Dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi: Còn nhiều ý kiến trái chiều

Dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân (TAND) sửa đổi có nhiều thay đổi so với Luật Tổ chức TAND năm 2014, trong đó chỉ giữ lại 10 điều; sửa đổi, bổ sung 96 điều và có 47 điều hoàn toàn mới so với luật hiện hành.

Hội đồng Xét xử Tòa án nhân dân tỉnh xét xử một vụ án hình sự. Ảnh: T.Tâm

* Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh vừa tổ chức lấy ý kiến đóng góp của một số cơ quan, tổ chức liên quan để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn phục vụ công tác giải trình, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện Dự án Luật Tổ chức TAND sửa đổi.

Dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung và nhận được sự đồng tình, nhất trí cao của các cơ quan chức năng.

Chánh án TAND tỉnh Võ Văn Phước cho biết, ngành TAND Đồng Nai đồng ý với việc dự thảo luật sửa đổi theo hướng bỏ quy định tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa. Vì tòa án là cơ quan xét xử, nếu ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, sau đó lại xét xử vụ án do chính mình khởi tố sẽ khó đảm bảo tính vô tư, khách quan và không rành mạch về thẩm quyền của cơ quan làm nhiệm vụ xét xử với các cơ quan khác. Trong quá trình xét xử, nếu tòa án phát hiện có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm thì sẽ kiến nghị cơ quan điều tra, viện kiểm sát khởi tố theo quy định pháp luật.

Dự án Luật Tổ chức TAND sửa đổi có 9 chương, 153 điều quy định về một số nội dung quan trọng như: vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TAND; tổ chức và thẩm quyền thành lập TAND; việc thu thập chứng cứ trong giải quyết vụ án; cơ cấu tổ chức bộ máy TAND; thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt; quản lý công chức, viên chức và người lao động khác trong TAND; nhiệm kỳ của thẩm phán…

Luật sư Nguyễn Thị Hồng Tuyến, Công ty Luật TNHH MTV Tri Ân, Đoàn Luật sư Đồng Nai, đồng tình với việc dự thảo luật sửa đổi theo hướng tòa án không có nghĩa vụ phải thu thập chứng cứ trong vụ án. Bởi lẽ, trong vụ án hình sự, tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được cơ quan điều tra, viện kiểm sát thu thập và sẽ được làm rõ trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa xét xử. Đối với vụ án dân sự, đương sự có nghĩa vụ thu thập và cung cấp tài liệu chứng cứ là phù hợp. Nghĩa vụ này nhằm giúp hạn chế thời gian tòa án phải tạm đình chỉ giải quyết vụ án hoặc phải ngừng phiên tòa để thu thập chứng cứ; hạn chế việc không thống nhất quan điểm trong việc thu thập và đánh giá chứng cứ giữa các cấp tòa án dẫn đến tình trạng một vụ án bị hủy nhiều lần. Mặt khác, việc này cũng dần giúp người dân tự nâng cao ý thức tự giác tìm hiểu và chấp hành pháp luật.

* Nhiều ý kiến trái chiều

Bên cạnh đó, một số nội dung sửa đổi, bổ sung trong Dự án Luật Tổ chức TAND sửa đổi vẫn gặp phải các ý kiến trái chiều. Trong đó có những đề xuất như đổi tên TAND tỉnh và TAND huyện thành TAND phúc thẩm, TAND sơ thẩm. Đồng thời, thành lập tòa án chuyên biệt như: TAND sở hữu trí tuệ, TAND phá sản...

Theo Trưởng phòng Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Ngô Hữu Nghĩa, cần giữ nguyên tên gọi như hiện hành là TAND tỉnh và TAND huyện. Bởi việc đổi tên ở thời điểm hiện tại chưa hợp lý, vì thẩm quyền của TAND tỉnh là xét xử sơ thẩm hình sự những vụ án trên 15 năm tù và một số vụ án thuộc các lĩnh vực khác có yếu tố nước ngoài. Khi đặt tên TAND cấp tỉnh theo như dự thảo thành TAND phúc thẩm nhưng lại xét xử sơ thẩm thì có thể khiến người dân bị ngộ nhận, hiểu sai chức năng, thẩm quyền. Hơn nữa, nếu chỉ đổi tên mà phải tiêu tốn quá nhiều nguồn kinh phí (đổi biển tên, đổi các văn bản…) thì không cần thiết.

“Dự thảo luật đề xuất thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt (hành chính, sở hữu trí tuệ, phá sản…) là chưa phù hợp. Nếu các tòa này hoạt động song song với TAND cấp huyện thì phát sinh nguồn lực rất lớn từ kinh phí, nhân sự, trong khi chủ trương của Nhà nước là tinh gọn bộ máy, hiệu lực, hiệu quả” - ông Hữu Nghĩa cho hay.

Còn theo luật sư Nguyễn Thị Hồng Tuyến, trong hàng chục năm gần đây, số lượng án về sở hữu trí tuệ và phá sản rất thấp. Từ năm 2011- 2020, tổng số vụ phá sản 2 cấp TAND tỉnh Đồng Nai thụ lý chỉ là 17 vụ; số vụ án về sở hữu trí tuệ còn ít hơn. Dự kiến trong những năm tới, số vụ việc các loại trên cũng không thể tăng quá nhiều nên việc thành lập tòa án chuyên biệt là chưa cần thiết.

Ngoài ra, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về thời hạn bổ nhiệm thẩm phán. Theo Luật Tổ chức TAND năm 2014, nhiệm kỳ đầu của thẩm phán là 5 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm. Theo ngành tòa án, nhiệm kỳ như vậy là tương đối ngắn, khiến đội ngũ thẩm phán chịu tác động và sức ép rất lớn khi xét xử; chưa kể quy trình bổ nhiệm cần nhiều thủ tục, thời gian kéo dài, tạo tâm lý không yên tâm công tác và để lãng phí nguồn lực trong thời gian chờ bổ nhiệm lại. Do đó, theo dự thảo luật quy định đề xuất nhiệm kỳ đầu của thẩm phán vẫn là 5 năm, nhưng nếu được bổ nhiệm lại thì nhiệm kỳ tiếp theo sẽ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác là hợp lý.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, việc bổ nhiệm không thời hạn đối với thẩm phán sẽ nảy sinh tâm lý ỷ lại, triệt tiêu động lực phấn đấu. Thông thường, khi được yên vị ở một vị trí sẽ khiến cho con người khó rèn luyện, trau dồi về cả đạo đức lẫn chuyên môn.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202405/du-thao-luat-to-chuc-toa-an-nhan-dan-sua-doi-con-nhieu-y-kien-trai-chieu-5276f22/