Dự thảo Luật HTX sửa đổi: Vẫn chưa thể đồng thuận

Theo chương trình, chiều ngày 25/10, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Hợp tác xã (HTX) sửa đổi. Mặc dù đã gần đến giờ 'chót', nhưng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về nội dung của Dự thảo được trình.

Tương tự như những thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đó, các nội dung được coi là tranh luận "nóng bỏng" nhất vẫn là vấn đề bản chất của HTX là gì, HTX có phải là một doanh nghiệp (DN) đặc thù hay không phải là một DN. Tiếp đó là các nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ của HTX như thế nào cho phù hợp và hiệu quả.

Định nghĩa HTX…

Luật HTX hiện hành định nghĩa HTX theo hướng là một trong các loại hình DN, bình đẳng với các loại hình DN khác. Dự thảo Luật HTX sửa đổi không còn công nhận HTX là một loại hình DN nữa. Đây là một thay đổi căn bản, vừa là điểm "nóng" khi tranh luận giữa 2 luồng ý kiến, vừa rất cần giải trình thấu đáo. Nếu không sẽ có thể có những hệ lụy lớn cho các HTX.

Theo báo cáo giải trình trước Quốc hội, đa số ý kiến đại biểu tán thành với định nghĩa HTX như Điều 4 Dự thảo Luật. Theo đó, HTX không thể là DN vì khác hẳn DN về mục đích hoạt động. "Mục đích hoạt động của HTX là tối đa hóa lợi ích cho thành viên thông qua việc đáp ứng nhu cầu chung của thành viên về sản phẩm, dịch vụ hoặc tạo việc làm….". Còn "mục đích hoạt động của DN và cổ đông DN là lợi nhuận...".

Tuy nhiên, giải trình này không hoàn toàn thuyết phục. Trên thực tế, không phải tất cả DN đều vì lợi nhuận, nhằm mục tiêu thu lợi nhuận cho cổ đông. Mục tiêu của các DN nói chung, dù pháp nhân nào cũng là đem lại lợi ích cho chủ sở hữu. Các DN xã hội, DN công ích không phải vì mục tiêu lợi nhuận, mà có thể vì mục tiêu từ thiện, nhân đạo của chủ DN đó. Nhiều DN công ích, DN của Nhà nước, chủ sở hữu là Nhà nước, cũng không phải luôn luôn vì mục tiêu lợi nhuận trên hết. Các DN đó hoạt động vì lợi ích của Nhà nước, theo mục tiêu của Nhà nước đặt ra, chẳng hạn vì lợi ích công cộng, vì lợi ích xã hội, vì an ninh quốc gia, hay vì mục tiêu ổn định vĩ mô. Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM) đã phát biểu khá thuyết phục về các vấn đề nổi cộm của Dự thảo Luật HTX. Theo ông Hòa, Nghị quyết Trung ương 5 vẫn thừa nhận HTX là DN, được bình đẳng vay vốn như các DN khác. Vì vậy, như băn khoăn của ông Hòa và nhiều đại biểu khác, việc định nghĩa HTX khác hẳn đi liệu có đúng không? Trước đây, đã có nhiều đại biểu Quốc hội đặt hẳn vấn đề Dự thảo không thừa nhận HTX hoạt động như DN hay là một loại hình DN liệu có trái với đường lối chủ trương hiện hành của Đảng về kinh tế HTX không?

Được biết, trong các tọa đàm và lấy ý kiến đã có nhiều lo ngại về việc Dự thảo Luật HTX không coi HTX là một loại hình DN có đặc trưng riêng sẽ dẫn đến nhiều khó khăn hơn cho HTX và xã viên, như: không còn được tự chủ, tài sản của HTX có thể bị chuyển giao khi giải thể, HTX không được tự do tiếp cận thị trường, khó khăn hơn khi tiếp cận vay vốn ngân hàng…

Bản chất của HTX...

Đại biểu Bùi Thị An (TP Hà Nội) đã làm "nóng" thêm không khí tranh luận giữa 2 luồng ý kiến trái ngược. Bà An cho rằng bản chất HTX là vấn đề gốc, cơ bản, nếu không làm rõ sẽ khó cho HTX phát triển. Và bản chất đó, theo bà An: "HTX phải là một loại hình DN" bên cạnh rất nhiều loại hình DN khác như công ty cổ phần, công ty TNHH…".

Tương tự, các đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), Đinh Huy Chiến (Thái Nguyên) đều rất băn khoăn với việc bản chất HTX chưa hề được làm rõ trong Dự thảo. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, ông Chiến thẳng thắn đề nghị: "Nhiều nước coi HTX hoạt động như một loại hình DN. Vì vậy, Việt Nam cũng cần xác định HTX là một loại hình DN đặc thù".

Một đặc trưng quan trọng nhất của HTX, khác hẳn các DN góp vốn khác, là mối quan hệ nội bộ giữa các thành viên theo phương thức đối nhân. Sự khác biệt này sẽ quyết định các vấn đề khác của HTX, như: chọn phân khúc thị trường chủ yếu là thành viên, cách phân phối lợi nhuận trong HTX. Khác với các DN khác, ở HTX, tập thể đa số thành viên theo phương thức đối nhân sẽ quyết định bảo đảm HTX không lệch bản chất, không xa rời mục tiêu hỗ trợ, đem lại lợi ích tốt nhất cho thành viên. Chính vì vậy, đại biểu Bùi Thị An cũng phân tích rõ thêm: HTX là DN, nhưng đó là DN tập thể, mang tính chất kinh tế tập thể.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa đã có phân tích rất sâu sắc và thuyết phục. Theo đó, HTX vừa có tính chất xã hội, vừa có tính chất kinh tế, cả hai không được xem nhẹ. Tính xã hội là mục tiêu quan trọng, nhưng HTX cần hoạt động như DN. HTX kinh doanh không hiệu quả thì không thực hiện được mục tiêu xã hội, không phục vụ được thành viên, cộng đồng…

Không thể hỗ trợ HTX một cách chung chung

Trong bối cảnh thực tế ở Việt Nam hiện nay, nhiều HTX rất cần được hỗ trợ. Các đại biểu Quốc hội cũng rất đắn đo về các chính sách hỗ trợ cho HTX được quy định trong Dự thảo.

Thực ra, mục tiêu của Luật HTX không phải để phân loại "HTX đích thực" hay không phải là "HTX đích thực". Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng không thể quy định hỗ trợ cho HTX chung chung như Dự thảo, mà cần có công cụ rõ ràng, như: trực tiếp thông qua quỹ hỗ trợ HTX. Ông Hoàng cũng kiến nghị cần có tiêu chí hỗ trợ cụ thể với HTX tại vùng đặc biệt khó khăn, hạ tầng yếu kém, chưa có điện, có nước, như: miền núi, hải đảo, hay có tiêu chí cụ thể về đối tượng HTX của người đánh bắt hải sản xa bờ.

Cho đến nay, HTX nông nghiệp là đối tượng được Nhà nước hỗ trợ nhiều nhất, nhưng vẫn được coi là lĩnh vực yếu nhất trong khu vực HTX nói chung. Vì vậy, các đại biểu có nhiều trăn trở liên quan đến hỗ trợ cho HTX nông nghiệp: hỗ trợ gì, hỗ trợ như thế nào cho hiệu quả.

Luật HTX là luật chung cho HTX tất cả mọi lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Đại biểu Nguyễn Thanh Hùng (Đồng Tháp) cho rằng hỗ trợ cho HTX phải theo tiêu chí cụ thể, chẳng hạn theo ngành nghề. Tương tự, đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) cũng kiến nghị Quốc hội xây dựng một luật riêng dành cho các HTX nông nghiệp. Được biết, nhiều nước trên thế giới có luật riêng cho các HTX, để tránh như trường hợp Dự thảo Luật đang được thảo luận phù hợp với HTX nông nghiệp lại không phù hợp, không áp dụng được với HTX phi nông nghiệp hay Quỹ Tín dụng nhân dân như nhiều phản ảnh.

Có thể nói, Dự thảo Luật HTX vẫn chưa có được sự đồng thuận cần thiết. Sắp tới, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tổ và tiếp tục đưa ra ý kiến trước khi Quốc hội xem xét lần cuối và thông qua, dự kiến ngày 20/11.

-------------------------------

Dự thảo chưa chú trọng đến yếu tố kinh tế của HTX

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (Tp.HCM)
------------------------------------
HTX mang trong mình 2 tính chất quan trọng: tính chất kinh tế và tính chất xã hội. Đây là 2 mặt không thể tách rời, không thể xem nhẹ mặt nào. Trong đó, mặt xã hội là mục tiêu quan trọng. Mặt kinh tế là phương tiện để HTX đạt được mục tiêu cao nhất của mình. Một HTX cần được tổ chức một cách chuyên nghiệp, hoạt động như một DN để đem hiệu quả cho nền kinh tế thị trường.

Nghị quyết TW 5 khẳng định: HTX là một loại hình DN được vay vốn bình đẳng như các loại hình DN trong các thành phần kinh tế khác. Trên phương diện quốc tế cũng đã định nghĩa HTX là một tổ chức tự chủ của các cá nhân một cách tự nguyện để thực hiện các nhu cầu văn hóa, xã hội… Tôi kiến nghị trong Dự thảo cần bổ sung: HTX cần mở rộng các sản phẩm dịch vụ của mình cho các đối tượng chưa phải là xã viên, qua đó mới vận động, thuyết phục họ tin tưởng gia nhập. Trong nền kinh tế thị trường, HTX cần xem thị trường cần gì để sản xuất và cung cấp những sản phẩm phù hợp. HTX nên vượt qua kiểu tự cung tự cấp, thoát khỏi mô hình nhỏ lẻ để có sự phát triển ở một quy mô lớn. Việc mở rộng của HTX với các đối tượng không phải là xã viên là cần thiết…

HTX cần được chủ động trong hoạt động sản xuất - kinh doanh để đáp ứng yêu cầu sản xuất - kinh doanh của mình. HTX cần có sự liên doanh, liên kết mới có sự phát triển được. Chúng ta lo HTX liên doanh, liên kết với các đơn vị khác thì sẽ làm mất bản chất của HTX, nhưng không phải thế…

HTX với mô hình DN đã phát triển hơn

Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên)
------------------------------------

Thời gian qua, nhiều HTX với mô hình DN đã phát triển hơn. Nếu nay không cho HTX hoạt động như một DN thì sẽ lại quay về thời kỳ trước. Không nên sợ là không quản lý được mà không cho HTX hoạt động như một loại hình DN. Chúng tôi có mời hơn 30 HTX thì họ nói là hầu như không tiếp cận được vốn ngân hàng. Ngân hàng không nhận thế chấp tài sản trên đất, nên không được vay. Nhiều HTX cũng thuê người xây dựng phương án để vay vốn, nhưng ngân hàng vẫn ngại, không muốn cho HTX vay vốn, vì sợ "cha chung không ai khóc"…, nên các HTX rất khó khăn. Nhiều chủ nhiệm HTX phải dùng tài sản cá nhân của mình để thế chấp vay vốn cho HTX hoạt động… Nên đề nghị cần có quy định cụ thể hơn về chính sách tiếp cận vốn. Đề nghị nên tách riêng một luật HTX nông nghiệp để tạo điều kiện cho bà con xã viên là nông dân…

Cần xác định HTX là doanh nghiệp

Đại biểu Đinh Huy Chiến (Thái Nguyên)
------------------------------------

HTX có những khác biệt rất rõ so với DN, nhưng không nên vì sự khác biệt này mà đưa HTX về gần hơn với tổ chức xã hội. Nhiều nước coi HTX hoạt động như một loại hình DN. Vì vậy, Việt Nam cũng cần xác định HTX là một loại hình DN đặc thù… Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước quy định trọng Luật HTX hiện hành: Việc xác định các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với HTX lúc này là rất cần thiết. Không nên quy định chung chung. Ví dụ về Quỹ hỗ trợ HTX có đóng góp quan trọng, nên đề nghị mở rộng để tạo điều kiện cho HTX.

Thùy Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/du-thao-luat-htx-sua-doi-van-chua-the-dong-thuan-1037221.html