Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự: Nhiều điểm mới

Đương sự có quyền thỏa thuận thi hành án, người được thi hành án dân sự (THADS) có quyền đề nghị chấp hành viên tiến hành cưỡng chế loại tài sản của người phải THA mà họ xác minh được và chịu trách nhiệm về yêu cầu của mình…

Tăng thẩm quyền cho người THA

Tổng kết Luật THADS mới đây, Bộ Tư pháp đánh giá: Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết, trình tự, thủ tục THA còn rườm rà, phức tạp, nhiều công đoạn, quá trình THA kéo dài; chưa có cơ chế để đương sự tham gia một cách tích cực vào quá trình THA; chưa có quy định cụ thể các biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng của người được THA mà chủ yếu là các quy định bảo vệ quyền lợi đối với người phải THA, dẫn tới việc người phải THA chây ỳ, cố tình kéo dài THA và không tự nguyện THA; mặt khác, việc áp dụng các biện pháp chế tài về kinh tế, hành chính, hình sự đối với người phải THA không được quyết liệt, kịp thời nên chưa có đủ sức mạnh để răn đe...

Xuất phát từ bất cập này, Bộ Tư pháp đã đề xuất bổ sung quy định người được THA có quyền yêu cầu cưỡng chế tài sản cụ thể của người phải THA và chịu trách nhiệm về yêu cầu đó; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường. Quy định này nhằm tăng quyền và nghĩa vụ của người được THA; đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của người phải THA nếu họ không tự nguyện THA.

Ngoài ra, Dự luật cũng bổ sung quy định cụ thể đương sự có quyền thỏa thuận THA, trong đó người được THA được nhận tài sản để trừ vào số tiền được THA, chấp hành viên lập biên bản về việc thỏa thuận và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự làm căn cứ chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản.

Cùng với quy định trên, Dự thảo Luật bổ sung quy định về việc xử lý đối với tài sản THA không có người tham gia đấu giá, trả giá và quy định cụ thể nếu sau 03 lần giảm giá mà không có người tham gia đấu giá, trả giá thì chấp hành viên yêu cầu người được THA nhận tài sản kê biên để trừ vào số tiền được THA mà không cần có sự đồng ý của người phải THA và những người có chung tài sản bị kê biên đó; nếu người được THA không nhận tài sản để trừ vào số tiền THA thì tài sản được trả lại cho người phải THA và trả lại đơn yêu cầu THA theo quy định của Luật THADS.

Giao cho Tòa ra quyết định THA?

Một điểm đáng chú ý tại Dự thảo là đề xuất giao cho Tòa án ra quyết định THA thay vì để cơ quan THA như hiện nay. Đây cũng là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất trong phiên họp lần thứ 2 của Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS cuối tháng 1 vừa qua.

Theo bà Nguyễn Thanh Thủy - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS, hiện có 2 quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng: Nên giao cho Tòa án chỉ ra quyết định THA, còn các quyết định khác do cơ quan THADS thực hiện. Phương án này vẫn đảm bảo sự gắn kết giữa giai đoạn xét xử và giai đoạn THA, nâng cao trách nhiệm của Tòa án đối với kết quả thi hành bản án, quyết định của mình; đồng thời, sẽ không gây xáo trộn nhiều về tổ chức và hoạt động THADS; không làm thay đổi bộ máy của Tòa án và cơ quan THADS; giảm bớt thủ tục hành chính.

Quan điểm thứ 2 cho rằng: Nên giao cho Tòa án ra các quyết định liên quan trực tiếp đến khởi động việc THA, làm dừng và thay đổi nội dung bản án, quyết định của Tòa án (như THA hình sự). Nếu theo quan điểm này thì Tòa án phải ra 12 loại, với 17 quyết định về THADS (quyết định THA, hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ, ủy thác, trả đơn yêu cầu THA…). Cơ quan THADS ra các quyết định về THA liên quan trực tiếp đến thủ tục tổ chức thi hành quyết định THA, trong đó cơ quan THADS ra 37 loại, với 40 quyết định về THA như: quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm, quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế.... Quy định như vậy sẽ bảo đảm sự gắn kết giữa giai đoạn xét xử và THADS. Tuy nhiên, theo quan điểm này sẽ làm phát sinh thêm các thủ tục mới liên quan đến Tòa án, cơ quan THADS và người dân, kéo dài quá trình THA.

L.H

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=75656&menu=1390&style=1