Đột phá ở vùng đất chua phèn Tam Nông

Sau 40 năm tái lập, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã có những đột phá ấn tượng. Vùng đất chua phèn, ngập lũ ngày nào đã trở thành nơi đáng sống của người dân, đáng trải nghiệm của doanh nghiệp, du khách trong và ngoài nước.

Một góc trung tâm huyện Tam Nông (Đồng Tháp)

Khai thác hiệu quả vùng Đồng Tháp Mười

Huyện Tam Nông được thành lập năm 1983, hiện có 11 xã và 1 thị trấn, diện tích tự nhiên là 473 km2, dân số 100.098 người. Nằm về phía Bắc của tỉnh Đồng Tháp, thế mạnh của Tam Nông là huyện có đủ đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp và du lịch sinh thái. Vườn quốc gia Tràm Chim rộng hơn 7.300 ha, là khu Ramsa thứ 4 của Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới - nơi lưu giữ các giá trị độc đáo về văn hóa, lịch sử và nghiên cứu, khai thác hợp lý hệ sinh thái của vùng vì lợi ích Quốc gia và đóng góp vào việc bảo vệ môi trường sinh thái chung của vùng Đông Nam Á, đồng thời góp phần phát triển du lịch, trải nghiệm, nghỉ dưỡng…

Sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975), để giải quyết nạn thiếu lương thực, một vấn đề lớn đặt ra là làm thế nào để chinh phục, cải tạo Đồng Tháp Mười thành vùng trọng điểm sản xuất và cung cấp lương thực, thực phẩm cho cả nước. Chương trình Đồng Tháp Mười kịp thời được triển khai với những nỗ lực của toàn tỉnh, đã góp phần ngăn chặn nguy cơ thiếu lương thực.

Đầu thập niên 1980, huyện Tam Nông đưa hơn 2.500 lượt người lao động tham gia đào mới, nạo vét một số con kênh dẫn nước từ kênh Đồng Tiến, kênh Cà Dâm, kênh Lung Bông, kênh 2/9… vào đồng ruộng nhằm tháo chua, rửa phèn phục vụ sản xuất lúa đông xuân, từng bước thay cho diện tích lúa mùa nổi. Cùng lúc này, tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ huyện xây dựng một số công trình thủy lợi tạo nguồn như kênh Tân Công Sính 1, Tân Công Sính 2, kênh Gáo Đôi, kênh Kháng Chiến, kênh Mười Tải… Công tác thủy lợi đã có tác dụng cho việc chuyển đổi canh tác lúa mùa nổi sang lúa tăng vụ. Chương trình Đồng Tháp Mười đã khai hoang, đưa vào sử dụng 10.000 ha đất trồng lúa và chuyển 15.000 ha lúa 1 vụ lên 2 vụ, đưa tổng sản lượng lương thực toàn huyện từ 25.000 tấn (năm 1979) lên 60.000 tấn (năm 1983). Đây được coi là giải pháp đột phá của Trung ương và địa phương nhằm khai thác tiềm năng vùng Đồng Tháp Mười.

Tam Nông phấn đấu đến năm 2024 đạt chuẩn huyện nông thôn mới và có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. Tập trung phát triển doanh nghiệp, hộ kinh doanh; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã...

Thực tiễn đó giúp Trung ương có đủ cơ sở để đánh giá tiềm năng to lớn về nông - lâm - ngư nghiệp của vùng Đồng Tháp Mười. Cũng chính từ đây, chủ trương của Chính phủ là mở rộng chương trình khai thác toàn bộ vùng Đồng Tháp Mười ra 3 tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang.

Từ đó đến nay, bên cạnh việc huy động đào kênh phục vụ nhu cầu di dân kinh tế mới, huyện Tam Nông đã tập trung các nguồn lực xây dựng hạ tầng và an sinh phúc lợi, an toàn xã hội, nhằm tạo điều kiện giúp dân sớm ổn định, lập nghiệp và yên tâm sản xuất. Hỗ trợ việc mở rộng và phát triển giao thông Đồng Tháp Mười, một kế hoạch có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển toàn diện vùng này. Bởi vậy, từ một huyện nghèo, xuất phát điểm thấp, thiếu lương thực, Tam Nông đã có những bước đổi thay đáng kể, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn và đô thị phát triển hài hòa, khang trang.

Tăng trưởng ổn định và bền vững

Với tư duy chuyển từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại, chính quyền huyện Tam Nông luôn đồng hành hỗ trợ người dân, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, triển khai nhiều mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp triển khai các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cho 17.332/70.000 ha, góp phần tăng lợi nhuận, cải thiện đời sống và thu nhập của nông dân.

Đi liền với đó là phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với các ngành chế biến thủy sản, sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất gạch, quần áo may sẵn, thịt gia súc giết mổ, gạo xay xát lau bóng... nhờ đó, tốc độ tăng trưởng của huyện đạt bình quân 8%/năm.

Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển đô thị được Tam Nông đặc biệt quan tâm. Huyện đã phối hợp thực hiện nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 30; Dự án đường ĐT.845 (đoạn Trường Xuân - Tân Phước); Dự án Nâng cấp mở rộng tuyến đường ĐT.843; Dự án Nâng cấp mở rộng tuyến đường ĐT.855 (đoạn thị trấn Tràm Chim - Hòa Bình); Dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT.844 và hệ cầu trên đường ĐT.844. Đồng thời, tập trung nguồn lực của địa phương để đầu tư đường đô thị, đường huyện và đường giao thông nông thôn cơ bản hoàn thiện.

Triển khai lập Chương trình phát triển đô thị thị trấn Tràm Chim theo tiêu chí đô thị loại IV và đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn thị trấn Tràm Chim tương đối hoàn chỉnh, thực hiện đầu tư phát triển đô thị xã An Long theo hướng quy hoạch đô thị loại V, đồng thời lập mới quy hoạch đô thị loại V cho trung tâm 2 xã Phú Thành A và Hòa Bình.

Lĩnh vực thương mại - dịch vụ, du lịch cũng có bước tăng trưởng khá, với tổng mức luân chuyển hàng hóa hàng năm tăng trên 11%. Hệ thống các chợ được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân và doanh nghiệp. Các điểm tham quan, khu du lịch, homestay, cùng với khu bảo tồn, Khu du lịch Tràm Chim hàng năm đón hàng trăm ngàn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Đến nay, huyện có 10/11 xã đạt nông thôn mới gồm: Phú Cường (đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao), An Hòa, Hòa Bình, Phú Đức, Phú Thọ, Tân Công Sính, Phú Ninh, Phú Thành A, Phú Hiệp, An Long. Phấn đấu đến năm 2024, Tam Nông đạt chuẩn huyện nông thôn mới (sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết Đảng bộ huyện khóa XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra).

Công tác cải cách hành chính trong thời gian qua luôn được huyện quan tâm thực hiện tốt, đáp ứng được nhu cầu và lợi ích của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, góp phần xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ nhân dân, là một trong những huyện được đánh giá cao về Chỉ số cải cách hành chính, nổi bật là năm 2022, Huyện được xếp hạng 2/12 huyện, thành phố về điểm Chỉ số Cải cách hành chính.

Tam Nông đã triển khai thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục và các cơ quan hành chính nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị. Đến nay 100% cơ quan nhà nước và các trường học thuộc huyện đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số thay thế hoàn toàn văn bản giấy; 100% cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử; hơn 45% doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn huyện tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử và 100% đơn vị trường học triển khai cổng thông tin điện tử, thư điện tử.

Trang thông tin điện tử của huyện thường xuyên cung cấp thông tin, thông báo điều hành phục vụ công tác quản lý giáo dục, truyền thông đến mọi người dân.

Phát triển Tam Nông thịnh vượng, bền vững

Nhằm phát triển Tam Nông theo hướng hiệu quả, chất lượng và bền vững, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) thông qua Nghị quyết với 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược giai đoạn 2020 - 2025 và 11 chỉ tiêu chủ yếu trên các lĩnh vực. Với mục tiêu chính là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn kết, kỷ cương, nêu gương, sáng tạo; chính quyền năng động, phục vụ nhân dân; tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị; phát triển đô thị gắn với du lịch - thương mại - dịch vụ; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, phát huy tiềm năng kinh tế bản địa, vươn lên xây dựng cuộc sống mới, cùng phát triển hội nhập với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Qua hơn 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết, Tam Nông đã đạt nhiều kết quả như: Quốc lộ 30, hệ thống cầu đường ĐT.855, ĐT.844 được nâng cấp và mở rộng; hệ thống giao thông nông thôn cơ bản hoàn thiện; các chính sách về hợp tác xã, du lịch, khởi nghiệp, chuyển đổi số và cải cách hành chính được triển khai kịp thời, giúp kinh tế - xã hội phát triển.

Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục duy trì và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả; hoạt động công nghiệp, dịch vụ, du lịch phát triển ổn định. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị tạo cho Tam Nông nhiều khởi sắc.

Đảng bộ và chính quyền huyện Tam Nông đề ra 3 giải pháp chính để phát triển Tam Nông bền vững.

Một là, tập trung phát triển kinh tế, tiếp tục tạo dựng hình ảnh địa phương gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo điều kiện sản xuất với quy mô lớn, an toàn, hiệu quả.

Hai là, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; vận dụng hiệu quả các chính sách, chủ động chuẩn bị các dự án, quy hoạch cụm công nghiệp, khu đô thị; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cấp, cải tạo mạng lưới điện nhằm thúc đẩy công tác xúc tiến đầu tư trên địa bàn huyện, nhất là đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, du lịch. Phấn đấu đến năm 2025 phát triển hoàn thiện mạng lưới giao thông nông thôn đến tận các ấp.

Triển khai thực hiện các dự án phát triển đô thị trên địa bàn huyện như: Dự án Hệ thống đê bao nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ đời sống của người dân thị trấn Tràm Chim; Dự án khu quảng trường kết hợp văn hóa thể thao - dịch vụ; Khu đô thị phía Nam đường Võ Văn Kiệt; Khu đô thị mới chợ Tam Nông; phát triển khu đô thị mới bờ Đông thị trấn Tràm Chim; Khu đô thị mới An Long, xây dựng chợ An Long mới.

Thực hiện lập Chương trình Phát triển đô thị thị trấn Tràm Chim theo tiêu chí đô thị loại IV; Chương trình phát triển đô thị trung tâm xã Phú Thành A, Hòa Bình theo tiêu chí đô thị loại V đúng lộ trình, kế hoạch đề ra.

Ba là, phát triển giáo dục, văn hóa - xã hội, thể dục, thể thao, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững. Chú trọng công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.

Tiếp tục nâng cao công tác điều hành năng động, quản lý hiệu quả, trách nhiệm; phát huy dân chủ, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở; phối hợp thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở; phát huy vai trò của người dân trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Kiến tạo hệ thống chính quyền phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp. Thực hiện tốt các giải pháp cải thiện và nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị hành chính công trên địa bàn huyện.

Huy Tự

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dot-pha-o-vung-dat-chua-phen-tam-nong-d195954.html