Dự thảo Điều lệ trường Tiểu học: 35 học sinh một lớp có thực tế ?

(BVPL) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố dự thảo điều lệ trường tiểu học với một số nội dung mới theo định hướng của Thông tư 30 về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học và mô hình trường học mới. Trong đó có nhiều quy định mới, xoay quanh quyền lợi và nghĩa vụ học sinh.

Tự chủ, chủ động và dân chủ cho học sinh tiểu học

Mô hình trường học mới được Bộ GD-ĐT thực hiện thí điểm ba năm qua, từ chỗ triển khai tại 1.500 trường tiểu học ở nhiều vùng miền, hiện tại đã nhân rộng trên khắp cả nước. Ưu điểm của mô hình dạy học này là tập cho HS tự quản, tự học, biết làm việc nhóm, vận dụng sức mạnh tập thể trong các hoạt động, học tập, mạnh dạn nói lên ý kiến của mình...Qua đó, hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực cho HS. Phản hồi từ các trường thực hiện thí điểm, từ phụ huynh và HS cho thấy, cách thức giáo dục này có nhiều ưu điểm, và không chỉ triển khai ở những nơi thuận lợi mà có thể thực hiện thành công ở các vùng khó khăn. Từ thực tiễn đó, Bộ GD-ĐT đã đưa vào điều lệ trường tiểu học sắp ban hành những điểm mới ưu việt của mô hình dạy học trên.

Tại Điều 17 của dự thảo quy định về lớp học, tổ học sinh, điểm trường. Theo đó, học sinh được tổ chức theo lớp học. Lớp học có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản do tập thể HS bầu hoặc giáo viên chủ nhiệm chỉ định luân phiên. Mỗi lớp học chia thành các tổ, ban hoặc nhóm HS, trong đó có tổ trưởng, tổ phó hoặc trưởng ban, phó ban, nhóm trưởng, thư ký. Việc đưa những yếu tố của hội đồng tự quản vào lớp học được đánh giá nhằm xây dựng sự tự chủ, chủ động và dân chủ ở HS ngay từ lứa tuổi nhỏ.

Hoạt động giáo dục bao gồm hoạt động dạy học các môn học và hoạt động giáo dục trải nghiệm nhằm hình thành, phát triển năng lực và phẩm chất, bồi dưỡng năng khiếu, giúp đỡ học sinh yếu phù hợp đặc điểm tâm lí, sinh lí lứa tuổi học sinh tiểu học. Hoạt động giáo dục trải nghiệm bao gồm sinh hoạt tập thể, hoạt động vui chơi, thể dục thể thao, tham quan du lịch, giao lưu văn hóa; hoạt động bảo vệ môi trường; lao động công ích và các hoạt động xã hội khác.

Lần đầu tiên, nhiệm vụ của học sinh được quy định cụ thể trong dự thảo. Quyền của học sinh cũng được quy định tại Điều 43, theo đó được quy định thêm quyền được tôn trọng và đối xử bình đẳng; được cung cấp đầy đủ thông tin về việc học tập, rèn luyện của mình; được trực tiếp bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về việc xây dựng nhà trường và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của học sinh…

Nhiều quy định chưa sát thực tiễn

Tại Điều 17, về số lượng học sinh mỗi lớp học là 35 em. Tuy nhiên, một số trường học tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh băn khoăn về việc điều lệ trường tiểu học bao lâu nay đưa ra con số chuẩn là 35 HS/lớp, nhưng thực tế tại các thành phố lớn cho thấy trường đạt chuẩn thì vất vả giữ con số này, trường chưa chuẩn thì phải “gánh” sĩ số HS lên tới 50 em/lớp. Để đạt được con số 35 HS/lớp, đòi hỏi ngành Giáo dục tăng cường cơ sở vật chất trường lớp để đáp ứng được yêu cầu

Trong quá trình thực hiện Thông tư 30, một trong những bất cập là quy định về sổ sách của giáo viên còn nặng nề khiến giáo viên bị quá tải. Việc bổ sung vào điều lệ các quy định mới về công việc của giáo viên, trong đó có quy định về sổ sách, sẽ giúp cho giáo viên trường tiểu học thoát khỏi những bất cập đã phát sinh vừa qua. Dự thảo cũng quy định cụ thể số sổ sách mà giáo viên yêu cầu phải có là sổ giáo án, sổ chuyên môn (bao gồm nội dung theo dõi chất lượng HS, dự giờ, ghi chép sinh hoạt chuyên môn) và sổ chủ nhiệm. Dự thảo đã rút gọn phần sổ sách giáo viên, sau một thời gian giáo viên phải ôm đồm sổ sách quá nhiều. Giáo viên cần giảm những nội dung phải ghi trong cuốn sổ theo dõi chất lượng học sinh.

Thông tư quy định về chuẩn trình độ đào tạo tối thiểu của giáo viên tiểu học là có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm được cho là lạc hậu. Với bối cảnh hội nhập như hiện nay, với sự nhanh nhạy ngày càng tăng của HS, giáo viên tiểu học cần phải đạt trình độ đại học mới đáp ứng được yêu cầu của xã hội, hoặc tối thiểu cũng phải đạt trình độ từ cao đẳng trở lên. Thực tế, các trường sư phạm công lập hiện đều tuyển chọn giáo viên tiểu học hệ đại học, hoặc những giáo viên đang đứng lớp cũng được tạo điều kiện cho đi đào tạo nâng cao trình độ, học thêm để lấy bằng đại học.

Bên cạnh đó, quy định về cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục tiểu học, gồm: lớp dành cho trẻ em ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em trong diện hộ nghèo theo quy định của Nhà nước, trẻ em ở nước ngoài về nước, lớp dành cho trẻ khuyết tật không được đi học ở nhà trường. Đây được coi là điểm mới của Điều lệ.

Đức Minh

Nguồn BVPL: http://baobaovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/giao-duc/201507/du-thao-dieu-le-truong-tieu-hoc-35-hoc-sinh-mot-lop-co-thuc-te--2429749/