Dự phòng và giảm thiểu nguy cơ trẻ mắc chứng đầu nhỏ do virut Zika

Việt Nam đã ghi nhận 37 trường hợp dương tính với virut Zika tại 7 tỉnh thành, đồng thời đã ghi nhận trẻ bị dị tật đầu nhỏ nghi ngờ liên quan đến virut Zika...

Việt Nam đã ghi nhận 37 trường hợp dương tính với virut Zika tại 7 tỉnh thành, đồng thời đã ghi nhận trẻ bị dị tật đầu nhỏ nghi ngờ liên quan đến virut Zika và một số phụ nữ mang thai được xác nhận nhiễm Zika thời gian qua, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định, hiện virut Zika đã trở thành bệnh lưu hành trong cộng đồng, vấn đề được giới chuyên môn quan tâm hàng đầu trong công tác phòng chống dịch Zika hiện nay là đảm bảo sức khỏe của thai phụ, dự phòng và giảm thiểu nguy cơ trẻ mắc chứng đầu nhỏ do virut Zika.

Hiện Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em đang làm quy trình cụ thể để các cơ sở y tế ứng phó khi ghi nhận phụ nữ mang thai nhiễm Zika. Tuy nhiên, điều khó khăn là phải đến những tháng gần cuối của thai kỳ mới xác định được thai nhi có bị đầu nhỏ hay không, nên khâu tư vấn cho bà mẹ mang thai rất cần được ưu tiên.

PGS.TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TW cho biết, các bằng chứng khoa học gần đây cho thấy phụ nữ mang thai nhiễm virut Zika, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ thì trẻ sinh ra có nguy cơ mắc hội chứng đầu nhỏ. Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp phụ nữ mang thai mắc Zika đều sinh ra trẻ bị dị tật đầu nhỏ mà chỉ có 1-10% trẻ có mẹ nhiễm Zika trong 3 tháng đầu thai kỳ bị dị tật đầu nhỏ, do virut Zika tấn công vào tế bào mầm thần kinh làm não không phát triển, gây tình trạng não bé. Các bé bị dị tật này cũng có thể bị ảnh hưởng về vận động, tuần hoàn... khi lớn hơn.

Phụ nữ mang thai trở về từ vùng dịch bệnh Zika cần thường xuyên theo dõi thai kỳ.

Về nguy cơ của virut Zika với bà bầu, PGS.TS. Trần Danh Cường, Phó Giám đốc BV Phụ sản TW khẳng định, ngoài siêu âm các tuần 12, 22 và 32 có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát hiện những bất thường của thai nhi, việc khám thai để phát hiện các yếu tố nguy cơ, như huyết áp, tiểu đường... với thai phụ là cực kỳ quan trọng. “Nếu tuân theo hướng dẫn khám thai và siêu âm định kỳ, cơ bản sẽ kiểm soát, phát hiện được bất thường của thai nhi, phát hiện sớm các trường hợp đầu nhỏ”, TS. Cường nói.

Hiện nay ở nước ta đã ghi nhận 36 trường hợp nhiễm virut Zika, trong đó chủ yếu là ở khu vực miền Nam và Tây Nguyên. Nhiều người thắc mắc, virut này chỉ tập trung ở phía Nam, vậy ở phía Bắc, người dân có phải tìm cách phòng chống? Hơn nữa, các tỉnh miền Bắc đang chuyển rét, liệu virut này có lưu hành? Về vấn đề này, Cục Y tế Dự phòng cho biết, miền Bắc là địa bàn lưu hành muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết . Hiện nay, miền Bắc vẫn chưa phát hiện người nhiễm virut Zika do quần thể muỗi vằn chưa lây nhiễm virut này. Tuy nhiên, do mở rộng giao lưu đi lại giữa các địa phương nên nguy cơ lây nhiễm rất lớn.

Các chuyên gia dịch tễ cũng cảnh báo hiện miền Bắc, thời tiết đang trở lạnh, mật độ muỗi vằn có thể giảm nhưng vẫn tồn tại trong cộng đồng và tiềm ẩn nguy cơ lan truyền virut Zika. Nếu bị đốt, vẫn có thể làm lan truyền virut Zika. Trên thực tế khoảng 60-80% các trường hợp nhiễm virut Zika không có dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng. Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ có thai nên chủ động đi đăng ký theo dõi thai sản sớm để được khám, theo dõi sức khỏe định kỳ kể cả thai phụ và thai nhi. Nếu có biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn sức khỏe. Ngoài ra, Bộ Y tế đề nghị người dân có ý thức hợp tác phun hóa chất diệt lăng quăng, muỗi phòng bệnh do virut Zika.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/du-phong-va-giam-thieu-nguy-co-tre-mac-chung-dau-nho-do-virut-zika-n124751.html