Du lịch Thủ đô kỳ vọng sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay

Du lịch Thủ đô đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 44,9 nghìn tỷ đồng, tăng 74,4% với cùng kỳ năm trước.

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 12,33 triệu lượt, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 2,03 triệu lượt, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2022. Những con số này cho thấy du lịch Thủ đô đang phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ kể từ sau dịch bệnh Covid-19.

Để đạt được kết quả này, thời gian qua, Hà Nội đã không ngừng triển khai nhiều biện pháp kích cầu, quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch mới, trong đó xây dựng thêm nhiều tour, tuyến du lịch hấp dẫn gắn với nhiều làng nghề nổi tiếng ở khu vực ngoại thành.

Việc đổi mới các tour du lịch cũng là một yếu tố để thu hút du khách. Thay vì cung cấp các tour du lịch truyền thống, Hà Nội đã đa dạng hóa sản phẩm du lịch bằng cách tập trung vào các tour trải nghiệm độc đáo và chất lượng cao.

Trải nghiệm ngắm Thủ đô từ trên cao bằng xe bus 2 tầng.

Du khách không chỉ được khám phá các điểm đến nổi tiếng như Hoàng thành Thăng Long, Hồ Gươm hay Phố cổ Hà Nội mà còn có cơ hội tham gia vào các hoạt động văn hóa truyền thống, thưởng thức ẩm thực đặc sản và tìm hiểu về đời sống địa phương. Điều này giúp du lịch Thủ đô trở thành một trải nghiệm toàn diện và sâu sắc hơn, từ đó tạo nên ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách và thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch.

Bên cạnh đó, khu vực ngoại thành Hà Nội cũng có nhiều lợi thế để xây dựng thành những tuyến du lịch hấp dẫn với nhiều làng nghề nổi tiếng, di tích, di sản. Chẳng hạn như, huyện Mỹ Đức vốn có quần thể danh thắng Hương Sơn (chùa Hương) nổi tiếng. Trung bình mỗi năm, thu hút hàng triệu lượt khách tham quan.

Ngoài ra, huyện còn có nhiều di tích, danh thắng như hồ Quan Sơn, được mệnh danh là “vịnh Hạ Long trên cạn” với diện tích khoảng 1.465 ha, trong đó, có trên 500 ha mặt hồ với nhiều núi đá, đảo nổi trên mặt nước; khu du lịch nghỉ dưỡng Tuy Lai có quy mô 1.120 ha, có núi đồi và hệ thống hồ nước, khí hậu trong lành, phù hợp với mô hình nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe.

Đặc biệt, thị xã Sơn Tây được coi là “mỏ vàng” di sản. Ngoài làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây còn sở hữu tòa thành đá ong độc nhất vô nhị Việt Nam ở ngay trung tâm thị xã; đền Và - nơi thờ đệ nhất Tứ Bất Tử Tản Viên Sơn Thánh hay Văn Miếu Sơn Tây. Nơi đây hoàn toàn có thể hình thành một “con đường di sản”, chưa kể có thể xây dựng những tour liên thông với các khu nghỉ dưỡng, sinh thái khác trên địa bàn Sơn Tây và Ba Vì.

Hiện chỉ riêng làng cổ, vùng ngoại thành có nhiều điểm nổi tiếng như: Làng cổ Cự Đà, Làng Ước Lễ (huyện Thanh Oai), Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây),... Cùng đó, các khu vực kể trên cũng được mệnh danh là “đất trăm nghề”, tiệm cận những khu vực này có nhiều làng nghề nổi tiếng như: Mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), thêu Quất Động (huyện Thường Tín), tò he Xuân La (huyện Phú Xuyên), khảm trai Chuôn Ngọ (huyện Phú Xuyên),…

Điều đáng chú ý là nhiều di tích quan trọng có sự phân bố hợp lý dọc theo những trục giao thông chính của Thành phố. Dọc đại lộ Thăng Long có chùa Thầy (huyện Quốc Oai), chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất) đều là những di tích quốc gia đặc biệt. Trục đường 32 có đình Đại Phùng (huyện Đan Phượng), đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ) và các di tích trên địa bàn Sơn Tây.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, du lịch phục hồi mạnh một mặt là do dịch Covid-19 đã được kiểm soát, mặt khác Thành phố đã có nhiều giải pháp đồng bộ để phục hồi kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng.

Phố đi bộ quanh Thành cổ, thị xã Sơn Tây thu hút hàng triệu lượt khách từ khi hoạt động.

Trong đó, kịp thời kích cầu du lịch, đưa ra một số sản phẩm du lịch mới như mở rộng và thúc đẩy hoạt động các tuyến phố đi bộ (phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm; phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ; phố đi bộ hồ Thiền Quang, Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng; phố đi bộ quanh Thành cổ, thị xã Sơn Tây; phố đi bộ Đảo Ngọc, Ngũ Xã, quận Ba Đình).

Để giữ đà tăng trưởng, Sở Du lịch Hà Nội sẽ ban hành và triển khai kế hoạch xây dựng thí điểm mô hình du lịch cộng đồng với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề, du lịch nông nghiệp, nông thôn và các điểm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại huyện Ba Vì trong thời gian tới.

Phương Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/du-lich-thu-do-ky-vong-se-dat-muc-tieu-tang-truong-trong-nam-nay-d193448.html