Đồng Văn trồng cây lê gắn phát triển du lịch trải nghiệm

BHG - Huyện Đồng Văn xác định cây lê là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Theo thống kê, hiện huyện có diện tích trồng lê lớn nhất tỉnh với 348 ha, chủ yếu là giống lê địa phương, VH6, Đài Loan; được trồng chủ yếu ở các xã, thị trấn như Phố Cáo, Phố Bảng, Phố Là, Lũng Cú, Má Lé, Lũng Táo…; sản lượng thu hoạch trên 954 tấn/năm.

Việc xây dựng nhãn hiệu Lê Đồng Văn luôn được huyện quan tâm, gắn với thương hiệu cây ăn quả ôn đới đặc trưng vùng Cao nguyên đá; các địa phương trên địa bàn huyện thực hiện tốt việc quy hoạch vùng trồng tập trung để thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch. Huyện cũng đã xây dựng đề án phát triển cây lê, trồng cây ăn quả ôn đới gắn với du lịch sinh thái, coi đây là một hướng đi đúng đắn và cần thiết, nhằm đánh thức tiềm năng của trồng cây ăn quả ôn đới, là cách tốt nhất để nông dân bán nông sản chất lượng cao ngay tại vườn với giá phù hợp mà không phụ thuộc thương lái. Khi chất lượng nông sản tốt, canh tác theo phương pháp dần chuyển sang hữu cơ cùng cảnh quan đẹp, gắn với du lịch trải nghiệm sẽ đem lại nhiều hiệu quả, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Vườn Lê của gia đình ông Giàng Chử Lù, khu phố 2, thị trấn Phố Bảng hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập khá.

Theo các nhà nghiên cứu, lê là cây ăn quả ôn đới, cây thân gỗ lâu năm. Quả lê chứa một lượng lớn đường Sacaro, các chất péc tin, a xít, các loại vi ta min C, vi ta min A; quả lê chín dùng để ăn tươi, chế biến thành nước quả, phơi sấy khô, làm mứt, siro… giúp tăng cường sức khỏe con người. Những năm gần đây, quả lê được người tiêu dùng ưu chuộng với đặc tính chất lượng đặc trưng và mức độ an toàn thực phẩm, nhất là những giống lê địa phương, lê đỏ, lê xanh. Giá thành của lê tại các địa phương khá cao, dao động từ 20.000 – 50.000 đồng/kg quả lê tươi tùy vào chủng loại.

Nhiều hộ dân ở Đồng Văn đã thoát nghèo, vươn lên từ việc trồng lê, tiêu biểu như gia đình anh Trương Chính Lùng, thôn Phố Là B, xã Phố Là có diện tích 2 ha lê đang cho thu hoạch năm thứ 6, giá bán dao động từ 15.000 đồng/kg, mang lại thu nhập 110 triệu đồng/năm; gia đình anh Mua Mí Pó, thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là từ hộ khó khăn, sau khi cải tạo vườn tạp trồng lê giúp gia đình có công việc ổn định, thu nhập 75 triệu đồng/năm; gia đình ông Giàng Chừ Lủ, khu phố 2, thị trấn Phố Bảng trồng lê theo đề án của huyện được hỗ trợ cây giống, phân bón đến nay cho thu nhập 50 – 70 triệu đồng/năm…

Người dân xã Sủng Là tham gia tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cây lê tại vườn.

Đồng chí Lê Thị Bộ, Phó Chủ tịch UBND xã Sủng Là, khẳng định: Trên địa bàn xã hiện đang có nhiều hộ gia đình có thu nhập khá từ phát triển cây lê, tiêu biểu, như: Hộ ông Sùng Sía Mua, thôn Mo Pải Phìn, trồng 0,3 ha; Vừ Mí Vàng, thôn Sáng Ngài trồng 1 ha; Vàng Mí Cơ, thôn Lao Sa trồng 0,2 ha; Nông Thị Thủy, thôn Đoàn Kết có trên 200 cây… Thực hiện chủ trương phát triển cây lê của huyện, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện những diện tích đất xấu trồng ngô chuyển sang trồng lê cho thu nhập cao hơn. Qua thời gian ngắn triển khai, thấy được lợi ích từ việc trồng lê mang lại, đến nay người dân đã tự giác thực hiện.

Để phát triển, nhân rộng diện tích cây lê, huyện Đồng Văn chỉ đạo các xã, thị trấn vùng trọng điểm tiến hành rà soát, xác định rõ vùng trồng, đôn đốc người dân mua phân bón, làm đất, trồng và chăm sóc. Cùng đó, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn trực tiếp ký hợp đồng với đơn vị cung ứng cây giống, đảm bảo chất lượng khi cây sống với tỷ lệ cao. Xây dựng kế hoạch tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây lê cho người dân theo quy trình.

Bài, ảnh: MINH KHAI

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202405/dong-van-trong-cay-le-gan-phat-trien-du-lich-trai-nghiem-5d434d4/