Dư luận và công lý trong vụ cô giáo bị 5 năm tù

Nếu bản án sơ thẩm kết tội cô giáo Lê Thị Dung ở Nghệ An đã tiệm cận công lý thì tại sao dư luận xã hội vẫn cảm thấy băn khoăn, day dứt?

Bản án sơ thẩm liên quan đến những sai phạm tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - Giáo dục thường xuyên (GDTX) huyện Hưng Nguyên, Nghệ An đã được tuyên. TAND huyện Hưng Nguyên đã làm hết trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền luật định. Tuy nhiên, bản án với mức hình phạt năm năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ dành cho bà Lê Thị Dung vẫn để lại nhiều dư âm và thắc mắc trong dư luận.

Quy chế tập thể nhưng cá nhân thực hiện lại dính tội

Trước hết, về phía người bị buộc tội, bà Dung luôn cho rằng mình bị oan. Vì lẽ đó, kháng cáo để được xét xử theo thủ tục phúc thẩm đã được bà lập trình và khởi động nhằm đi đến điểm đến cuối cùng là công lý.

Cô giáo Lê Thị Dung lúc bị khám xét phòng làm việc. Ảnh: TL

Tiếp đến, về phía những người có liên quan, họ cho rằng Quy chế chi tiêu nội bộ là do cả tập thể bàn bạc, thống nhất, được áp dụng chung cho cả cơ quan một cách công khai. Trong nhiều năm, các cơ quan quản lý không có bất cứ ý kiến gì về sai sót, khiếm khuyết nên giờ đây đột ngột xem đây là nguồn cơn của mọi sai phạm thì liệu đã công bằng, thấu đáo? (Từ năm 2012 đến 2017, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An không tiến hành thanh tra Trung tâm GDNN - GDTX và cũng không kết luận về những sai sót, khiếm khuyết của Quy chế chi tiêu nội bộ).

Quy chế chi tiêu nội bộ là luật chơi chung của Trung tâm GDNN - GDTX huyện Hưng Nguyên nên nếu truy cứu trách nhiệm hình sự bà Lê Thị Dung thì bất cứ ai của trung tâm cũng có thể vướng vào vòng lao lý nếu ở vị trí của bà.

Cuối cùng, về phía dư luận xã hội, nhiều người vẫn cảm thấy băn khoăn vì chỉ với sự hưởng lợi 45 triệu đồng mà một cô giáo phải lãnh mức án năm năm tù. Liệu chế tài dành cho một giáo viên như cô Dung có quá nặng nề?

Trước đó đã có không ít những vụ nghiêm trọng hơn rất nhiều nhưng cũng chỉ giải quyết theo “con đường hành chính” với yêu cầu khắc phục hậu quả là nộp lại số tiền đã chi sai. Việc hình sự hóa một con người có nhân thân tốt liệu có thể dẫn đến hệ quả không mong muốn cho chính người đó trong quãng đời còn lại của họ và tác động đến niềm tin vào công lý của người dân hay không.

Thật khó để cho rằng một bản án đảm bảo công lý mà vẫn có vị đắng và khó nuốt trôi, ít nhất là đối với những người không liên quan.

Mong phán quyết công tâm từ cấp phúc thẩm

Bản án sơ thẩm đã được tuyên nhưng chưa có hiệu lực pháp luật. Bà Dung đã tiến hành thủ tục cần thiết để kháng cáo. Do đó, về nguyên tắc, bà vẫn là người vô tội và còn rất nhiều cơ hội để chứng minh bản án sơ thẩm là chưa thấu tình đạt lý. Tòa phúc thẩm cũng sẽ có thời gian, góc nhìn đủ rộng để đưa ra phán quyết độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Muốn làm được điều này thì một trong những vấn đề cần giải quyết là gút mắc liên quan đến các khoản chi tiêu mà Quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm GDTX Hưng Nguyên đã xây dựng, ban hành và áp dụng trong một thời gian khá dài.

Đó là cách hiểu tách bạch hai khoản chi theo Quy định 169-QĐ/TW (ngày 24-6-2008) của Ban Bí thư Trung ương Đảng và theo Thông tư 28/2008 của Bộ GD&ĐT của bà Dung là đúng hay sai. Tòa sơ thẩm đã nhận định phụ cấp đối với những người giữ chức vụ này tại Quy định 169-QĐ/TW về chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với cấp ủy viên các cấp đã được tính nhưng Quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm GDTX chi thêm một lần nữa là không chính xác.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng hai khoản chi nói trên là khác nhau, một bên là phụ cấp cấp ủy (phụ cấp trách nhiệm) hưởng theo Quy định 169 của Ban Bí thư, một bên là định mức tiết dạy (công sức lao động) dành cho chức danh bí thư chi bộ. Do đó, không thể coi đây là hai khoản chi trùng nhau, vì tính chất, đối tượng, mức chi là không trùng nhau. Thiết nghĩ, vấn đề này cần được nghiên cứu và trả lời thấu đáo để tránh oan, sai đối với bà Lê Thị Dung.

***

Pháp luật và công lý là những phạm trù khác nhau. Thế nhưng pháp luật trong Nhà nước pháp quyền XHCN phải tiệm cận được với công lý.

Người dân trông đợi công lý đồng nghĩa với việc trông đợi vào tòa án. Không phải ngẫu nhiên mà khi đi tìm công lý, người dân lại tìm đến tòa án.

Một bản án công lý trước hết phải là bản án được tuyên đúng pháp luật nội dung và thủ tục mà trong đó những người cầm cân nảy mực đã vận dụng hết các tình tiết có liên quan dựa trên cơ sở đánh giá một cách khách quan, toàn diện. Bên cạnh đó, bản án phải thể hiện được sự thuyết phục, công bằng và nhân văn trong áp dụng pháp luật.

Thật khó để cho rằng một bản án đảm bảo công lý mà vẫn có vị đắng và khó nuốt trôi, ít nhất là đối với những người không liên quan.

Dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ án

Sáng 8-5, tại Hội nghị giao ban báo chí tháng 5-2023 tỉnh Nghệ An, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An đề nghị báo chí tránh giật tit “câu view”, khiến hiểu nhầm bản chất vụ án cô giáo Lê Thị Dung. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ đề nghị TAND tỉnh Nghệ An có thông tin hoặc có họp báo sau phiên xử phúc thẩm sắp tới.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở TT&TT tỉnh và Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng 5-2023 vào sáng 8-5. Ảnh: ĐẮC LAM

Trước đó, ngày 5-5, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đã họp và đề nghị tòa xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm phải đúng quy định của pháp luật, đúng người, đúng tội, chặt chẽ; đảm bảo công bằng, khách quan, thấu tình đạt lý, tạo được sự đồng thuận trong xã hội.

Bà Dung là giám đốc Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên từ năm 2012. Theo cơ quan tố tụng, bà đã xây dựng, ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ không đúng quy định của pháp luật dẫn đến việc lập chứng từ kế toán sai, thanh toán sai quy định hơn 44,7 triệu đồng trong hai năm học 2014-2015 và 2015-2016.

Ngày 24-4, TAND huyện Hưng Nguyên phạt bị cáo Dung năm năm tù, bị cáo Nguyễn Thị Hương (nguyên kế toán của trung tâm) hai năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Hiện bị cáo Dung đã kháng cáo kêu oan.

Đ.LAM

TS CAO VŨ MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/du-luan-va-cong-ly-trong-vu-co-giao-bi-5-nam-tu-post732365.html