Dự án Hồ chứa nước Ka Pét: Hệ lụy vô cùng lớn, nhưng tác động tích cực?

Báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án Hồ chứa nước Ka Pét của UBND tỉnh Bình Thuận nêu, việc mất rừng để lại những hệ lụy vô cùng lớn như lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán, ngập mặn ngày càng nghiêm trọng, sinh cảnh sống của nhiều loài động thực vật bị mất đi. Tuy nhiên, báo cáo này nhận định tác động tích cực từ sự phát triển của dự án vượt trội hơn tác động tiêu cực.

Khu vực sông Bà Bích - nơi chặn dòng làm hồ chứa nước Ka Pét. Ảnh: C.H

Mất 12,2ha rừng giàu, hệ sinh thái đa dạng, nguy cơ lũ lụt, sạt lở...

UBND tỉnh Bình Thuận đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường phục vụ tham vấn cộng đồng của Dự án Hồ chứa nước Ka Pét. Theo báo cáo, hầu hết diện tích rừng và đất lâm nghiệp khu vực dự án là đất có rừng, chiếm 91,15%. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 612,48 ha (chiếm 90,11%). Đáng lưu ý, diện tích rừng giàu là 12,22 ha (chiếm 1,80%), diện tích rừng trung bình là 120,25 ha (chiếm 17,69%).

Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, UBND tỉnh Bình Thuận đã gửi Báo cáo đánh giá tác động môi trường phục vụ tham vấn cộng đồng. Báo cáo đánh giá tác động môi trường phục vụ công tác thẩm định, phê duyệt chưa được UBND tỉnh Bình Thuận gửi. Theo quy trình, sau khi nhận được Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thành lập Hội đồng thẩm định lấy ý kiến các thành viên là các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý.

Báo cáo Đánh giá tác động nêu, rừng nơi đây được bảo vệ nghiêm ngặt nên còn khá nguyên vẹn. Quá trình khảo sát cũng phát hiện 2 loài thuộc danh mục các loài quý hiếm theo Sách đỏ Việt Nam là giáng hương và sơn điều.

Hệ động vật trên cạn, dưới nước tại khu vực thực hiện dự án rất đa dạng, phong phú. Trong đó, trên cạn ghi nhận 162 loài động vật gồm 57 loài thuộc trong các danh lục của Sách đỏ 2007, CITES và Nghị định 32 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

Hệ sinh thái dưới nước cũng rất phong phú và đa dạng về số lượng loài, phần lớn các loài cá ghi nhận được là những loài có giá trị kinh tế và giá trị thương phẩm. Tuy nhiên, không ghi nhận được loài thực vật nào quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và danh sách của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế.

Báo cáo cũng nêu, rừng tự nhiên có vị trí quan trọng về môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu. Việc chuyển đổi lâu dài mục đích sử dụng đất (từ đất rừng tự nhiên sang mục đích khác) sẽ là giảm diện tích đất rừng tự nhiên, làm phân mảnh các hệ sinh thái tự nhiên (khu vực cư trú, đường đi tìm thức ăn của các loại sinh vật), điều này có ảnh hưởng lớn đến quần cư của các loài động vật hoang dã.

Ngoài ra, một nguy cơ có thể xảy ra khi triển khai dự án là tăng khả năng tiếp cận của dân địa phương, dân săn trộm, công nhân xây dựng vào các vùng sâu hơn. Về lâu dài, việc mất rừng tự nhiên sẽ để lại những hệ lụy vô cùng lớn như lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán, ngập mặn ngày càng nghiêm trọng.

Tác động tích cực vượt trội tiêu cực?

Báo cáo cũng nêu, việc chuyển đổi lâu dài mục đích sử dụng đất, trong đó có đất nông nghiệp sẽ làm giảm diện tích đất sản xuất nông nghiệp, cũng như làm thay đổi chất lượng đất, làm giảm khả năng tái tạo, phục hồi môi trường và hoạt động sản xuất nông nghiệp của khu vực.

Báo cáo đánh giá tác động nêu, rừng nơi đây được bảo vệ nghiêm ngặt nên còn khá nguyên vẹn. Quá trình khảo sát cũng phát hiện 2 loài thuộc danh mục các loài quý hiếm theo Sách đỏ Việt Nam là giáng hương và sơn điều.

Hệ động vật trên cạn, dưới nước tại khu vực thực hiện dự án rất đa dạng, phong phú. Trong đó, trên cạn ghi nhận 162 loài động vật gồm 57 loài thuộc trong các danh lục của Sách đỏ 2007, CITES và Nghị định 32 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

“Như vậy, nhóm tác động do việc chuyển đổi lâu dài mục đích sử dụng khu đất dự án là khó tránh khỏi”, báo cáo nêu nhưng đồng thời nhận định, tác động tích cực từ sự phát triển của dự án là hoàn toàn vượt trội hơn các tác động tiêu cực.

Các tác động tích cực của dự án được nêu gồm việc khắc phục tình trạng thiếu nước, đặc biệt là vào mùa khô, điều tiết nguồn nước sông Ka Pét nhằm cấp nước tưới ổn định cho sản xuất nông nghiệp, cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II và sinh hoạt của người dân.

Ngoài ra, dự án góp phần phòng chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết.

Phối cảnh dự án hồ thủy lợi Ka Pét

Về giải pháp giảm thiểu tác động môi trường của dự án, báo cáo nêu, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ phải trồng rừng thay thế trên diện tích 1.844,54ha. Việc trồng rừng thay thế sẽ được thực hiện theo hai đợt. Đợt một sẽ trồng rừng thay thế đối với diện tích 144,74ha rừng tự nhiên bị chuyển đổi (gồm 136,88ha rừng đặc dụng, 0,51ha rừng phòng hộ và 7,35ha rừng sản xuất). Đợt 2 sẽ trồng thêm 1.410,32ha, gồm 910,32ha tại Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông và 500ha khu vực rừng phòng hộ giáp ranh Lâm Đồng.

Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế

Đánh giá về vai trò của rừng tự nhiên, GS.TS Bảo Huy (chuyên gia tư vấn ngành lâm nghiệp) khẳng định, rừng tự nhiên là vô giá.

Theo chuyên gia này, vai trò của rừng tự nhiên hiện nay vô cùng quan trọng liên quan đến ổn định chống biến đổi khí hậu, ổn định về sinh thái môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nước, bảo vệ đất, chống xói mòn lũ lụt…

Hiện rừng tự nhiên mình còn rất ít, vì vậy chức năng sinh thái môi trường của nó là vô cùng quan trọng. Do vậy, khi tác động vào rừng tự nhiên chúng ta phải hết sức thận trọng.

“Muốn tái tạo lại rừng tự nhiên phải mất mấy trăm năm, thậm chí cả nghìn năm, trong khi phá thì rất nhanh, chỉ cần vài ngày con người có thể chặt, cưa, ủi cả trăm hecta rừng rồi”, ông Huy nói. Theo ông Huy, trước đây chúng ra sử dụng rừng tự nhiên với giá trị rất bình thường là chỉ lấy gỗ hoặc lâm sản ngoài gỗ. Còn hiện tại, với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và an ninh sinh thái môi trường thì vai trò rừng tự nhiên ngày càng rõ hơn.

Nói về việc để làm dự án, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ thực hiện việc trồng hơn 1.844 ha rừng thay thế, ông Huy thẳng thắn, chúng ta nên bỏ tư duy về việc trồng rừng thay thế vì hiện ở nước ta việc trồng rừng thay thế có rất ít giá trị thực tế. “Tôi ví dụ, một hecta rừng tự nhiên ở mức trung bình, trong đó thực vật có thể tồn tại hàng trăm, hàng nghìn loài; nhưng một hecta rừng trồng thay thế chỉ có một đến hai loài hoặc ba loài. Làm một phép tính đơn giản như vậy để thấy, rừng thay thế chỉ chiếm 1% - 2% so với đa dạng loài của rừng tự nhiên”, ông Huy nói và cho biết so sánh trên chưa kể đến những tính năng khác, như mức hấp thụ carbon, giữ đất, cải tạo đất, vùng tạo ra thủy văn, môi trường cho các loài động vật đa dạng sinh học….

Một lần nữa khẳng định sự vô giá của rừng tự nhiên, ông Huy cho rằng chúng ta nên bỏ tư duy trồng rừng thay thế hay có suy nghĩ chặt một hecta rừng tự nhiên ở chỗ này thì trồng thay thế một hecta rừng chỗ khác. Bởi theo ông giá trị giữa một hecta rừng tự nhiên và rừng trồng hoàn toàn khác nhau, không thể so sánh được.

XUÂN HOÁT - CÔNG HOAN

NGUYỄN HOÀI

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/du-an-ho-chua-nuoc-ka-pet-he-luy-vo-cung-lon-nhung-tac-dong-tich-cuc-post1566868.tpo