Du lịch: tăng thêm khách hay tập trung cho chất lượng?

Hôm qua (22-5), trình bày trước Quốc hội, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhận định, ngành du lịch đã khởi động tốt trong những tháng đầu năm nay, và Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng lượng khách quốc tế lên 30% trong năm 2017.

Du khách nước ngoài tại TPHCM. Vào năm ngoái, thành phố thu hút 5,2 triệu lượt khách quốc tế. Năm nay, TPHCM dự kiến sẽ đón 6 triệu lượt khách và đang kỳ vọng con số lớn hơn là 7 triệu lượt khách - Ảnh: Đào Loan

Nếu đạt được mục tiêu này thì năm nay, Việt Nam sẽ có thêm 3 triệu lượt khách quốc tế, nâng tổng số khách lên đến 13 triệu và đây sẽ năm tăng trưởng ngoạn mục về thu hút lượng khách, tiếp sau thành công của năm 2016.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng sự tăng trưởng về lượng khách sẽ không có ý nghĩa lớn nếu như không đa dạng thị trường và phát triển các dịch vụ liên quan để nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm thu được hiệu quả kinh tế lớn hơn từ khách du lịch. Hiện nay, do không quản lý chặt chẽ và thiếu dịch vụ nên du lịch đang thất thu.

"Tour 0 đồng xảy ở những thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc làm du lịch thất thu. Chúng ta chưa phát triển dịch vụ, hướng dẫn viên... để phục vụ du khách thì doanh nghiệp nước ngoài mới nhảy vào khép kín vòng tròn dịch vụ, tạo nên loại tour này làm du lịch thất thu", ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel nói với TBKTSG Online trong một trao đổi về những vấn đề của ngành du lịch.

Theo ông, tour 0 đồng chỉ là một ví dụ về chuyện thất thu, để thấy nếu không kiên quyết phát triển nguồn nhân lực cùng với dịch vụ nhằm hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng lượng khách thì du lịch sẽ không thể tối đa hóa nguồn thu. Tuy nhiên, có vẻ như việc phát triển dịch vụ cho du lịch sẽ chưa có lời giải pháp rốt ráo vì trong các dự thảo về Luật Du lịch sửa đổi, dự kiến sẽ được thông qua trong kỳ họp Quốc hội lần này chưa có những quy định chi tiết, đầy đủ về việc này.

Du khách nước ngoài mua trái cây tại Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: Đào Loan

Một số doanh nhân khác cũng có ý kiến tương tự, cho rằng hiện đang có sự không đồng bộ giữa mục tiêu tăng trưởng và các chương trình hành động đi kèm để thực hiện mục tiêu đó cũng như phòng ngừa những nguy cơ có thể có khi lượng khách tăng trưởng đột biến.

Chẳng hạn, nếu năm nay, lượng khách tăng thêm 3 triệu thì sẽ đến từ thị trường nào, đã có đủ nhân viên hướng dẫn, có đủ chỗ ăn nghỉ cho khách hay không, hạ tầng có chịu nổi không... Nếu thị trường đó đang phát triển quá nóng tại một vài địa phương thì làm cách nào để giảm áp lực cho hạ tầng, dịch vụ để giữ chất lượng... Chuyện doanh nghiệp không thể tìm đủ khách sạn cho khách du lịch nội địa trong mùa hè này tại một vài địa phương như Nha Trang vì lượng khách nước ngoài đổ đến quá nhiều cũng là một ví dụ cần được mổ xẻ đề tìm lời giải cho việc tăng trưởng lượng khách và phát triển dịch vụ đi kèm.

Hiện tại, tỉnh thành nào cũng thể hiện sự quyết tâm phát triển du lịch, muốn thu hút được nhiều du khách nhất có thể nhưng lại bỏ sót vấn đề phục vụ và chưa lường trước được sức ép của việc phát triển lượng khách đến hệ thống cơ sở hạ tầng của địa phương.

Phú Quốc là một trong những ví dụ về sự tăng trưởng không đồng bộ. Hàng loạt dự án xây khách sạn, resort được cấp phép. Một số dự án mở cửa, giúp đảo ngọc gia tăng lượng khách nhưng do thiếu chính sách đào tạo nguồn nhân lực nên doanh nghiệp rất khó khăn để tìm lao động làm việc tại những dự án này. Thêm vào đó, vấn đề về xử lý rác, nước thải cũng đang là vấn đề lớn khiến nhà đầu tư lo ngại.

"Du khách đến nhiều là điều đáng mừng nhưng ngành du lịch không nên chạy đua về số lượng, không nên nhắm vào sự tăng trưởng lượng khách để tự hào mà nên bước chậm lại, hoàn thiện lại chất lượng sản phẩm, dịch vụ trước khi quảng bá ra bên ngoài để tạo hiệu quả tốt hơn", ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó tổng giám đốc resort Furama Đà Nẵng nói với TBKTSG Online về việc phát triển du lịch.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/160354/du-lich-tang-them-khach-hay-tap-trung-cho-chat-luong.html/