn, chị tiếp: "Ngày đó, nếu chú không nói những câu như vậy, chị cứ sống lối sống sai lầm ấy rồi. Giờ chị rất hạnh phúc chú ạ!".

Tôi nhìn anh thanh niên chốc chốc lại mang tới cho chúng tôi ly trà, lại kín ý dọn dẹp đồ đạc, chị cười:

- Nó lên phố học vài năm, ra trường kiếm được việc làm cứ nài mẹ lên phố để nó phụng dưỡng. Chị không chịu. Chị chờ chú về, thực để nói lời cảm ơn. Lần này quyết định lên phố, hên sao gặp lại chú lần cuối.

Chúng tôi nói chuyện rất lâu trước khi từ biệt. Tới phút cuối cùng, tôi quay lại nhìn, vẫn thấy chị đứng vẫy tay và đứa con trai đứng bên cạnh đang khẽ nâng một bên tay chị như sợ mẹ bị ngã. Con nào cũng là con. Tôi tin đứa con ấy sẽ bù đắp cho chị phần đời còn lại bởi mẹ nó đã mất mát quá nhiều./.

Lê Hứa Huyền Trân

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dua-con-a165523.html