Du lịch Hoài niệm - một hình thức giáo dục lòng yêu nước

Tour Du lịch Hoài niệm chiến trường xưa là hoạt động được nhiều người quan tâm, nhất là trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7). Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Quốc Hưng, Chủ tịch Quỹ Phát triển Du lịch Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội để giúp bạn đọc hiểu hơn về chương trình, sản phẩm du lịch có ý nghĩa này.

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết lý do ra đời tour Du lịch Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội?

TS Nguyễn Quốc Hưng: Trong lịch sử nghìn năm dựng nước, giữ nước và chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, thì mấy chục năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ là những trang sử vàng chói lọi nhất mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" 12 ngày đêm tháng 12-1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Những tên đất, tên làng gắn liền với những chiến công lừng lẫy trở thành những điểm du lịch hấp dẫn. Ở góc độ văn hóa, kinh tế và du lịch, với đạo lý "uống nước nhớ nguồn" chúng ta cần phải bảo tồn, giữ gìn và xây dựng những nơi ấy thành tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc gắn liền với Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Đó là Du lịch Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội (Du lịch Hoài niệm).

TS Nguyễn Quốc Hưng.

Nhân dân Việt Nam với truyền thống nhân văn cao đẹp, với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, trở lại chiến trường xưa, hoài niệm đồng đội cũ không chỉ là nét đẹp của văn hóa truyền thống mà còn là nhu cầu của đời sống tinh thần, đời sống tâm linh của đông đảo mọi người. Nhu cầu đó không chỉ dành cho những ai từng tham gia chiến đấu, mà của mọi người, của các thế hệ người Việt Nam. Hàng triệu cựu chiến binh và thân nhân muốn tới thăm chiến trường xưa để nhớ lại một thời chiến đấu hào hùng, tưởng nhớ những người đã mất; đông đảo khách du lịch, các thanh niên, sinh viên cũng muốn đến để tham quan, học hỏi, giáo dục truyền thống. Trên thực tế, hàng chục triệu người có nhu cầu và mong muốn tham gia chương trình Du lịch Hoài niệm chiến trường xưa. Do vậy, việc xây dựng các tour, tuyến và tổ chức chương trình Du lịch Hoài niệm là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi khách quan.

Truông Bồn (Nghệ An) - di tích cách mạng được nhiều du khách tìm đến. Ảnh: LAN DỊU.

PV: Thực hiện tour Du lịch Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội đã thu được những thành quả gì, thưa ông?

TS Nguyễn Quốc Hưng: Thực tiễn cho thấy Du lịch Hoài niệm triển khai tại tỉnh Quảng Trị hơn 10 năm qua và một số tỉnh, thành phố đã mang lại những kết quả khá khả quan. Thông qua hoạt động, di tích được đầu tư tôn tạo, nâng cấp kịp thời, đúng yêu cầu điều kiện hạ tầng phục vụ du lịch, các dịch vụ phụ trợ cũng được cải thiện phù hợp với nhu cầu của du khách. Khách Du lịch Hoài niệm nội địa tăng mạnh và bước đầu thu hút được lượng không nhỏ khách du lịch quốc tế. Thu nhập qua du lịch tăng, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của người dân địa phương. Rất nhiều cá nhân, tập thể, cơ quan, bộ, ngành khi trở lại chiến trường xưa đã có những đóng góp tích cực về vật chất và tinh thần; nhiều hoạt động từ thiện như xây dựng, tôn tạo bia mộ, nhà tưởng niệm, nhà tình nghĩa… cùng nhiều quyết định đầu tư, tham gia xóa đói giảm nghèo đã được thực hiện ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, Điện Biên, Tuyên Quang, Thái Nguyên…

PV: Chúng ta dự định làm gì để phát triển sản phẩm du lịch giàu ý nghĩa này, thưa ông?

TS Nguyễn Quốc Hưng: Du lịch Hoài niệm đã trở thành sản phẩm du lịch chính, độc đáo và đặc trưng của Quảng Trị. Thời gian qua, loại hình du lịch này phát triển mạnh mẽ không chỉ ở Quảng Trị mà còn ở nhiều địa phương như: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Năm nay, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Quỹ Hoài niệm chúng tôi tổ chức hội thảo “Liên kết phát triển du lịch Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” với sự tham gia của các nhà khoa học, những nhà quản lý du lịch ở Trung ương, địa phương, các CCB, báo chí… để hoàn thiện vấn đề lý luận, trao đổi, đề xuất phát triển sâu rộng và hiệu quả hơn loại hình Du lịch Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội. Chúng tôi có mời một số doanh nghiệp lữ hành lớn như: Hanoitourist, Saigontourist, Vietravel, Viptour… đồng hành cùng chúng tôi tổ chức xây dựng, triển khai, quảng bá, giới thiệu sản phẩm này. Hội thảo cũng sẽ tập trung bàn hướng xây dựng “Con đường du lịch Hoài niệm Bắc Trung Bộ”, kết nối các điểm đến tiêu biểu của Du lịch Hoài niệm do các địa phương giới thiệu. Sau khi liên kết Bắc Trung Bộ thành công, sẽ đề xuất xây dựng tour Du lịch Hoài niệm Việt Bắc, Tây Bắc, tour du lịch hữu nghị (tương tự sản phẩm Du lịch Hoài niệm nhưng mở rộng sang Lào, Cam-pu-chia).

Mong muốn của chúng tôi là đưa Du lịch Hoài niệm lên một tầm mức cao hơn, trở thành phong trào. Phong trào này gắn liền với thực tiễn du lịch, giáo dục truyền thống, lòng yêu nước... được tiếp cận một cách tinh tế, nhẹ nhàng mà hiệu quả.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

MINH NHÃ (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/du-lich-hoai-niem-mot-hinh-thuc-giao-duc-long-yeu-nuoc-513257