Dự án Tạo thuận lợi thương mại: Loại bỏ những bất cập trong thủ tục thông quan

Sáng nay 20/5/2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam đã làm việc với Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ. Dự buổi làm việc có lãnh đạo các sở và đơn vị: Ngoại vụ; Công Thương; Kế hoạch và Đầu tư; Cục Hải quan; BQL Khu kinh tế tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam khẳng định, Quảng Trị cam kết sẽ thực hiện đầy đủ các mục tiêu, nội dung dự án đặt ra-Ảnh: H.N.K

Dự án do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ được triển khai ở 6 tỉnh, thành trên cả nước, thời gian thực hiện là 5 năm. Dự án với mục tiêu loại bỏ những bất cập trong thủ tục thông quan, hỗ trợ áp dụng và triển khai cách tiếp cận dựa trên đánh giá rủi ro tại các cơ quan Hải quan và quản lý chuyên ngành của Việt Nam đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, từ đó tăng cường việc thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới.

Dự án phối hợp với Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính để xây dựng các hoạt động nhằm tinh giản thủ tục thông quan và kiểm tra chuyên ngành; triển khai cách tiếp cận áp dụng quản lý rủi ro giữa cấp trung ương và địa phương; đào tạo, nâng cao năng lực cho công chức Hải quan và công chức các sở, ban ngành của địa phương về quản lý rủi ro, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và hỗ trợ các hoạt động đối thoại giữa Hải quan và doanh nghiệp cũng như giữa các bên liên quan ở cấp tỉnh.

Tại Quảng Trị, dự án dự kiến sẽ thí điểm thành lập Ban Tạo thuận lợi cấp địa phương, đây được xem là bước đầu tiên để thực hiện hóa nỗ lực này. Hoạt động của ban có sự chủ trì, hợp tác của UBND tỉnh Quảng Trị, Hải quan, các sở, ngành liên quan và Hiệp hội doanh nghiệp nhằm duy trì, đối thoại, tham vấn thường xuyên giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp về những vấn đề, trở ngại lớn, tạo thuận lợi thương mại mang tính đặc thù ở từng địa phương. Hỗ trợ tổ chức các sự kiện nâng cao nhận thức và chiến lược truyền thông nhằm quảng bá và vận động các biện pháp tạo thuận lợi thương mại sẽ được áp dụng tại Quảng Trị.

Đây là sáng kiến lần đầu tiên triển khai ở Việt Nam. Hoạt động này phù hợp với Chiến lược khuyến khích sự tham vấn của khối doanh nghiệp nêu trong văn kiện dự án đang triển khai. Dự án mang lại nhiều lợi ích cho tỉnh vì tạo được cơ chế đối thoại giữa các bên về những vướng mắc, nêu ra giải pháp tháo gỡ và đề xuất vướng mắc đó lên trung ương.

Sau khi nghe ý kiến tham vấn của các sở, ngành liên quan, kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam khẳng định, tỉnh Quảng Trị rất chú trọng phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tạo sự thuận lợi trong hoạt động thương mại, đặc biệt là hoạt động xuất, nhập khẩu.

Vì thế, tỉnh Quảng Trị đánh giá cao việc USAID chọn Quảng Trị là một trong những tỉnh, thành trên cả nước tham gia dự án, bởi từ lâu Quảng Trị là một đối tác của USAID. Đây là một dự án mới, Quảng Trị đồng tình cao ý tưởng, mục tiêu dự án nhưng cần có sự phối hợp chỉ đạo của các bộ, ngành trung ương. Để cơ chế phối hợp được nhịp nhàng cần phải có một văn bản thỏa thuận về các nội dung triển khai bao gồm mục tiêu, yêu cầu, phạm vi hoạt động, sản phẩm đầu ra và nguồn lực thực hiện. Một khi lồng ghép được mục tiêu của dự án vào mục tiêu của tỉnh thì dự án sẽ mang lại hiệu quả và có tính bền vững hơn.

Về phía tỉnh Quảng Trị cam kết sẽ thực hiện đầy đủ các mục tiêu, nội dung dự án đặt ra, phối hợp hoạt động với tư cách là tỉnh làm thí điểm để tạo thành công làm cơ sở nhân rộng ra các địa phương khác.

Đề nghị các sở, ngành liên quan như Ngoại vụ, Công thương, Hải quan phải tích cực phối hợp, nỗ lực tham vấn ý kiến chỉ đạo của cơ quan chủ quản để tháo gỡ sự chồng chéo, vướng mắc về chủ trương, chính sách trong quá trình triển khai dự án.

H.N.K

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=148473