Du lịch Thái Lan: Hơn nửa triệu du khách quốc tế trải nghiệm Tết té nước Songkran 2024

Lễ hội Songkran (Tết té nước Songkran) là sự kiện quan trọng, được người dân Thái Lan mong đợi nhất trong năm. Đặc biệt 2024 là năm đầu tiên lễ hội diễn ra dài hơn, sau khi Songkran được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Màn diễu hành hoành tráng với 20 đám rước lớn và hơn 1.000 nghệ sĩ biểu diễn ngày 12/4 tại Thủ đô Bangkok, Thái Lan dịp lễ hội Songkran (Tết té nước Songkran) 2024. Ảnh: pattayamail

Tết té nước Songkran nổi tiếng là cuộc "thủy chiến" lớn nhất thế giới

Lễ hội Songkran (Maha Songkran World Water Festival 2024) còn được gọi là Tết té nước Songkran, là ngày Tết cổ truyền mừng năm mới của Thái Lan, được tổ chức vào đầu năm mới theo Phật lịch (tương ứng với các ngày từ 13-15/4 dương lịch).

Lễ hội Songkran (Tết té nước Songkran) phản ánh giá trị của lòng biết ơn mà người dân Thái Lan thể hiện đối với tổ tiên và thể hiện tinh thần đoàn kết. Lễ hội Songkran biến cả đất nước Thái Lan thành tấm thảm khổng lồ rực rỡ màu sắc và sôi động trong niềm vui thuần khiết giữa những làn nước giải nhiệt trong cái nóng tháng Tư.

Theo truyền thống, đây là thời điểm người dân Thái Lan bày tỏ lòng kính trọng Đức Phật với nghi thức tắm tượng Phật bằng nước ướp hoa thơm, cùng những màn té nước vui vẻ trên đường phố như nghi thức gột rửa những điều xui xẻo của năm cũ để chào đón may mắn trong năm mới.

Lễ hội Songkran (Tết té nước Songkran) là dịp để người dân Thái Lan bày tỏ lòng kính trọng Đức Phật với nghi thức tắm tượng Phật bằng nước ướp hoa thơm. Ảnh: Agoda

Nguồn gốc của Lễ hội Songkran được cho là bắt nguồn từ hơn 500 năm trước, với các nghi thức truyền thống vẫn được gìn giữ cho đến nay ở Thái Lan. Ảnh: Agoda

Nổi tiếng là cuộc "thủy chiến" lớn nhất thế giới, năm 2023 lễ hội Songkran (Tết té nước Songkran) được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Với truyền thống văn hóa độc đáo, lễ hội Songkran còn mang đến cho du khách cơ hội trải nghiệm nhiều hoạt động kỷ niệm trên khắp Thái Lan. Hút khách nhất là các chương trình biểu diễn âm nhạc sôi động và những cuộc diễu hành văn hóa hoặc tôn vinh Hoa hậu Songkran, Quý bà Songkran.

Chính phủ Thái Lan mới đây vừa tuyên bố biến lễ hội Songkran (Tết té nước Songkran) thành lễ hội té nước toàn cầu, với các màn "thủy chiến" kéo dài gần hết tháng Tư để thu hút thêm nhiều du khách quốc tế. Điều đó lần đầu tiên được thực hiện trong lễ hội Songkran 2024 (từ ngày 1-21/4).

Cuộc "thủy chiến" mở màn Tết té nước Songkran 2024 trên phố đi bộ Khao San - nơi được mệnh danh là "thiên đường cuộc sống về đêm" tại Thái Lan - ở Thủ đô Bangkok ngày 12/4. Ảnh: Somjit Jaichuen

Bà Sudawan Wangsuphakijkosol - Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan nhấn mạnh rằng đây là cơ hội tốt nhất, để tận dụng các hoạt động theo chủ đề Songkran nhằm thu hút du khách toàn cầu và góp phần kích thích nền kinh tế.

Lễ hội Songkran (Tết té nước Songkran) 2024 được dự đoán thu hút hơn 500.000 du khách quốc tế, tạo ra khoản doanh thu hơn 24 tỷ baht (655 triệu USD). Trước đó, kể từ ngày 1/1 đến 9/4/2024 Thái Lan đã đón hơn 10 triệu du khách quốc tế.

"7 ngày nguy hiểm" của Songkran 2024 khiến 162 người thiệt mạng, 1.279 người bị thương

Dịp này cũng ghi dấu ấn của việc Trung Quốc với hơn 1,92 triệu lượt khách đến đã vượt lên dẫn đầu Top 10 thị trường nguồn về du khách của Thái Lan. Tiếp đó là Malaysia, Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đức, Lào, Mỹ, Anh và Nhật Bản. Top 10 này hiện chiếm 65% tổng lượng du khách quốc tế tới Thái Lan.

Một đám rước rực rỡ sắc màu trên đường Silom ở Thủ đô Bangkok, Thái Lan dịp Tết té nước Songkran 2024. Ảnh: Xinhua

Tổng Cục Du lịch Thái Lan (TAT) quảng bá "quyền lực mềm" của du lịch Thái Lan với Lễ hội hoa đăng Loy Krathong lớn thứ 2 trong năm (sau Songkran) – một trong những lễ hội đẹp nhất, màu sắc và cổ xưa nhất của Thái Lan. Ảnh: thaipbsworld

Lễ hội Songkran (Tết té nước Songkran) được đánh giá không chỉ là động lực chính để chính phủ thúc đẩy "quyền lực mềm" và cạnh tranh với các quốc gia khác, mà còn là thời điểm vàng để kích thích nền kinh tế trong ngắn hạn của Thái Lan.

Quyền lực mềm (soft power) là dùng khả năng giành được những thứ mong muốn, thông qua việc gây ảnh hưởng để khiến người khác làm theo. Một đặc điểm của quyền lực mềm là không cưỡng bức, ép buộc.

Bên cạnh mặt tích cực, Tết té nước Songkran còn được biết đến với một khía cạnh khác gây quan ngại - đó là cảnh báo về "mặt trái" của tấm thảm khổng lồ rực rỡ màu sắc Thái Lan dịp lễ hội Songkran thể hiện qua "7 ngày nguy hiểm" (seven dangerous days).

Gần đây nhất là trong "7 ngày nguy hiểm" dịp lễ hội Songran năm ngoái (từ 11-17/4/2023) đã xảy ra 2.203 vụ tai nạn giao thông, khiến 264 người chết và 2.208 người bị thương.

Du khách và người dân cuồng nhiệt cổ vũ tại lễ hội âm nhạc Siam Songkran 2024 (Siam Songkran 2024 Music Festival), diễn ra ở RCA Central Park Bangkok từ 12-15/4. Ảnh: luxurysocietyasia

Cảnh sát Pattaya, Thái Lan tăng cường nỗ lực hạn chế tai nạn liên quan đến rượu, dịp Tết té nước Songkran 2024. Ảnh: pattayamail

Năm nay tuy trước thềm lễ hội Songkran (Tết té nước Songkran) 2024, Bộ Y tế công cộng Thái Lan đã quyết định thắt chặt kiểm soát việc bán đồ uống có cồn. Nhưng theo thông tin báo chí ngày 16/4, trong "7 ngày nguy hiểm" của Songkran 2024 vẫn xảy ra 1.259 vụ tai nạn giao thông, làm 162 người thiệt mạng và 1.279 người bị thương.

Nguyên nhân chính gây ra tai nạn là do lái xe quá tốc độ, lái xe khi say xỉn và tầm nhìn kém. Hầu hết vụ tai nạn liên quan đến xe máy và những người trẻ ở độ tuổi từ 20 đến 29. Số vụ việc xảy ra nhiều nhất - với 317 vụ tai nạn được báo cáo, làm 38 người tử vong và 311 người bị thương - là vào ngày chủ nhật 14/4 khi nhiều người dân bắt đầu trở lại Thủ đô Bangkok và các thành phố lớn.

Nguồn: Bangkok Post, Xinhua, thaipbsworld

Thanh Nguyễn

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/du-lich-thai-lan-hon-nua-trieu-du-khach-quoc-te-trai-nghiem-tet-te-nuoc-songkran-2024-179240416174251717.htm