Dự thảo TCVN cho thuật toán mã khối MKV trong lĩnh vực mật mã dân sự

Ban Cơ yếu Chính phủ đang dự thảo TCVN cho thuật toán mã khối MKV trong lĩnh vực mật mã dân sự.

Ban Cơ yếu Chính phủ đang dự thảo TCVN cho thuật toán mã khối MKV trong lĩnh vực mật mã dân sự.

Tiêu chuẩn áp dụng cho việc mã hóa dữ liệu trong hoạt động giao dịch điện tử của các tổ chức, công dân Việt Nam và tổ chức, công dân nước ngoài có quan hệ kinh tế - xã hội với tổ chức, công dân Việt Nam.

Tiêu chuẩn này mô tả mã khối MKV được áp dụng trong các phương pháp mật mã và bảo mật thông tin, trong đó đảm bảo tính bí mật của thông tin khi truyền, xử lý và lưu trữ thông tin trong các hệ thống thông tin.

Bảo mật và an toàn thông tin, trong đó kỹ thuật mật mã đóng vai trò then chốt, là yếu tố tiên quyết để triển khai các hoạt động giao dịch điện tử. Song song với việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và cơ sở pháp lý, hoạt động xây dựng và ban hành tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật có vai trò cực kỳ quan trọng. Công tác này không chỉ định hướng cho người dùng và đảm bảo cho nhà sản xuất trong việc nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ trên thị trường trong nước và quốc tế mà còn góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển giữa nước ta và các nước trong lĩnh vực này. Mã khối là một trong các nguyên thủy mật mã quan trọng đảm bảo tính bí mật của thông tin và tham gia nhiều vào các lược đồ/giao thức mật mã. Tại Việt Nam đã ban hành một số thuật toán mã khối trong TCVN 11367-3:2016 dựa trên việc chấp nhận nguyên viện chuẩn ISO/IEC 18033-3. Tiêu chuẩn TCVN XXXX:2024 bổ sung thêm một mã khối mới, được gọi tên là MKV, do Ban Cơ yếu Chính phủ xây dựng với mục tiêu đưa ra một chuẩn mã khối riêng của Việt Nam trong lĩnh vực dân sự.

Cũng giống như tiêu chuẩn hóa trong các lĩnh vực khác, tiêu chuẩn mật mã là yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo cho sự hoạt động an toàn của hạ tầng kỹ thuật, của hệ thống thông tin, của dữ liệu của tổ chức, cá nhân. Đối với các nhà thiết kế và sản xuất, tiêu chuẩn mật mã sẽ hỗ trợ để họ có thể cung cấp cho thị trường những sản phẩm mật mã chất lượng cao, phù hợp với các đối tượng sử dụng. Đối với người sử dụng mật mã (tổ chức, cá nhân) hai ưu thế lớn nhất trong sử dụng mật mã là đảm bảo tính an toàn và tính liên thông. Thứ nhất, người sử dụng có thể tin tưởng là các sản phẩm dựa trên tiêu chuẩn hóa là các sản phẩm an toàn vì chúng đã được một số lượng lớn các chuyên gia kiểm định, đã được thử thách trên thực tế và đã được nhiều tổ chức chấp nhận. Thứ hai nếu các sản phẩm dựa trên các tiêu chuẩn thì dù chúng được sản xuất bởi các tổ chức khác nhau hoặc được thiết kế để vận hành trên các nền tảng khác nhau vẫn giao tác được với nhau. Trên thế giới, không phải quốc gia nào cũng có chuẩn mã hóa của riêng mình, chỉ có một số ít các nước đã nghiên cứu ban hành chuẩn mã hóa cho lĩnh vực dân sự như Mỹ, Liên bang Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Belarus, ...

Việc sở hữu riêng chuẩn mật mã là một trong những yếu tố khẳng định tính tự chủ của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền Quốc gia.

Về tình hình tiêu chuẩn hóa trong nước, Ban Cơ yếu Chính phủ cho biết: Một trong những mục tiêu của Chiến lược "Make in Vietnam" do Thủ tướng Chính phủ ban hành là phát triển kinh tế số chiếm 20% GDP, với việc xác định các bước tiến đột phá mang tính hệ thống, nhấn mạnh vào chuyển đổi chủ quyền công nghệ, có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế một cách chủ động, tạo ra các sản phẩm công nghệ "Make in Vietnam".

Trước bối cảnh lịch sử của sự chuyển mình trong xu thế phát triển của nền kinh tế số, bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng được Đảng và Nhà nước giao, với vai trò là Cơ quan mật mã quốc gia, Ban Cơ yếu Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, xây dựng thuật toán mã khối dân sự để thiết kế, chế tạo các sản phẩm bảo mật, an toàn thông tin phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số.

Ở một khía cạnh khác, khi mà bài toán bảo mật thông tin có sức nóng hơn bao giờ hết trước sự phát triển không ngừng của công nghệ lượng tử và các vấn đề đảm bảo an toàn thông tin trước những tấn công thám mã dựa trên tính toán lượng tử. Ban Cơ yếu Chính phủ đặt mục tiêu quan trọng là phải có một thuật toán mã hóa "Make in Vietnam" không chỉ an toàn lượng tử mà còn đảm bảo hiệu năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong thời đại số. Ngoài ra, thuật toán không chỉ đảm bảo an toàn và hiệu quả sử dụng, phải có đặc trưng riêng, có cấu trúc riêng so với các chuẩn khác trên thế giới.

Hiện nay, trong lĩnh vực dân sự, Ban Cơ yếu Chính phủ đã xây dựng và đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ công bố được 55 tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực mật mã.

Các chuẩn được chấp thuận nguyên vẹn theo các chuẩn của ISO/IEC bởi vì Việt Nam là thành viên của tổ chức ISO/IEC. Tuy nhiên, để tạo sự thống nhất, thông suốt trong vấn đề bảo mật thông tin trong các hệ thống khác nhau, và khẳng định tính tự chủ về mật mã, việc xây dựng chuẩn riêng khẳng định tư tưởng và xu thế "Make in Vietnam" càng thật sự cần thiết.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Hoa Hoa

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/du-thao-tcvn-cho-thuat-toan-ma-khoi-mkv-trong-linh-vuc-mat-ma-dan-su-102240404144311048.htm