Dự án bệnh viện 800 tỷ bỏ hoang: Phải truy trách nhiệm

Phải có trách nhiệm cá nhân rõ ràng, không thể do tập thể, đổ do khách quan mãi được, ai dùng đồng tiền của nhà nước, của dân phải chịu trách nhiệm.

Có dự án tội gì không làm?

Dự án Bệnh viện 700 giường ở Nam Định được đầu tư 850 tỷ đồng, nhưng thi công 10 năm nay vẫn chưa hoàn thiện, đang bỏ hoang do không có vốn đầu tư tiếp. Trước đó, Kiểm toán nhà nước đưa ra kết luận thanh tra hàng loạt các bệnh viện, các trung tâm y tế địa phương có thiết bị hàng tỷ đồng như đắp chiếu không sử dụng.

Trước thực trạng trên, chia sẻ với Đất Việt, ngày 17/8, bác sĩ Võ Xuân Sơn - Nguyên Trưởng khoa phẫu thuật thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: "Tất cả những thực trạng trên, xuất phát điểm đều do quy hoạch, tổ chức của chúng ta không tập trung, không bảo đảm về một mối, không có kế hoạch cụ thể, không có liên kết giữa địa phương và trung ương, thành ra mỗi một nơi đầu tư theo một kiểu.

Tại Nam Định, đổ tiền vào xây bệnh viện lớn, không đủ vốn thì để cả 10 năm không ai đụng chạm đến, nhưng liệu giờ có tiếp thêm vốn làm có hiệu quả không, khi hiện nay, Bệnh viện Bạch Mai 2, Bệnh viện Việt Đức 2 đang được xây dựng tại đó, cách nhau được bao nhiêu km.

Chưa kể, ở đây chính là câu chuyện quy hoạch khi đặt ra kế hoạch làm nhưng không có nguồn bảo đảm về vốn, làm không có tiền.

Một điều trớ trêu là tiền bỏ ra nhưng lại như vậy, tiền đầu tư cho y tế không đến đâu mà bệnh nhân nghèo không có tiền chữa bệnh. Vừa rồi tôi đi thực tế trên Tây Nguyên, nơi đây được trang bị rất nhiều máy móc như xét nghiệm, siêu âm, điện tim, nhưng BHYT không chi trả.

Dự án bệnh viện 700 giường Nam Định vẫn đang bỏ hoang

Mặt khác, các bác sĩ ở đây đều dùng được máy móc trên, nhưng BHYT chỉ chi trả mức nào đó, nên người dân không được hưởng. Người dân ở đó nghèo hưởng chính sách 100%, mà chi bảo hiểm chỉ đủ khám, uống thuốc chứ không làm được kỹ thuật nào.

Khi lên, chúng tôi cho một xã 1 tháng được 400 suất siêu âm, điện tim thì máy đó mới mang ra sử dụng được, còn nếu không cho thì máy cứ đắp chiếu để đó. Bác sĩ thực tế có đi học cách sử dụng máy, máy có nhưng hóa chất sử dụng kèm không mua được, không biết tính vào đâu, cuối cùng là lãng phí".

Theo bác sĩ Sơn, ở nước ngoài, việc phân cấp về y tế khác với chúng ta, y tế công thì có hệ thống riêng, còn y tế tư thì tự lo, nhưng quy hoạch rõ ràng, không có bí mật, tất cả minh bạch, y tế tư nhân biết khu nào được khuyến khích, khu nào không được.

Còn bên y tế công họ có hệ thống rõ ràng, phân bổ khu vực nào là khu vực nên cần thiết khuyến khích xây bệnh viện, khu vực nào thiếu, đang dư thừa, có quy định cụ thể. Trong khi, tất cả các công trình xây dựng của chúng ta đều không có nguồn vốn cụ thể, nên dẫn đến chuyện dở dang, làm lãng phí nhiều, mà tiền đó nếu làm nghiêm chỉnh lại, thì có thể giúp cho bao nhiêu người nghèo, chữa được bao nhiêu bệnh.

"Nếu so sánh với y tế nước ngoài, thì cần làm rõ là nước ngoài, vì như các nước châu Phi cũng chẳng khác gì chúng ta, Indonesia có khá hơn, Philippine cũng vậy cũng có khu vực tham nhũng, lãng phí, chính vì tham nhũng đó dẫn đến lãng phí, Như công trình Nam Định không ai dám khẳng định không phải vì tham nhũng mà cố gắng làm dự án để lấy mấy trăm tỷ.

Còn các nước phát triển như Anh, Úc, Pháp, Mỹ, con bài về y tế rất chặt chẽ. Như Mỹ, khu vực này đang cần MRI, thì họ khuyến khích cho chỗ đó được ưu đãi, khi đủ thì họ cắt luôn không có khuyến khích, thậm chí làm khó, để cho mấy máy đã mua hoạt động hiệu quả và sinh lời, chứ không đưa ra quá nhiều máy để cạnh tranh nhau.

Trong khi ở các khu vực khác chưa có đủ thì lại kích thích và hỗ trợ để có được cái đó. Còn y tế công thì họ sẽ xem khu vực nào không có y tế tư nhân tham gia, khu vực nào không sinh lời, khu vực khó khăn sẽ đầu tự.

Nổi bật là ở Úc, bên rìa đại dương, có các thành phố lớn như Sydney họ để cho tư nhân làm nhiều, nhưng khu vực trung tâm cả mấy nghìn km2 phải đi khám bệnh bằng trực thăng, không tư nhân nào làm, thì nhà nước vào cuộc.

Họ sắm trực thăng, kiếm bác sĩ, một ngày một bác sĩ khám cho được 3 bệnh nhân, vì bay hàng trăm km gặp người này, rồi lại bay hàng trăm km gặp người khác. Khám bệnh mà chi phí lên cao, không tư nhân nào làm thì y tế công nhảy vào, nghĩa là họ có sự phân bổ rõ ràng, cụ thể, khu vực, từng giai đoạn nên không bị chuyện như chúng ta.

Nếu như xây dựng một bệnh viện mấy trăm tỷ mà để không, họ sẽ bị cách chức, đi tù, nên họ sợ, còn chúng ta làm thoải mái, không bị sao, chỉ rút kinh nghiệm thì cứ làm", ông Sơn chỉ rõ.

Làm sai có cách chức được không?

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại cho rằng, với dự án bệnh viện 850 tỷ đồng bỏ hoang, phải kiểm điểm chủ đầu tư đó chính là UBND tỉnh Nam Định, anh đề xuất làm dự án, rồi báo cáo cấp trên duyệt để làm, nhưng không hoàn thành được công trình đưa vào sử dụng thì anh phải chịu trách nhiệm.

Liệu có cách chức những người làm sai

Thực tế, chắc chắn do tỉnh chưa có nhu cầu, chưa cấp thiết cần có bệnh viện nhưng xin được dự án thì cứ xin, lấy được tiền về thì cho đấu thầu, cho làm, chia chác nhau tiền.

Cũng do không phải nhu cầu bức xúc nên không đôn đốc, kiểm tra, câu dầm, đến bây giờ vẫn chưa xong.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/du-an-benh-vien-800-ty-bo-hoang-phai-truy-trach-nhiem-3341313/